Bát nháo thị trường đồ điện

Kinh tếThứ Ba, 15/06/2010 06:34:00 +07:00

(VTC News) - Nhu cầu sử dụng điện gia tăng, thiết bị điện "rởm" tràn lan cộng với sự lơ là của NTD là nguyên nhân góp phần góp phần gây ra hỏa hoạn...

(VTC News) - Khi thành phố bước vào cao điểm của đợt nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện gia tăng đáng kể thì việc sử dụng các thiết bị điện "rởm" cộng với sự lơ là, thiếu hiểu biết của NTD là  nguyên nhân góp phần gây ra hỏa hoạn.

Tràn lan các thiết bị điện rởm

Dạo quanh một vòng qua các tuyến phố chuyên bán đồ điện gia dụng, chỉ cần lưu ý một chút NTD sẽ thấy đầy rẫy các đồ điện nhái. Từ phíc cắm đã tồi đến ổ cắm cũng không đạt chất lượng, có cái lỗ bé, có cái lỗ to quá khổ, không cắm vừa hoặc các lỗ không đồng đều nhau trên cùng một ổ cắm.

Đặc biệt là các đầu nối, các công tắc nối điện trở nhỏ, chóng ôxi hóa, lão hóa. Một số công tắc có hệ số đàn hồi kém, không trả lại được vị trí ban đầu. Nhiều loại dây nối từ phích cắm vào đèn kích thước quá nhỏ, điện trở lớn, dẫn điện kém, tỏa nhiệt chậm, khi tiêu thụ điện nhiều dễ đứt hoặc gây cháy nổ.

 So sánh để thấy được sự khác biệt: Dây nối kích thước lớn và dây nối kích thước quá nhỏ, dẫn điện kém dễ đứt, gây cháy nổ.  

Dọc đường Trường Chinh (Hà Nội) có đến hàng trăm cửa hàng bày bán các động cơ dành cho máy bơm nước. Thông thường một động cơ máy bơm nước phải có 2 tụ: Tụ thứ nhất – tụ kích, tụ thứ hai là tụ bù. Nhưng nhiều nơi bán máy bơm không có tụ (tức là bớt đi một tụ) để giảm giá thành sản phẩm. NTD nhanh chân mua và khấp khởi mừng thầm vì thấy giá rẻ hơn các sản phẩm bơm nước bình thường khác khoảng 100 nghìn đồng.

Rất nhiều đồ điện bày bán tại các cửa hàng điện gia dụng đầu đường Láng (gần Ngã Tư Sở, Hà Nội) dùng vỏ nhựa mỏng tái chế, ròn, dễ vỡ, dễ gãy, chịu nhiệt kém. Trong khi để đảm bảo an toàn trong sử dụng, các đồ điện phải dùng vỏ nhựa chịu nhiệt cao, vỏ nhựa trong để chống ôxy hóa, dây điện phải cứng cáp, nhẵn bóng tránh va đập, cọ xát mạnh.

Nhiều cửa hàng điện gia dụng dùng vỏ nhựa mỏng tái chế, ròn, dễ vỡ, dễ gãy, chịu nhiệt kém. 

Chị Vũ Thị Hoa, khách hàng đang mua quạt tại cửa hàng điện Tịnh Hiền, 37A Đường Láng, Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Trước đó mấy ngày, tôi có mua một chiếc quạt trên đường Nguyễn Lương Bằng nhưng khi về nhà chỉ sử dụng được 10 – 20 tiếng, quạt đã bắt đầu phát ra tiếng kêu loạc xoạc, ban đêm tôi không sao ngủ được. Tôi định đi mua một cái khác nhưng không biết làm cách nào để phân biệt hàng tốt – hàng rởm, làm cách nào để lựa chọn được mặt hàng tốt nhất”.

