Bầu Kiên và cái lý của người giàu

Thể thaoChủ Nhật, 11/09/2011 02:00:00 +07:00

(VTC News) - Mạnh vì gạo, bạo vì quyền. Câu nói ấy chưa bao giờ cũ, và nó càng có dịp khẳng định tính đúng đắn trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam

(VTC News) – “Mạnh vì gạo, bạo vì quyền”. Câu nói ấy chưa bao giờ là cũ, và nó càng có dịp khẳng định tính đúng đắn trong môi trường bóng đá “chuyên nghiệp” ở Việt Nam.

1. Tập đoàn điện lực Việt Nam hôm nọ lại đề xuất tăng giá điện. Nhìn chung, lý lẽ và chứng cứ thuyết phục đến mức không thể chối từ. Từ quyết định số 24 của Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, cho đến thông tư số 31 của Bộ Công thương cho phép tăng giá điện khi các yếu tố đầu vào đội lên 5%, các bác đều đem ra cả. Và nếu chiểu theo những gì mà EVN đã “tấu lên” thì có lẽ dân tình sẽ lại được một phen khốn đốn nữa bắt đầu từ tháng 9 này.

Lẽ dĩ nhiên, "nói phải thì củ cải cũng nghe". Nhưng người dân nào rặt toàn... củ cải đâu để mà “nghe” cả những điều mới nhắc đến đã thấy phi lý lắm rồi. Đơn cử như chuyện thua lỗ của EVN. Nếu việc thâm hụt phát sinh từ cách quản lý yếu kém và việc đầu tư sai mục đích của bản thân họ thì chẳng lẽ người tiêu dùng cứ phải “è cổ” ra mà gánh lỗ mãi hay sao?

Điều đó có thể đã không xảy ra nếu như Tập đoàn điện lực không phải một công ty độc quyền. Thậm chí nếu cần, EVN sẵn sàng “cho” người dân dùng quạt nan dài dài luôn.

Vị thế kinh tế cho phép EVN làm như vậy. Hay nói một cách bóng bẩy hơn thì “tiền cho họ những quyền không ai xâm phạm được, trong đó có làm giá, giảm sản lượng, và kêu khổ bất cứ khi nào thấy cần thiết”.

Cái đặc quyền của "nhà giàu" nó đáng sợ như vậy đấy.

Bóng đá đang được nâng đỡ bởi sức mạnh của đồng tiền, rất nhiều tiền

2. “Mạnh vì gạo, bạo vì quyền”. Câu nói ấy tiếp tục có cơ hội khẳng định tính đúng đắn trong môi trường bóng đá “chuyên nghiệp” ở Việt Nam.

Bầu Kiên là ai? Là một trong những người giàu nhất Việt Nam, là người đặt nhát cuốc mở đường cho mô hình bóng đá doanh nghiệp ở dải đất hình chứ S (cùng với bầu Đức ở Hoàng Anh Gia Lai), và cũng là người đi tiên phong cho tư tưởng “Bóng đá phải đẻ ra tiền”.

Chính vì vừa làm kinh tế giỏi, lại vừa có năng khiếu đọc trận đấu cũng như chỉ đạo cầu thủ, nên ông luôn tự tin đặt mình ra ngoài vòng xoáy kim tiền của V-League. Bầu Kiên không tiếc vài ba tỷ đồng, nhưng đã chi cái gì là phải ra cái đó. Cái nào đáng thì sẽ mua (thậm chí là bằng rất nhiều tiền, Thành Lương là một ví dụ) nhưng cái gì không cần thì một đồng ông cũng chẳng bỏ (như tuyên bố nói không với tiêu cực ở đại hội VFF).

Tất cả những điều đó đều phải dựa trên một nền tảng kinh tế vững vàng của chính bầu Kiên. Ông có tiền, hơn nữa lại ý thức sâu sắc về sức mạnh của những tờ giấy bạc. Vậy mới có chuyện, khi ông đòi "giải phóng" cho giới truyền thông cũng là lúc cánh cửa mà VFF vốn định khép chặt bật tung bản lề. Rồi khi ông “đe” không tài trợ V-League và cho VFF “chơi bóng” một mình, khối kẻ ngồi dưới phải “run như cầy sấy”.

Ông Kiên nói thẳng, nói thật và tất cả những gì ông phát biểu đều không sai.

Nhưng hãy thử đặt ngược lại vấn đề, nếu những lời đó không phải từ miệng ông Nguyễn Đức Kiên, mà là từ một người khác, thì liệu sức nặng có còn như vậy không?

3. Xin thưa là không.

Cứ nhìn cái cách một mình ông dám “trụ” lại với cả Liên đoàn và Ban tổ chức giải là chúng ta rõ tầm ảnh hưởng và độ gan lì của ông chủ tóc bạc này lớn đến đâu. Chẳng phải tự nhiên mà bộ “thất tinh bắc đẩu” đặt trọn niềm tin vào ông, và cũng không phải vô duyên vô cớ, ông dám tuyên bố “chém” hết từ trên xuống dưới.

 

Vấn đề mà người ta băn khoăn là: vì sao những tồn tại vốn dĩ chẳng lấy gì làm “mới mẻ” của bóng đá Việt Nam bây giờ mới được một người tầm cỡ như ông Kiên nói ra? Hơn 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, những cục sạn được tích lại vốn đã thừa một rổ, nhưng nếu không có chuyện Hà Nội ACB tụt hạng ngay sau khi vừa “thăng” thì liệu một ông chủ nổi tiếng chặt chẽ trong chuyện tiền bạc như Nguyễn Đức Kiên có “dũng cảm” như hôm nọ hay không?

Giáo sư Trần Quốc Vượng trong cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” đã nói như thế này: “Người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay ít người lỗi lạc phi thường. Giàu nghệ thuật hơn giàu khoa học, giàu trực giác hơn luận lý. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn thực học… Trọng lễ giáo song có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo...”

Cứ chiểu theo những điều đó, có thể thấy người Việt Nam ta phần nhiều chỉ thích những thứ vừa và nhỏ, thường quan tâm tới những cái lợi trước mắt, mà ít khi chú trọng đến những cái tổng quát, vĩ mô.

Bầu Kiên có thể nằm ngoài cái tổng kết đó. Điều ấy vốn dĩ đã manh nha từ lâu, bởi ông vốn nằm trong nhóm “thiểu số” giàu nhất Việt Nam. Nay lại càng thêm phần “đặc biệt”, khi tự mình tuyên bố tách ra lập một giải Super Liga riêng.

Nhưng có lẽ ông chủ sinh năm 1964 này quên mất rằng, đó chỉ là cái lý của ông, cái lý của một “người giàu”, cái lý của một người muốn kiếm tiền từ bóng đá.

Còn môn thể thao vua, nó vốn dĩ vẫn thuộc về đại bộ phận dân chúng, những người đã nằm lòng với văn hóa “năn nỉ - xin xỏ”.

Bởi thế mà “cuộc cách mạng” mà bầu Kiên đang nêu ra kia, liệu có nóng vội quá không?

Câu trả lời vẫn còn nằm ở phía trước.

Quân Hào

Bình luận
vtcnews.vn