Bí ẩn cây xanh 300 tuổi hóa giải những chuyện không may

Thời sựThứ Sáu, 23/08/2013 11:00:00 +07:00

Ngôi tháp chứa xá lợi là ngôi tháp cổ nhất và duy nhất được bao phủ bởi một cây sanh cổ thụ với rất nhiều câu chuyện thú vị.

Ngôi tháp chứa xá lợi là ngôi tháp cổ nhất và duy nhất được bao phủ bởi một cây sanh cổ thụ với rất nhiều câu chuyện thú vị.

Theo sử liệu, chùa Hà Tiên từng là chốn tổ đình lớn lớn nhất phía Bắc kinh thành Thăng Long xưa. Ngôi cổ tự này còn được xếp vào hàng “đại danh lam”, ngang hàng với chùa Tích (Ngũ Phúc Tự) và được khởi dựng từ thời Lý Trần trên núi An (tức An Sơn), nay thuộc phường Tích Sơ, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Hiện trong khuôn viên ngôi cổ tự này còn lưu giữ được 8 ngôi bảo tháp, loại 3 tầng. Trong đó, ngôi tháp chứa xá lợi của sư tổ Thích Hải Huân là ngôi tháp cổ nhất và cũng là ngôi tháp duy nhất được bao phủ bởi một cây sanh cổ thụ. Xung quanh ngôi tháp tổ này cũng tồn tại rất nhiều câu chuyện thú vị.

Ngôi tháp cổ nhất chứa xá lợi của sư tổ Thích Hải Huân được bao phủ bởi một cây sanh cổ thụ. 

Chùa có từ thời Hùng Vương (?)

Chùa Hà Tiên tọa lạc trên đồi Hà, quả đồi có thế “long hàm ngọc” (rồng ngậm ngọc) với diện tích 6,2ha. Lần theo dấu vết của lịch sử còn tồn tại trong dân gian thì vào thời Hùng Chiêu Vương, khi quốc gia lâm sự, bà Lăng Thị Tiêu từ vùng Tây Thiên chiêu binh đánh giặc, trên đường về Phong Châu đã nghỉ lại chùa Hà, chiêu mộ thêm tráng đinh trong vùng để hội quân với Hùng Chiếu Vương ở Phong Châu, sau bà được tôn phong là “Quốc Mẫu Tây Thiên”. Vì vậy được nhân dân địa phương lập bài vị thờ Quốc Mẫu tại chùa, gọi là thờ “Đức Thánh Đại Vương”. Theo thuyết này, ngôi chùa được khởi dựng từ thời Hùng Vương và đến nay thì có hàng nghìn năm tuổi.

Còn theo Đại đức Thích Minh Trí - Trụ trì chùa Hà Tiên thì mặc dù một số nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định chùa có từ thời Lý Trần, song do qua nhiều lần trùng tu nên mặt bằng chùa cũ đã bị san ủi hết. Các di vật còn lại cũng không đủ để khẳng định niên đại khởi dựng của ngôi chùa này.

Tư liệu đáng tin cậy duy nhất còn lại đó là tấm bia cây hương 4 mặt có tên “Hà Tiên Thiên đài bi”. Trên tấm bia này ghi rõ, vào năm 1703 (Chính Hòa 24) chùa được nhà vua cho phép trùng tu lại. Quá trình trùng tu ngôi chùa này đã được chính quan dân sở tại dốc lực làm trong 6 năm ròng mới hoàn thành.

Đến giữa thế kỷ XX, chùa Hà bị hủy hoại hoàn toàn do chiến tranh và thời gian. Những năm 60, 70… của thế kỷ XX, nhân dân địa phương đã buộc phải tận dụng những vật dụng của các công trình công cộng để bài trí tượng Phật làm nơi lễ Phật. Điều đặc biệt là dù nền chùa cũ nay không còn nhiều vết tích nhưng khu mộ tháp với 8 ngôi bảo tháp chứa báu thân của các vị tăng ni từng tu tại chùa, thì vẫn còn nguyên vẹn. 8 ngôi bảo tháp này được các nhà nghiên cứu khảo cổ xác định là mang dáng dấp của mộ tháp thời Hậu Lê và thời Nguyễn.

Cùng với 8 ngôi bảo tháp này còn có một tấm bia dẹt được tạo năm Quang Trung thứ 4 (1791) ghi lại sự việc nhà sư trụ trì là tổ Thích Hải Huân (hay còn gọi là tổ Tịnh Huân) nguyện lập đàn tự hóa để cầu mưa cho dân chúng trong vùng tránh được nạn hạn hán, mất mùa đói kém, bệnh tật tai ương. Với những giá trị về lịch sử và văn hóa, chùa Hà Tiên đã được UBND tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) ra quyết định xếp hạng là di tích LSVH cấp tỉnh, năm 1995.

Tự thiêu để cầu mưa


Đáng tiếc là hiện nay ở chùa Hà Tiên không còn lưu giữ được nguồn tài liệu nào nói rõ về thân thế và quá trình tu hành của sư tổ Tịnh Huân. Ngay bản thân Đại đức Thích Minh Trí – người nắm quyền trụ trì chùa Hà Tiên hiện nay cũng không biết rõ về sư tổ của mình ngoài những thông tin ít ỏi trên bia đá. Theo đó, sư tổ Tịnh Huân đã nguyện tự thiêu để cầu mưa cho dân chúng đúng vào ngày 30.5 âm lịch (không rõ năm). Tuy nhiên, dựa vào bia đá được dựng có niên đại thời Quang Trung thì có thể suy luận sự kiện đó diễn ra cách ngày nay phải gần 500 năm.