Đèn điện: Hàng ngoại thua hàng nội

Theo thống kê của Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, Cựu Giám đốc Trung tâm Tư vấn Đèn Tiết kiệm Điện năng & Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa - Viện Công nghệ Môi trường thì số bóng đèn compact ở Việt Nam hiện đang sử dụng khoảng 50 triệu bóng. Bóng đèn huỳnh quang kể từ T4 đến T10 khoảng 60 triệu. Trong số đó, loại chất lượng thấp phải bỏ đi sau khoảng một năm sử dụng chiếm quá nửa, chủ yếu là các bóng đèn compact huỳnh quang: vừa thắp đã đen đầu ống phóng điện, độ suy giảm quang thông rất cao theo thời gian, chấn lưu bán dẫn rất nhanh cháy hỏng, thậm chí gây ra hỏa hoạn.

Tiến sĩ Khải khuyên NTD Việt Nam nên sử dụng loại bóng compact huỳnh quang Olight hiệu suất phát quang cao, tuổi thọ dài.

Hiện nay, ngoài thị trường, trên kệ hàng của các cửa hàng điện gia dụng, số lượng đèn nhập ngoại chiếm số lượng khá lớn.

Anh Nguyễn Quốc Anh (chủ cửa hàng điện trên Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Để mẫu mã đa dạng, cửa hàng anh thường lấy thêm về bán một số hàng nhập ngoại, tùy vào mức độ tiêu thụ của NTD để qui định số lượng hàng. Với giá rẻ, một số loại đèn ngoại bán rất chạy, phù hợp với túi tiền của đại bộ phận người dân”.

Để kiểm tra chất lượng của đèn ngoại nhập, VTC News chọn ngẫu nhiên một loại đèn ngoại nhập ngoại để mang về thử nghiệm tại máy đo của tiến sĩ Nguyễn Văn Khải.

Một bóng đèn nhập ngoại ghi trên nhãn mác sản phẩm thông số 22W nhưng khi đo chỉ đạt 12,8 W. 

Kết quả cho thấy: Giá trị danh định ghi trên sản phẩm rất cao, bán nhiều tiền nhưng khi đo thì giá trị thực của các thông số điện quang thấp.

Cụ thể, một chiếc đèn ngoại nhập trên nhãn mác ghi 27W khi đo 216V được 12,8W. Còn một bóng khác ghi 22W khi đo chỉ được 12,8 W.

Tổng cộng: Hai bóng (49W) nhưng khi đo trên máy chỉ được 24,3 W.

Hai bóng nhập ngoại (49W) nhưng khi đo trên máy chỉ được 24,3 W. 

Để rõ ràng hơn, tiến sĩ Khải đã làm một phép đo so sánh với bóng đèn Việt Nam để thấy được sự gian dối trong khâu quảng cáo của bóng đèn ngoại nhập.

Cho một bóng đèn “nội” 25W khi đo 21V được 26,2W. Như vậy, rõ ràng các bóng đèn của Việt Nam được ghi với số danh định chính xác hơn của các bóng đèn ngoại nhập.

Tiến sĩ Khải nhận định: “Việc bán hàng chất lượng kém sẽ có lợi cho nhà kinh doanh bởi buôn bán hàng chất lượng càng thấp thì lãi càng cao. Tuy nhiên, vì trình độ nhận thức còn hạn chế, không phải NTD nào cũng có thể phân biệt hàng xấu – hàng tốt, ngay cả nhà quản lý, không phải ai cũng có thể phát hiện ra loại nào kém chất lượng… Lời khuyên cho NTD là nên sáng suốt, cẩn trọng trước khi lựa chọn sản phẩm cho chính mình”.


Bài, ảnh
: Tiểu Phương

Bạn có đồng ý với quan điểm: Có rất nhiều NTD vẫn thản nhiên dùng thiết bị điện đểu, chỉ vì một lý do duy nhất "chúng được bán với giá rất rẻ" không? Bạn đã bao giờ gặp phải trường hợp cháy nổ vì chập điện chưa? Mời bạn tham gia đóng góp ý kiến cho tòa soạn bằng cách gửi vào ô thảo luận cuối bài. Trân trọng cảm ơn!.

 

Bình luận
vtcnews.vn