Bí ẩn bóng đá Trung Quốc: Vung tiền 'mua cả thế giới'

Thể thaoThứ Ba, 22/03/2016 02:36:00 +07:00

Bí ẩn bóng đá Trung Quốc: Người Trung Quốc không chỉ làm cách mạng với nền bóng đá của chính họ, mà còn muốn vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới.

(VTC News) - Người Trung Quốc không chỉ làm cách mạng với nền bóng đá của chính họ, mà còn muốn vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới.

“Người Trung Quốc vung tiền mua cả thế giới” – là tít báo xuất hiện dày đặc trong năm 2015 sau khi viện nghiên cứu Rhodium tung ra bản báo cáo về tình hình đầu tư ra nước ngoài của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo đó, tổng tài sản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vào năm 2020 sẽ đạt mức xấp xỉ 2000 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với hiện tại. Trong danh sách đó, các quốc gia châu Âu với tình hình kinh tế ảm đạm đã trở thành mục tiêu chính.
Huawei tài trợ cho Arsenal
 Huawei tài trợ cho Arsenal
Người Ý từng than phiền rằng quá nửa số quán café ở Rome đã rơi vào tay các ông chủ Trung Quốc. Và dĩ nhiên, bóng đá với lượng người hâm mộ khổng lồ cũng không phải là ngoại lệ.

Chỉ tính riêng ở La Liga, đã có 2 đội bóng bán cổ phần cho các đại gia Trung Quốc là Atletico Madrid (bán 20% với giá 45 triệu euro cho tập đoàn Dalian Wanda của tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin) và Espanyol (bán 56% với giá 14 triệu euro cho tập đoàn có trụ sở ở Quảng Đông Rastar).
 
Chủ tịch mới của đội bóng xứ Catalan còn đặt mục tiêu sẽ tham dự Champions League trong 5 năm tới. Ngoài Espanyol, 12 đội bóng khác tại La Liga cũng nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các công ty Trung Quốc. Con số tương ứng ở Premier League và Bundesliga là 6 và 4.

Cùng lúc đó, tại Czech, tập đoàn năng lượng Trung Quốc cũng mua lại phần lớn cổ phần của đội bóng giàu truyền thống nhất nước này, Slavia Prague.

Đó có thể là những hợp đồng tài trợ trên áo đấu (như Watford với thương hiệu 138.com), chạy quảng cáo trên sân vận động hay liên kết quảng bá sản phẩm mà tiêu biểu là điện thoại Huawei (được quảng cáo bởi các cầu thủ Arsenal).

Hãng viễn thông này bắt đầu đầu tư vào bóng đá châu Âu từ năm 2011 và là thương hiệu Trung Quốc nổi bật nhất trong lĩnh vực này. Danh sách các đội bóng mà Huawei tài trợ có thể khiến nhiều đối thủ ghen tỵ: Arsenal, Dortmund, Milan, PSG, Atletico, Anderlecht…
Yingli Solar kết hợp với Bayern Munich
Mục tiêu đầu tiên của các công ty Trung Quốc dĩ nhiên là quảng bá hình ảnh tới thị trường nội địa hơn một tỷ dân vốn luôn phát cuồng với bóng đá châu Âu bấy lâu nay. Nhưng mọi thứ không dừng lại ở đó.

Hãy nhìn vào Yingli Solar, hãng năng lượng mặt trời hàng đầu thế giới đã chính thức tài trợ cho Bayern Munich kể từ năm 2011. Sản phẩm của Yingli được sản xuất ở Trung Quốc và được xuất đi toàn thế giới, trong đó 60% lượng xuất khẩu là vào thị trường Đức. Trụ sở châu Âu của Yingli cũng được đặt tại Munich.

Ông chủ của Yingli, một cựu sĩ quan quan đội tên là Miao Liansheng có một tình yêu lớn cho bóng đá và nước Đức. Ông sở hữu một trang trại với 10.000 con lợn giống được nhập khẩu từ Đức và dự định sẽ chuyển tới xứ Bavaria khi về hưu.

Nhưng đó là chuyện của nhiều năm nữa, còn hiện tại, người hâm mộ toàn thế giới dõi theo bước chân của những Robben hay Lewandowski kèm theo những banner quảng cáo cho Yingli Solar chạy trên sân Allianz Arena.
Torres giao lưu với học sinh Trung Quốc
 Torres giao lưu với học sinh Trung Quốc
Các đại gia Trung Quốc có thừa vốn và rất khát khao vươn ra thế giới, trong khi bóng đá châu Âu có danh tiếng và hệ thống quản trị chuyên nghiệp hàng đầu. Đó là một sự kết hợp không thể tuyệt vời hơn trong con mắt của các nhà đầu tư, và cả các chính trị gia nữa.

Không khó hiểu khi chuyến thăm câu lạc bộ Manchester City của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại có cả sự xuất hiện của thủ tướng Anh David Cameron và nó thậm chí còn trở thành điểm nhấn thu hút giới truyền thông.

Việc “Quyền lực mềm” của Trung Quốc vươn ra thế giới bóng đá sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Chí Thiện
Bình luận
vtcnews.vn