Bầu cử tổng thống Pháp: Kịch tính

Thế giớiThứ Ba, 24/04/2012 08:51:00 +07:00

(VTC News) - Đã 17 năm qua Tổng thống Pháp luôn là người của phe cánh hữu. Tuy nhiên, điều này có thể sắp thay đổi trong đợt bầu cử năm nay.

(VTC News) – Cuộc đua tới ngôi vị Tổng thống tại Pháp hứa hẹn sẽ có những diễn biến kịch tính giữa hai đối thủ ngang sức ngang tài Sarkozy và Hollande.

Hôm 22/4, Francois Hollande - ứng cử viên Đảng Xã hội phe cánh tả đã bất ngờ vượt qua đối thủ phe cánh hữu, đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy để dẫn trước vòng bầu cử đầu tiên tại Pháp.

Theo đó, nếu có thể giành chiến thắng trong cuộc tranh cử năm 2012, ông Hollande sẽ trở thành vị Tổng thống Pháp đầu tiên thuộc phe cánh tả tính từ năm 1995 cho tới nay.

Trong cuộc bầu cử lần thứ nhất, đương kim Tổng thống Sarkozy giành được 27.2% phiếu ủng hộ và chịu về nhì sau ứng viên mới nổi Francois Hollande với 28.6%. 

Khi cuộc đua tới chiếc ghế Tổng thống Pháp đang sắp bước vào giai đoạn gay cấn nhất, các nhà phân tích đã đưa ra một số nhận định quan trọng liên quan tới sự kiện này.

 Chân dung 10 ứng cử viên Tổng thống Pháp năm 2012


Cuộc đua song mã

Với 10 ứng cử viên tham gia, sau vòng loại đầu tiên, chỉ còn 2 “chiến binh dũng mãnh nhất” tiếp tục đường đua tới ngôi vị lãnh đạo hàng đầu đất nước: Francois Hollande và Nicolas Sarkozy. 

Theo quy định bầu cử ở Pháp, mỗi ứng viên phải đạt được từ 50% phiếu ủng hộ trở lên trong vòng bầu cử cuối cùng mới đủ tư cách để trở thành Tổng thống.

Nếu sau 'vòng loại' thứ nhất vẫn chưa thể tìm ra người có số phiếu trội hơn thì các ứng viên sẽ phải tiếp tục tham gia lượt bầu thứ hai.

Chính vì thế, ngay cả khi ưu thế rõ ràng thuộc về 2 ứng viên là Hollande và Sarkozy thì việc xem xét kết quả của các ứng viên khác cũng vẫn rất cần thiết. 

Ông Michael Leruth, người nghiên cứu và giảng dạy về tổ chức bầu cử thuộc Đại học William & Mary (Virginia) cho biết: “ Các ứng viên còn lại cũng được quan tâm vì họ có ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả cuối cùng.” Theo đó, xếp sau Hollande và Sarkozy là 2 ứng viên khá nặng ký bao gồm: Marine Le Pen (phe cánh hữu) và Jean-Luc melenchon (phe cánh tả) với tỉ lệ ủng hộ lần lượt là 17,9% và 11,1%.
 Ông Francois Hollande và đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là hai người dẫn đâu vòng bầu cử đầu tiên diễn ra hôm 22/4

Ông Leruth nói: “ Nếu trong vòng đầu các ứng viên giành được 27% và 28% thì trong vòng sau họ cần đạt ít nhất là 50%. Và vấn đề đặt ra là làm thế nào để họ có thể bù vào con số 22 – 23% còn lại và tạo ra sự cách biệt với đối thủ trong vòng cuối.”

Một ngày sau khi vòng bầu cử đầu tiên kết thúc, Tổng thống Sarkozy đã tuyên bố: “Chúng ta phải lắng nghe và tôn trọng nguyện vọng của các cử tri”. Phát ngôn này cho thấy đương kim Tổng thống cũng đã bắt đầu ý thức được sức ép của những ứng viên còn lại. Hay nói đúng hơn là vai trò của những lá phiếu bầu mới.

Thuế và việc làm

Vấn đề kinh tế là điểm mấu chốt trong các hội nghị chính trị diễn ra ở Pháp. “Vấn đề hàng đầu được đặt ra trong những tháng gần đây ở Pháp là việc khắc phục nạn thất nghiệp và cải thiện sức mua trong dân chúng.”, phóng viên hãng tin CNN ở Pháp cho hay.

Giải quyết việc làm, nhất là cho những lao động trẻ là một bài toán khó và cũng là một thách thức không nhỏ đối với ông Sarkozy trong lần tranh cử này.

Ông Leruth cho biết: “ Người ta sẽ sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ đương kim Tổng thống nếu ông có thể làm được những việc tác động tích cực và lâu dài tới nền kinh tế đất nước như tăng tuổi nghỉ hưu để kéo dài thời gian cống hiến của người dân Pháp."

 Ứng viên Đảng Xã hội hứa sẽ đem lại nhiều cải cách, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước và sự bình ổn chung trong khu vực đồng Euro

Cũng theo ông Leruth: “Hollande chú trọng hơn tới những hành động của chính phủ nhằm kích thích nền kinh tế, tăng sức mua …Trong khi đó,  ông Sarkozy lại tập trung vào việc cải thiện môi trường làm ăn cho các doanh nghiệp bằng cách giảm một số loại thuế, xóa bỏ luật tuần làm 35 giờ được ban hành từ cuối những năm 90.”

