Bệnh viêm loét da: Nguy cơ, phòng và trị

Sức khỏeChủ Nhật, 11/10/2015 09:53:00 +07:00

Bệnh viêm loét ngoài da làm ảnh hưởng tới sức khỏe và năng suất sản xuất của người lao động gây mặc cảm trong giao tiếp

Bệnh viêm loét ngoài da làm ảnh hưởng tới sức khỏe và năng suất sản xuất của người lao động gây mặc cảm trong giao tiếp nhất là người lao đông ở các nơi lao đông tập trung có nhiều bụi công nghiệp.

Chúng tôi có dịp trao đổi với bác sĩ Nguyễn Doãn Thành ở Khoa Vệ sinh lao động nghề nghiệp – Viện Y tế vệ sinh công cộng Bộ Y tế về căn bệnh này.
-Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và nguy cơ của căn bệnh viêm loét ngoài da ở người lao động trong môi trường công nghiệp?

Bác sĩ Nguyễn Doãn Thành: Với nhịp độ phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa ồ ạt ở nước ta hiện nay, công nhân nhiều nhà máy, khu công nghiệp, công trình xây dựng đang phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh viêm về da như viêm loét da, loét vách ngăn mũi, viêm da, chàm tiếp xúc…

Bệnh có triệu chứng phức tạp, chủ yếu do người lao động tiếp xúc, hít thở, dây dính với crôm hoặc hợp chất crôm - một chất đang được sử dụng phổ biến trong các ngành nghề công nghiệp, xây dựng.

Đây cũng là một trong số 21 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm bồi thường chi trả trong quá trình khám chữa bệnh.

 Crôm xâm nhập vào cơ thể theo ba đường: Hô hấp, tiêu hóa và đường da. Những công việc có thể gây bệnh: Chế tạo ắc quy, luyện kim, sản xuất nến, sáp, thuốc nhuộm, chất tẩy rửa, thuốc nổ, pháo hoa, diêm, keo dán, xi măng, đồ gốm, muối crôm, bột màu, men sứ, thủy tinh, bản kẽm, cao su, gạch chịu lửa, xà phòng, hợp kim nhôm, thợ xây dựng, mạ điện, mạ crôm...
 
- Xin bác sĩ cho biết biểu hiện thường gặp của căn bệnh này như thế nào để người lao động kịp thời phát hiện và điều trị?

Bác sĩ Nguyễn Doãn Thành: Biểu hiện ban đầu của bệnh viêm loét da là khô nứt và bong vẩy, có trường hợp thương tổn đầu tiên là những vết trợt hoặc dày trên da kèm theo triệu chứng ngứa về ban đêm giống như bệnh ghẻ. Khi bệnh tiến triển lâu dài biểu hiện lâm sàng giống chàm mãn da dày thâm nhiễm, vị trí thương tổn ở vùng da hở đặc biệt rìa các ngón tay có những mụn nước liên kết thành từng đám xen kẽ đám dày da giống tổ đỉa (dysidrose).

Bệnh viêm loét da có nhiều triệu chứng và phân loại phức tạp. Đầu tiên phải kể đến là loét mắt chim câu: Vết loét thường bắt đầu từ các xây xát trên da. Các nốt sần xuất hiện với đường kính thường nhỏ hơn 1cm.

Bờ vết loét có thành cao dựng đứng như giếng, đáy có vẩy màu hồng sáng, bờ sưng nề thâm tím, loét kéo dài có thể tới xương. Có trường hợp phải tháo khớp, cắt cụt. Kế đến là loét thủng vách ngăn mũi: Hơi và bụi crôm gây nên hiện tượng viêm loét, biểu hiện như viêm mũi cấp với niêm mạc bị kích thích đỏ ửng tiết dịch nhầy, sung huyết.

Bệnh nhân hay ngoáy mũi gây xây xát bội nhiễm. Sau 2-3 tuần vách ngăn thủng, tổn thương loét rộng, lỗ thủng to gây hiện tượng huýt sáo, khi hít thở sâu khó chịu. Ngoài ra còn các bệnh khác như viêm da tiếp xúc, chàm tiếp xúc, ung thư da…

- Để bảo vệ sức sức khỏe của người lao động ở môi trường độc hại có bụi crom thì người lao động phải làm gì thưa bác sĩ?
                   
Bác sĩ Nguyễn Doãn Thành: Các bệnh về viêm loét da tuy có nguy cơ mắc bệnh cao, biểu hiện phức tạp nhưng nếu chủ động phòng, phát hiện bệnh và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ hạn chế được nhiều di chứng về sau.

Đối với cá nhân người lao động cần trang bị đầy đủ và sử dụng hiệu quả các trang bị bảo hộ lao động, thực hiện việc tắm rửa bắt buộc sau khi lao động hoặc tiếp xúc với hóa chất.

Bên cạnh đó, người lao động cũng nên chủ động yêu cầu các loại thuốc bảo vệ da, nhỏ mũi, thuốc bôi vào các vùng da bị dây dính bụi. Khi có những dấu hiệu của bệnh viêm da cần tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Riêng các cơ sở làm việc có môi trường hơi và bụi crôm nồng độ cao quá giới hạn cho phép (0,10 mg/m3) và các nghề tiếp xúc với crôm và hợp chất crôm cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tối đa mức độ nguy hại cho người lao động.

Cụ thể, cơ sở cần thiết kế hệ thống hút bụi, hơi khí độc; tổ chức dây chuyền sản xuất hợp lý, có thể dùng các màn che chắn hay các phương tiện bảo vệ người lao động tránh mọi tiếp xúc không cần thiết.

- Theo bác sĩ, việc chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh viêm loét da nói chung cần thực hiện như thế nào?    
               
Bác sĩ Nguyễn Doãn Thành: Chẩn đoán bệnh da nghề nghiệp cần phải khai thác kỹ tiền sử và khám lâm sàng. Các xét nghiệm: Tét áp, sinh thiết da, nuôi cấy tìm vi trùng, nấm và đến thăm nơi làm việc của người lao động là rất cần cho việc chẩn đoán và tư vấn phòng ngừa.

Điều trị các bệnh da nghề nghiệp bao gồm điều trị bệnh và xác định được tác nhân gây bệnh để giúp người bệnh phòng ngừa, tránh tái phát.

Phòng bệnh bao gồm kế hoạch phòng chung và bảo hộ lao động cho cả đơn vị sản xuất và phòng ngừa cá nhân. Cần phải giáo dục sức khỏe và tư vấn để người lao động biết được tác nhân gây bệnh và cách phòng bệnh, lưu ý: vệ sinh tắm rửa sau khi lao động, bôi các kem bảo vệ: kem giữ ẩm, kem bảo vệ, kem chống nắng...

Ngoài ra người lao động cần phải thường xuyên mặc đồ bảo hộ, bao gồm quần áo, giày ủng, kính đeo, khẩu trang, mặt nạ, tạp dề, găng tay. Việc chọn đồ bảo hộ về chủng loại và chất liệu tùy thuộc vào nghề nghiệp và công việc của người lao động.

Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.


Hà Phương
Bình luận
vtcnews.vn