Bí ẩn bóng đá Trung Quốc: Mua nhiều sao, ĐTQG vẫn lao đao

Thể thaoThứ Ba, 05/04/2016 08:00:00 +07:00

Bí ẩn bóng đá Trung Quốc: Liệu nền bóng đá Trung Quốc có thực sự được hưởng lợi sau hàng loạt phi vụ đình đám thời gian qua?

(VTC News) - Liệu nền bóng đá Trung Quốc có thực sự được hưởng lợi sau hàng loạt phi vụ đình đám thời gian qua?

Theo transfermakt, các câu lạc bộ ở giải vô địch quốc gia Trung Quốc đã chi tới 366 triệu USD để chiêu mộ cầu thủ trong kì chujyển nhượng vừa qua, nhiều hơn giải đấu có mức độ phổ cập lớn nhất hành tinh là English Premier League tới hơn 100 triệu USD.

Không khó để kể tên các ngôi sao tầm cỡ thế giới đã đầu quân cho các đội bóng Trung Quốc, sự quan tâm của khán giả dành cho giải đấu cũng tăng lên. Nhưng để đánh giá về chất lượng của một nền bóng đá, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sức mạnh của đội tuyển quốc gia, điều mà người Trung Quốc chưa có được vào lúc này.
 Trung Quốc vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2018 khu vực châu Á
Tại vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á vừa diễn ra, họ đã đánh bại Qatar một cách rất kiên cường trên sân nhà với tỷ số 2-0 để giành quyền lọt vào vòng tiếp theo với tư cách một trong 4 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.

Nhưng điều kì diệu ở vòng cuối cùng đó có thể đã không xảy ra, nếu Triều Tiên, đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc, không bất ngờ để thua Philippines với tỷ số 3-2 dù đã dẫn trước 2-1 khi trận đấu chỉ còn vài phút ngắn ngủi. Nếu xét đến các đối thủ ở cùng bảng đấu chỉ là Qatar, Hongkong hay Maldives, thì thành tích của thầy trò HLV Gao Hongbo càng trở nên đáng lo ngại hơn. 

Lần gần đây nhất và cũng là lần duy nhất Trung Quốc giành vé dự World Cup là cách đây 14 năm, khi châu Á lần đầu tiên đăng cai giải đấu lớn nhất hành tinh, và sự cạnh tranh ở vòng loại khu vực dĩ nhiên trở nên “dễ thở” hơn vì hai ông lớn Nhật Bản và Hàn Quốc được miễn đấu loại.
Trung Quốc là điểm đến hấp dẫn mới cho nhiều ngôi sao thế giới
Trung Quốc ở thời điểm đó dưới sự dẫn dắt của người có biệt danh “phù thủy” Bora Milutinovic đã vượt qua vòng đấu loại nhưng để rồi thất bại toàn bộ 3 trận đấu vòng bảng và thậm chí không ghi được bàn thắng nào.

Dù thành tích nghèo nàn là vậy, nhưng đội tuyển Trung Quốc ở thời điểm đó vẫn làm cho nhiều người nhớ đến với sự xuất hiện của những cái tên đã hoặc đang thi đấu ở châu Âu như Sun Jihai (Man City), Fan Zhiyi (Dundee), Li Tie hay Li Weifeng (Everton). 

Kể từ đó đến nay, bóng đá Trung Quốc lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện cả về mặt tổ chức lẫn chất lượng cầu thủ. Giải vô địch quốc gia chìm trong những scandal dàn xếp tỷ số, những vụ bê bối liên quan đến công tác tổ chức khiến cho các nhà tài trợ lần lượt bỏ đi.
Clip: Trung Quốc 2-0 Qatar

Trong khi các cầu thủ đến từ Nhật Bản hay Hàn Quốc ngày càng khẳng định được vị trí của mình ở các đội bóng châu Âu, thì những cái tên đến từ đất nước đông dân nhất thế giới gần như vắng bóng hoàn toàn ở các sân chơi đỉnh cao.

Người ta tự hỏi, vì đâu mà quốc gia có hơn 1,4 tỷ dân lại không thể tìm ra được một đội hình “nghiêm chỉnh” để cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ trong khu vực, thậm chí còn hai lần bị Hongkong cầm hòa ở vòng loại World Cup vừa qua?

Với bản kế hoạch cải tổ bóng đá nói riêng và cả nền thể thao Trung Quốc nói chung mà chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo nước này đã đề ra, có vẻ như câu hỏi trên đã tìm ra lời đáp. Những nhà quản lý bóng đá Trung Quốc biết họ đang ở đâu, và quan trọng hơn họ hiểu rằng để thay đổi được tình trạng trên cần rất nhiều sự đầu tư nghiêm túc và cả thời gian.
Trung Quốc phát triển bóng đá học đường
 Trung Quốc phát triển bóng đá học đường
Một trong những điểm quan trọng trong bản kế hoạch trên là đưa bóng đá vào trường học. Hơn 8000 trường học ở Trung Quốc đã thí điểm đưa bóng đá vào nội dung giảng dạy hàng tuần, và con số ấy dự kiến sẽ tăng lên 50.000 vào năm 2025. Bộ Giáo dục trả lương cho gần 300 giáo viên người nước ngoài để dạy bóng đá cho học sinh trên toàn quốc, đồng thời với việc đào tạo hơn 50.000 giáo viên trong nước. 

Bên cạnh các chính sách quyết liệt của Nhà nước, các câu lạc bộ với nguồn thu tăng vọt trong nhiều năm qua cũng được khuyến khích đầu tư vào các chương trình đào tạo tài năng trẻ.
 
Họ liên kết với nhiều CLB nổi tiếng thế giới như Real Madrid, Inter Milan để đưa các giáo án mới nhất, mời các HLV tốt nhất vào đào tạo học viên tại các trung tâm có trang thiết bị hiện đại nhất. Rõ ràng, có nhiều tiền là một vấn đề, nhưng sử dụng đồng tiền ấy như thế nào lại là một vấn đề khác. 
Trung Quốc mở cả học viện bóng đá Thiếu Lâm
 Trung Quốc mở cả học viện bóng đá Thiếu Lâm
Những tín hiệu tích cực ngày một nhiều lên. Chất lượng cầu thủ Trung Quốc được tăng lên trong thời gian qua, và một vài cái tên đã được các đội bóng châu Âu để mắt đến.

Hẳn nhiều người trong số chúng ta đã đọc tin tức về việc Chelsea định chiêu mộ Zhang Linpeng, trung vệ được mệnh danh là Sergio Ramos của Trung Quốc. HLV Marcelo Lippi từng nhiều lần giới thiệu anh cho các đội bóng ở Serie A, và sẽ không ngạc nhiên gì nếu mùa hè này cái tên Zhang Linpen xuất hiện đâu đó ở những giải vô địch quốc gia hàng đầu của lục địa già. Quan trọng hơn hết, đó mới chỉ là sự khởi đầu cho một trào lưu được chuẩn bị từ lâu.

Chí Thiện
Bình luận
vtcnews.vn