Bệnh viện đóng cửa, hàng trăm bác sỹ lo thất nghiệp

Bạn đọcThứ Sáu, 22/08/2014 08:26:00 +07:00

Gần 100 nhân viên, y, bác sĩ đang lo lắng lâm cảnh thất nghiệp vì bệnh viện Dầu khí Dung Quất (Quảng Ngãi) sẽ tạm dừng hoạt động giữa tháng 9.

Gần 100 nhân viên, y, bác sĩ đang lo lắng lâm cảnh thất nghiệp vì bệnh viện Dầu khí Dung Quất (Quảng Ngãi) sẽ tạm dừng hoạt động giữa tháng 9.

Những ngày qua, gần 100 cán bộ, y, bác sĩ bày tỏ âu lo vì công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) thông báo thời hạn chấm dứt hợp đồng lao động vì bệnh viện Dầu khí Dung Quất sắp ngừng hoạt động.

"Chúng tôi gắn bó bệnh viện suốt 7 năm qua, giờ lãnh đạo công ty bảo tự viết đơn nghỉ việc không lương, chờ chuyển về đơn vị quản lý mới để có cơ hội tiếp tục làm việc. Ai không viết đơn thì chấp nhận chấm dứt hợp đồng bắt đầu nghỉ việc từ giữa tháng 9", một bác sĩ cho biết.

Hoạt động từ năm 2007, bệnh viện đa khoa hạng 2 Dung Quất là đơn vị sự nghiệp do tỉnh Quảng Ngãi quản lý. Đầu tháng 6/2011, bệnh viện được chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với 100% vốn nhà nước (đổi tên bệnh viện Dầu khí Dung Quất), hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần song hành theo luật khám chữa bệnh và luật doanh nghiệp.

Ba năm qua, công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) đầu tư hàng chục tỷ đồng trang bị nhiều máy móc hiện đại như máy điện tim, siêu âm, máy lọc thận… đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho hàng chục nghìn người dân cùng chuyên gia, kỹ sư và công nhân làm việc tại Khu kinh tế Dung Quất. 

Ông Nguyễn Phú Minh, Tổng giám đốc công ty CP bệnh viện Dầu khí Việt Nam cho biết, do hoạt động theo luật doanh nghiệp nên bệnh viện chỉ được thanh toán tiền thuốc, dịch vụ khám chữa bệnh ngang bằng chi phí bảo hiểm y tế. Các chi phí khác (tiền lương, khấu hao tài sản, điện, nước...) thì không được tính vào nên bệnh viện Dầu khí Dung Quất càng hoạt động càng lỗ nặng. Trung bình mỗi năm phải bù lỗ khoảng 10 tỷ đồng để duy trì.

Quang cảnh đìu hiu tại bệnh viện Dầu khí Dung Quất. Ảnh: Trí Tín. 
Ngoài ra, Tập đoàn dầu khí Việt Nam thực hiện tái cấu trúc bộ máy theo chỉ đạo của Chính phủ ở các lĩnh vực khai thác, thăm dò, chế biến dầu khí... Riêng lĩnh vực y tế không có trong danh mục cho phép buộc phải ngừng hoạt động bàn giao bộ máy, trụ sở về cho tỉnh Quảng Ngãi quản lý. 

Trong số 99 nhân viên y tế, đối với người có hợp đồng lao động từ một đến ba năm, bệnh viện thông báo chấm dứt hợp đồng trước một tháng. Lao động không xác định thời hạn thì được thông báo chấm dứt hợp đồng lao động trước 45 ngày. Trường hợp lao động là phụ nữ nuôi con nhỏ, đang có chế độ thai sản… xem xét chưa kết thúc hợp đồng. 

"Nếu hoạt động thiếu hiệu quả kéo dài, mỗi tháng chúng tôi phải tốn đến 600 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện thì không thể kham nổi. Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bệnh viện cho phép nhân viên y tế viết đơn xin nghỉ việc không lương. Chờ sau khi bàn giao về tỉnh thì số lao động này sẽ được chuyển về cơ quan quản lý mới có thể tiếp tục làm việc", ông Minh cho hay.

Việc bệnh viện Dầu khí Dung Quất ngừng hoạt động còn khiến hàng nghìn người dân ở các xã khu Đông, huyện Bình Sơn, phải đối diện với nhiều khó khăn khi khám chữa bệnh vừa xa nhà (đi xa hơn 10-5 km so với nơi khám chữa bệnh cũ) vừa tốn kém chi phí lớn.  

Trước tình hình này, Sở Y tế Quảng Ngãi họp bàn cùng các cơ quan chức năng thống nhất phương án chuyển tất cả 16.000 thẻ bảo hiểm y tế với nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện Dầu khí Dung Quất về các Trạm y tế xã và Bệnh viện đa khoa huyện Bình Sơn từ 15/9. Riêng phương án bàn giao bệnh viện Dầu khí Dung Quất, Sở y tế vẫn đang đợi chủ trương của UBND tỉnh Quảng Ngãi. 

Theo VNE
Bình luận
vtcnews.vn