Bí ẩn bóng đá Trung Quốc: 50 diệu kế rung chuyển giang hồ

Thể thaoThứ Ba, 15/03/2016 07:00:00 +07:00

50 diệu kế rung chuyển giang hồ được cho là 50 kế sách giúp phục hưng bóng đá Trung Quốc từ gốc rễ thối nát hiện tại. Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ kế hoạch này

(VTC News) - Tham vọng của bóng đá Trung Quốc không chỉ dừng lại ở những bản hợp đồng như Jackson Martinez hay Ramires.
World Cup 2002 là lần đầu tiên bóng đá Trung Quốc giành quyền tham dự ngày hội túc cầu lớn nhất thế giới, chủ yếu do hai đại diện rất mạnh của khu vực châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc không phải tham dự vòng loại.

Thế nhưng, kết quả mà đội bóng đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới giành được lại rất thất vọng. Sau 3 trận đấu, thầy trò HLV Bora Milutinovic không giành được điểm nào, hiệu số  -9 với 0 bàn thắng. Từ đó đến nay, dù luôn được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng nhưng Trung Quốc không một lần giành vé dự World Cup, và thậm chí bóng đá nước này còn trải qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng với nhiều bê bối ở nhiều cấp độ.
Phù thủy Bora Milutinovic thất bại với bóng đá Trung Quốc
 Phù thủy Bora Milutinovic thất bại với bóng đá Trung Quốc
Tháng 2/2015, dưới sự ủng hộ từ phía chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đưa ra một bản kế hoạch gồm 50 điểm để cải tổ toàn diện nền bóng đá nước này với mục tiêu trước mắt là tham dự vòng chung kết bóng đá thế giới, đồng thời gia tăng “quyền lực mềm” của quốc gia đông dân nhất thế giới trên trường quốc tế.

50 điểm cải cách ấy được nhiều người xưng tụng là 50 diệu kế rung chuyển giang hồ, chấn hưng nền bóng đá Trung Quốc vốn đã lụn bại tận gốc rễ.

Cuộc cải tổ động chạm đến mọi khía cạnh của bóng đá, từ hệ thống quản lý, các câu lạc bộ, giải bóng đá chuyên nghiệp đến đội tuyển quốc gia. Một trong những điểm nổi bật của bản kế hoạch là tách biệt Liên đoàn bóng đá Trung Quốc CFA ra khỏi cơ quan quản lý thể thao của nước này. Những hành vi sai trái của các cầu thủ và câu lạc bộ sẽ do Tòa án tối cao giải quyết. 
Wang Dazhao, một nhà bình luận sống tại Bắc Kinh, cho rằng sự thay đổi này mang tính bước ngoặt. Ông cho biết: “Trước đây các cơ quan quản lý can thiệp quá nhiều vào bóng đá còn các chuyên gia lại không có vai trò gì. Kế hoạch mới này sẽ tạo cơ hội cho các chuyên gia xây dựng được một hệ thống ổn định để bóng đá phát triển”. Sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy làm bóng đá của người Trung Quốc phần nào thể hiện tham vọng lớn lao của họ.
Bóng đá Trung Quốc phát triển đào tạo trẻ
 Bóng đá Trung Quốc muốn phát triển hệ thống đào tạo trẻ
Với mục tiêu dài hạn là đăng cai và giành quyền thi đấu ở World Cup, bản kế hoạch dự định sẽ mở 20.000 trường bóng đá, gấp 4 lần con số hiện tại, trong 5 năm và tăng lên 50.000 trường sau 10 năm.

Chính quyền Trung Quốc cũng cho ra mắt sách giáo khoa bóng đá để bắt đầu áp dụng thí điểm tại hơn 5000 trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn quốc, đồng thời bổ sung ít nhất 1 lớp học bóng đá vào thời khóa biểu hàng tuần của học sinh.

Theo tạp chí Forbes, Trung Quốc muốn gấp đôi con số đóng góp vào GDP từ thể thao, điều mà nhiều quốc gia khác như Mỹ đã làm được từ rất lâu. Rõ ràng đích đến của những nhà quản lý bóng đá Trung Quốc không chỉ là một vài cái tên như Ramires hay Jackson Martinez, mà họ thực sự muốn đưa cả nền bóng đá đi lên.
John Duerden, nhà báo chuyên theo dõi bóng đá châu Á từ năm 2002 nhận xét: “Một trong những nhận thức phổ biến là bóng đá Trung Quốc trước đây chỉ là con số không. Sự thật là đây vẫn luôn là một giải đấu chất lượng khá với lượng khán giả đến sân không hề ít. Bóng đá Trung Quốc có lịch sử lâu dài, với rất nhiều tình yêu trong đó”.
CLB Trung Quốc
 Shanghai Shenhua FC bị tước chức vô địch Trung Quốc năm 2003 vì dàn xếp tỷ số. Drogba từng đá cho CLB này
Những người quan tâm đến bóng đá châu Á hẳn sẽ không lạ lẫm gì với những cái tên như Thân Hoa Thượng Hải,  Thạch Đức Đại Liên, Quốc An Bắc Kinh hay Lifan Trùng Khánh (nơi Lê Huỳnh Đức từng có thời gian sang thi đấu và ghi được 1 bàn thắng) từng xưng hùng ở bóng đá khu vực trong giai đoạn cuối thập niên 90.
Ngoài Premier League hay La Liga, bóng đá nội vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Trung Quốc. Liu Qiang, một nhân viên văn phòng 35 tuổi sống ở Bắc Kinh chia sẻ: “Đội bóng yêu thích của tôi dĩ nhiên là Beijing Guoan (Bắc Kinh Quốc An). Tôi chủ yếu xem Premier League, nơi có nhiều cầu thủ ngôi sao và được tổ chức tốt. Nhưng xét về văn hóa bóng đá, Guoan là không thể thay thế trong tâm trí của tôi. Vì nó đại diện cho quê hương tôi”. 
Hiện tại, đội bóng số 1 Trung Quốc, Guangzhou Evergrande Taobao FC đang xếp hạng thứ 40 trên thế giới, còn đội tuyển quốc gia nam xếp hạng thứ 83, những vị trí quá khiêm tốn so với tiềm năng của nền bóng đá này. Và với những gì diễn ra trong thời gian quan cả ở trên phương diện chính sách và thực tế, có thể tin rằng bóng đá Trung Quốc sẽ sớm vươn mình ra thế giới.


Chí Thiện
Bình luận
vtcnews.vn