Bé gái suýt điếc vì tự nhét đồ chơi vào tai

Sức khỏeThứ Bảy, 12/11/2016 07:26:00 +07:00

Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi Dương Tường V. (46 tháng tuổi) trú tại Phú Bình - Thái Nguyên trong tình trạng đau đớn và tai phải chảy rất nhiều máu.

Gia đình bệnh nhi cho biết, khoảng 17h ngày 10/11, bé gái chơi đồ chơi một mình, không có người trông coi. Một lát sau, thấy cháu kêu đau tai phải, gia đình soi đèn vào thì phát hiện cháu đã tự nhét một mẩu đồ chơi nhựa vào sâu bên trong.

Người thân cố gắng tự lấy dị vật ra khỏi tai bé nhưng không được, liền đưa V. nhập Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên lúc 20h50.

15036606_1107273569391033_4375958088129192872_n

Bác sỹ tiến hành tiểu phẫu mổ gắp lấy dị vật ra khỏi tai bé V. 

Bác sỹ Trần Đoàn Huy (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho biết: Cháu V. khi đó rất đau đớn, gào khóc và hoảng sợ, tai phải chảy nhiều máu. “Sau khi soi chiếu, bác sỹ phát hiện dị vật hình tròn bằng nhựa nằm sát màng nhĩ”, BS Huy thông tin.

Ngay sau đó, bệnh nhân được gây mê và tiến hành mổ gắp nội soi. Trong vòng 15 phút, ca tiểu phẫu do bác sỹ Ngô Trung Thắng và bác sỹ Trần Đoàn Huy tiến hành đã đưa thành công dị vật ra khỏi tai bé gái 4 tuổi. 

14963354_1107273629391027_6153877585744060914_n

Mẩu đồ chơi bé V. tự nhét vào tai phải được lấy ra sau ca tiểu phẫu

“May mắn, màng nhĩ của cháu bé không bị tổn thương. Thính giác của cháu không bị ảnh hưởng nhưng cần theo dõi thêm. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định”, BS Huy cho biết.

“Nhiều trẻ nhét đồ chơi vào tai, mũi; thậm chí là nuốt, đã có trường hợp trẻ tử vong vì dị vật vào đường hô hấp. Phụ huynh cần giám sát chặt chẽ con em mình mọi lúc mọi nơi, tốt nhất không cho các con chơi những vật, đồ chơi có kích thước nhỏ”, bác sỹ Trần Đoàn Huy cảnh báo.

Làm thế nào để xử lý dị vật vào tai, mũi bé?

Việc đầu tiên bạn cần làm khi phát hiện có vật thể lạ trong tai hoặc mũi bé là giữ tâm lý bình tĩnh và cố gắng trấn an con. Thêm vào đó, bạn phải đặc biệt lưu ý không được quát nạt làm trẻ khóc, bởi như vậy sẽ vô tình khiến trẻ sẽ hít sâu hơn, tạo điều kiện cho vật lạ tiến vào sâu hơn trong mũi đó.

Nếu cha mẹ nhìn thấy dị vật trong tai, mũi bé thì có thể xử lý nhanh tại nhà:

Trước hết, cần phải xác định được vật thể lạ đó là gì và vị trí của chúng nằm ở sâu hay nông. Nếu dị vật là pin đồ chơi, vật kim loại hoặc côn trùng thì bạn cần phải chú ý cách xử lý dị vật nếu không muốn gây nguy hiểm cho bé. Bên cạnh đó, nếu dị vật nằm sát bên ngoài vành tai hoặc lỗ mũi và bạn có thể nhìn thấy rõ nó thì cách xử lý cụ thể như sau:

Với dị vật nằm trong mũi: Mẹ dùng ngón tay đè bên cánh mũi không có dị vật, sau đó yêu cầu bé xì thật mạnh. Ngoài ra, mẹ cũng có thể yêu cầu con bịt chặt hai tai, sau đó dùng một tay ấn chặt mũi không có dị vật, thổi thật mạnh vào miệng để dị vật trong mũi bắn ra ngoài. Đây là cách làm logic theo cơ chế khí lưu của mối liên hệ tai - mũi - họng.

Cách cấp cứu tạm thời khi có dị vật trong tai, mũi trẻ

Với dị vật nằm trong tai: Nghiêng đầu trẻ về phía tai có dị vật, lắc nhẹ đầu và dùng tay nhẹ nhàng kéo tai trẻ để dị vật rơi ra ngoài. Nếu dị vật không rơi ra ngoài khi lắc tai, bạn có thể trấn an bé ngồi yên để dùng kẹp gắp dị vật ra ngoài (với điều kiện bạn phải nhìn thấy dị vật).

Còn nếu dị vật là côn trùng, mẹ nên dùng đèn pin soi vào để chúng theo đường ánh sáng và bò ra ngoài. Nhưng khi côn trùng không chịu đi ra ngoài theo đường ánh sáng, mẹ có thể xử lý bằng cách nhỏ nước muối hoặc nước sạch vào tai, nằm nghiêng về bên đối diện để côn trùng có thể tự bò ra ngoài.

Nếu dị vật nằm sâu bên trong và bố mẹ không thể thấy rõ dị vật thì cách tốt nhất là đưa bé đến bác sĩ sớm nhất có thể để lấy dị vật ra bằng các dụng cụ chuyên môn, tuyệt đối không cố lấy dị vật ra khỏi tai, mũi bé. Hãy nhớ rằng việc bạn cố gắng lấy dị vật ra khỏi tai, mũi bé mà không thành công có thể khiến dị vật chui vào sâu hơn, khiến bé rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Bố mẹ cần lưu ý rằng sự can thiệp kịp thời của các bác sĩ và các dụng cụ y tế là cực kỳ quan trọng. Ví dụ khi một hạt đậu bị mắc kẹt lâu, nó có thể sẽ nở to hơn và khó lấy ra hơn. Một số dị vật khác còn có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho bé như pin, hay dị vật kim loại.

Hãy đưa bé đến bác sĩ càng sớm càng tốt nếu dị vật nằm quá sâu hoặc là gặp phải những dị vật như pin, kim loại

Làm thế nào để phòng chống tai nạn thương tích trẻ em do dị vật?

Việc trẻ nhỏ đưa một vật vào mũi và tai là việc rất dễ gặp trong đời sống thông thường. Vì vậy, để hạn chế những tai nạn do dị vật gây ra, bố mẹ hãy lưu ý những điều sau:

- Rà soát xem tất cả đồ chơi trong nhà có phù hợp với lứa tuổi của bé hay không.

- Luôn chú ý quan sát cẩn thận trong lúc bé chơi đùa. Cách tốt nhất là bạn nên dạy bé nhận thức được việc nhét đồ vật vào tai hay mũi mình là việc xấu, bé không được làm thế.

- Luôn hỏi han bé xem bé có khó chịu gì khi đi học về hay đi chơi về hay không.

Video: Cận cảnh lấy ráy tai khổng lồ

Tiến Quân
Bình luận
vtcnews.vn