Hà Nội: Nữ sinh chết đột ngột do dịch sốt xuất huyết 'hoành hành'

Sức khỏeThứ Hai, 22/05/2017 06:57:00 +07:00

Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, có một người tử vong là nữ sinh viên 19 tuổi.

Nữ bệnh nhân được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xác định tử vong do sốc dengue (sốc do sốt xuất huyết). Ngành y tế đã tiến hành vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất, truyền thông bằng loa truyền thanh di động tại khu vực bệnh nhân thuê trọ.

Tại Hà Nội, số bệnh nhân sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 5, đặc biệt 2 tuần gần đây ghi nhận 27 ca. Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng, từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận hơn 700 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái, một người tử vong.

Số bệnh nhân tập trung chủ yếu ở quận huyện Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân....

Hinh anh

Dịch sốt xuất huyết đang quay trở lại với diễn biến khó lường. 

Trước diễn biến khó lường của dịch, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.

Trong đó, đặc biệt tuyên truyền, tổ chức họp dân để thông tin về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn người dân cách phòng chống. Các địa phương tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; tập trung cứu chữa người bệnh để giảm tử vong…

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có văcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Video: Cách diệt muỗi hiệu quả, phòng chống Zika và sốt xuất huyết

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.

(Nguồn: VnExpress)
Bình luận
vtcnews.vn