Dựa vào lời kể của một số vị lớn tuổi ở phường Tích Sơ (TP.Vĩnh Yên) thì ngay từ nhỏ, các cụ đã được ông bà và bố mẹ kể cho nghe câu chuyện về sư tổ Tịnh Huân. Theo đó, xưa kia, vùng này bị nạn thiên tai hạn hán hoành hành trong một thời gian dài. 
Rất nhiều người dân phải lâm vào cảnh đói khát liên miên. Nhiều người bị đói qua đời, một số khác phải bỏ làng đi tha phương cầu thực khắp nơi. Tận mắt chứng kiến những khổ nạn đó, tổ Tịnh Huân đã cho lập đàn tự hóa để cầu mưa cho thiên hạ, tránh nạn hạn hán mất mùa đói kém, giải thoát tai ương cho nhân dân trong vùng.

“Vị cao tăng sau khi phát nguyện trước Tam Bảo và đất trời đã ngồi kiết già, tay lần hạt, miệng niệm Phật ở phía sau khuôn viên chùa, rồi cho đệ tử chất củi lên cao quanh mình, sau đó phóng lửa tự thiêu. Việc tự thiêu không có gì lớn lao hơn ngoài việc cầu mong trời đất thấu hiểu nỗi khổ của dân chúng mà ban mưa xuống, cứu vớt sinh linh khỏi cơn sinh tử. 
Kỳ lạ là khi lửa bốc cháy, thiêu rụi toàn báu thân của ngài nhưng hai bàn tay thì vẫn còn nguyên hình dáng. Và cũng ngay sau khi vị cao tăng vừa hóa thì mây đen vần vũ, sấm chớp ầm ầm kéo đến, mưa tuôn xối xả. Năm đó mùa màng được bội thu, dân chúng trong vùng thoát cơn sinh tử” – cụ già tên V (86 tuổi) kể lại.

Để tưởng nhớ công lao của tổ, đệ tử của ngài lẫn dân chúng trong vùng đã phát tâm bồ đề xây dựng ngôi bảo tháp 3 tầng để lưu giữ tro cốt của ngài theo đúng nghi thức nhà Phật. Ngôi bảo tháp ngày nay vẫn còn vẹn nguyên trong khuôn viên chùa với 3 tầng chính. Tháp cao khoảng 3m, có 4 mặt, được dựng bằng gạch nung đỏ kết dính bằng một loại nguyên liệu tổng hợp từ nhựa cây kết hợp với đất sét nhão.

Mặt chính của tháp quay về hướng chính điện, hai bên mặt tháp xưa kia còn được đặt hai chú voi đá nhỏ có chức năng canh giữ tháp. Nay hai chú voi nhỏ này đã được nhà chùa đưa vào thờ ở gian tổ vì sợ kẻ gian lấy mất. Cách đây vài năm, một gia đình Phật tử đã phát tâm đặt một chiếc bàn đá khá lớn trước mặt chính của tháp để phật tử có chỗ đặt lễ vật mỗi khi đến lễ ở đây.

Đại đức Thích Minh Trí còn cho biết, kể từ năm 2004, khi nhận trụ trì ngôi cổ tự này, không năm nào đến ngày giỗ của ngài mà trời không mưa. Năm thì mưa trước vài hôm, năm thì mưa ngay sau khi vừa xong giỗ. Trước đây, cứ vào 1.6 âm lịch là nhà chùa tổ chức cúng giỗ ngài, nhưng cách đây vài năm nhà chùa đã chuyển sang 2.6 vì ngày mồng 1 người đi lễ chùa đông nên rất lộn xộn.

Điều khó hiểu là không hiểu vì sao trong vườn mộ tháp có tới 8 ngôi bảo tháp nhưng chỉ duy nhất tháp của tổ Tịnh Huân được bao phủ bởi một cây sanh. Cây sanh này có rất nhiều rễ, bao trùm gần trọn 3 mặt phụ của bảo tháp. Tuy rất nhiều rễ nhưng tuyệt nhiên không có rễ nào xuyên qua tường bảo tháp như thường thấy. Càng vươn cao, cây sanh tựa như một mái tóc dài ôm lấy thân tháp. Cũng có người ví von cây sanh này tựa như ngọn lửa đã thiêu hóa báu thân sư tổ, làm lay động trời đất năm nào.

Bà Hoàng Thị Ngát (75 tuổi), làm công quả ở chùa cho biết thêm, người dân trong vùng không ai dám động chạm đến cây sanh vì coi đó là hóa thân của sư tổ. Bà còn kể, có một lần, có bà vãi trong chùa bị đau bụng, uống bao nhiêu loại thuốc không khỏi, nhưng khi ra bảo tháp xin hái một vài lá cây sanh nhai thì khỏi. Cũng từ đó người dân xem cây sanh như một cây thần có khả năng hóa giải những chuyện không may.

“Nhiều gia đình, sau khi có những mối mâu thuẫn không hóa giải được đã sắm lễ đến trước bảo tháp tổ để xin được hái một vài lá cây sanh về để trong nhà, mong cầu mọi chuyện yên hàn. Một số khác mắc bệnh vẫn thường đến đây xin lá cây và rễ cây về nấu nước uống” – bà Ngát nói.

Hàng năm, cứ đến ngày giỗ của ngài, người dân khắp nơi lại tụ hội về để bày tỏ lòng thành kính. Người ta thường “nhiễu” (đi vòng quanh) tháp tổ và cây sanh 7 lần để cầu mọi sự may mắn đến với bản thân và gia đình.





Theo Lao động
Bình luận
vtcnews.vn