Tuy nhiên, việc ai sẽ chiếm được lòng tin của người dân hơn vẫn là điều chưa chắc chắn.

Nỗi ám ảnh “đế chế cũ”

Nạn nhập cư, phân biệt chủng tộc và tôn giáo ở một quốc gia có số đông người theo đạo Hồi sinh sống như Pháp vẫn là những vấn đề “’muôn thuở” được đặt ra trong các cuộc bầu cử. Nhất là khi những vụ thảm sát liên tiếp tại thành phố Toulouse và Montauban có liên quan tới phần tử đạo Hồi cực đoan trong tháng Ba vừa qua.

Đối với vấn đề nhập cư, Tổng thống Pháp đã thực hiện những biện pháp khá cứng rắn. Hồi đầu tháng 3, ông Sarkozy cho biết, hiện tỉ lệ nhập cư vào Pháp quá cao gây nhiều phức tạp nên "chính phủ sẽ thắt chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế vấn nạn này".

Ông Sarkozy đắc cử Tổng thống Pháp vào năm 2007 và vẫn liên tục nắm giữ vai trò lãnh đạo cao cấp cho tới nay. Theo đánh giá của nhà phân tích chính trị Simon Persico thuộc Trung tâm nghiên cứu Châu Âu thì ông Sarkozy vẫn khá được lòng dân và có quyền hy vọng cho 1 nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, ứng viên phe cực hữu Le Pen lại cho rằng đương kim Tổng thống “chưa phát huy hết sức mạnh ở vai trò lãnh đạo đất nước”.

 Tổng thống Sarkozy gặp phải không ít thử thách với hy vọng về một nhiệm kỳ mới

Cũng theo nhà phân tích Persico: “ Le Pen cho rằng bản gốc thì vẫn luôn luôn tốt hơn bản sao. Và chính vì thế, bà ta khuyên các cử tri không nên đặt niềm tin ở ứng viên Sarkozy trong cuộc bầu cử lần này.”

Hiệu ứng bầu cử Pháp đối với Châu Âu

Tổng thống Pháp Sarkozy có quan hệ hợp tác rất thân thiết với Thủ tướng Đức Angela Merkel kể từ sau vụ khủng hoảng nợ ở Châu Âu. Hai bên đã thảo luận và đồng tình về các chính sách thắt lưng buộc bụng ở Hy Lạp và nhiều quốc gia khác. Điều này khiến dự luận băn khoăn, liệu chiến thắng của ông Hollande có khiến chiến lược ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước biến chuyển theo một chiều hướng mới?

Ông Leruth nhấn mạnh: “ Có một vấn đề đáng quan ngại là đối với khu vực đồng Euro, chiến thắng của ông Hollande có thể sẽ tạo thêm những bất ổn nghiêm trọng”. 

Trong khi trước đó, ứng cử viên Francois Hollande đã nói sẽ điều chỉnh lại những thỏa thuận đã được Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Merkel nhất trí. Lý do là vì ông Hollande nhận thấy các giải pháp trước đây đã khiến nền kinh tế bị kìm hãm trong khi lẽ ra nó cần được đẩy mạnh hơn nữa. 

 Sự thay đổi người lãnh đạo Pháp có thể khiên Châu Âu gặp nhiều bất ổn với đường lối quan hệ mới kiểu Hollande?

Quan hệ Pháp – Mỹ sẽ chuyển sang giai đoạn mới

Hollande đã hứa sẽ rút hết quân Pháp khỏi chiến trường Afghanistan vào cuối năm nay nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Hiện tại vẫn chưa thể xác định đây có phải là một hành động đúng đắn hay không nhưng trước mắt, điều này có thể khiến quan hệ Pari – Washington trở nên căng thẳng.

Tuy nhiên, theo Homer Sutton, một giáo sư người Pháp tại Đại học Davidson: “ Hollande hiểu rõ nước Mỹ có vai trò như thế nào với Pháp và việc Châu Âu quan trọng ra sao đối với Mỹ. Thế nên tôi thiết nghĩ, sẽ có một thỏa thuận hợp tác lý tưởng giữa 2 nước thay vì những gì người ta đang lo ngại.”

Để làm rõ nhận định của mình, giáo sư Homer Sutton đã lấy ví dụ về cuộc bầu cử năm 1981 của ông Mitterrand: Mọi người đều nói rằng việc ông Mitterrand để 4 người cộng sản trong chính phủ của mình là gián tiếp chấm dứt mối quan hệ với Mỹ. Nhưng ngược lại, chính ông là người đã bảo vệ Washington tích cực nhất trong vụ tên lửa ở Đức đấy thôi. Với chính sách của mình, ông Mitterrand có thể vừa không ngừng củng cố mối quan hệ tốt đẹp với Đức , lại vừa không làm mất lòng Mỹ dù cho tư tưởng hai bên có khác nhau”.

 Trong khi đó dư luận cũng không khỏi quan ngại về tương lai quan hệ Pari - Washington nếu tân Tổng thống Pháp không phải là ông Sarkozy

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng một đã diễn ra hôm 22/4 với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt hơn 80%. Kết quả ban đầu cho thấy ứng viên phe cánh tả Francois Hollande và đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy là 2 người đạt số phiếu ủng hộ cao nhất.

Cuộc đua song mã tới ngôi vị cao nhất điện Élysée sẽ tiếp tục diễn ra gay cấn cho tới khi kết thúc vào ngày 6/5 tới.

Hạ Giang







Bình luận
vtcnews.vn