Bật mí thú vị về "nghề săn yếu nhân"

Thời sựThứ Hai, 20/06/2011 02:17:00 +07:00

Nhà báo Lê Thọ Bình chia sẻ những câu chuyện thú vị, những kinh nghiệm nhớ đời về cái nghề được gọi là "nghề săn yếu nhân".

Nhà báo Lê Thọ Bình chia sẻ những câu chuyện thú vị, những kinh nghiệm nhớ đời về nghiệp phóng viên, cái nghề cũng được gọi là "nghề săn yếu nhân".

Trong làng báo Việt Nam Lê Thọ Bình là một tuýp người hiếm. Anh là người viết về nhiều các lĩnh vực. Nếu không tạo được dấu ấn lớn, thì cũng đáng đọc. Anh có nói trên các mục một tờ báo, có lẽ chỉ vẽ tranh biếm hoạ, hoặc thực hiện phóng sự ảnh là anh chưa từng làm.

Trong làm nghề, anh cũng kinh qua đủ vị trí. Từ phóng viên, trưởng văn phòng đại diện, đến thư ký toà soạn, rồi phó tổng biên tập.

Gặp gỡ & Đối thoại tuần này là cuộc trò chuyện, nói đúng hơn là cùng anh ôn lại những kỷ niệm của 20 năm làm nghề, với đầy đủ thành công, thất bại, đủ chuyện vui buồn. Những người thực hiện trước hết mong muốn học hỏi kinh nghiệm của một nhà báo có bề dày như anh. Và qua đó cũng hy vọng độc giả, nhất là các phóng viên trẻ, cũng tìm thấy đôi điều bổ ích từ những câu chuyện của anh.

Có một điều thú vị nữa, là một trong hai người thực hiện cuộc đối thoại này, phóng viên Huỳnh Phan, đã được chính tay anh biên tập bài Đối thoại đầu tay, đăng trên Báo Pháp luật HCM, cách đây hơn 6 năm. Nên cũng chẳng có gì là quá, nếu gọi cuộc đối thoại này là bài kiểm tra của "ông thầy" với "cậu học trò" của mình.

Phần 1 của đối thoại này là về phóng viên đối ngoại Lê Thọ Bình, người trưởng thành từ quá trình hội nhập của Việt Nam, trong đó có cả truyền thông.

Hôm trước khi đề xuất đối thoại với anh, khi trình bày nội dung đối thoại, các đông nghiệp của tôi ở Tuần Việt Nam đã ngỡ ngàng khi tôi nói anh là một trong những phóng viên đối ngoại có số má đàng hoàng, và bắt đầu viết báo cũng với tư cách một phóng viên đối ngoại. Hoá ra, họ chỉ biết đến một Lê Thọ Bình là một nhà báo chuyên tường thuật nghị trường, và có nhiều bài Chân dung - Đối thoại hay.

Vậy xin anh kể qua về bước khởi nghiệp của mình.

Tôi về báo Quân Đội Nhân Dân vào tháng 10.1988 từ Trường Ngoại ngữ Quân Đội.

Cái khó nhất đối với một người viết báo, như tôi, là tôi không hề được học chuyên ngành báo chí, và khi về báo QĐND cũng không ai dạy mình làm báo như thế nào cả.

Tôi chủ yếu học ở đồng nghiệp, và đọc lại các bài báo, các tin tức, các dạng bài viết xem họ viết như thế nào để bắt chước theo. Chủ yếu nguồn tin lúc đó Bản tin A của Bộ Ngoại giao, và Tin nhanh của Thông tấn xã Việt Nam.

Tôi còn nhớ là bài bình luận đầu tiên tôi viết là viết về tình hình Campuchia. Khi được giao viết bình luận quốc tế, tôi mới đọc lại toàn bộ các bài bình luận của những người đi trước như anh Hồ Quang Lợi, anh Tạ Duy Đức, hay anh Trần Nhung. Có thể nói thêm một chút là thời bấy giờ bình luận quốc tế là 'đặc sản' của báo QĐND, và là thế mạnh lớn nhất của báo QĐND so với mặt bằng báo chí trong nước.

Nhà báo Lê Thọ Bình. Ảnh: Nam Việt 
Khi bài viết xong, anh Hồ Quang Lợi là phó ban Quốc tế đã chữa lại khoảng 70% nội dung. Tôi rất vui vì lần đầu tiên tên tôi xuất hiện trên mục này, nhưng đó chưa phải điều vui nhất. Đọc lại bài đó, tôi mới vỡ nhẽ rằng hoá ra viết bình luận là như vậy, và từ đó tôi viết rất tự tin. Tôi biết ơn anh Hồ Quang Lợi vì điều đó.

Nhưng người tạo cơ hội cho tôi nhiều nhất để trưởng thành với tư cách một phóng viên đối ngoại chuyên nghiệp lại là cố Tổng Biên tập Trần Công Mân. Mặc dù, tôi chỉ ở được với ông có một năm, trước khi ông nghỉ hưu và chuyển sang làm Chủ tịch Hội Nhà báo.

Ông Mân được giao nhiệm vụ là một trong những "người phát ngôn" không chính thức của quân đội đối với truyền thông quốc tế vào tìm hiểu tình hình Việt Nam, có tuần tới 4-5 buổi. Ban Quốc tế lại may mắn được phân công tiếp phóng viên cùng ông. Tôi lại may mắn nhất vì nhiều lần được "điếu đóm" cho Tướng Mân, vì ông thấy tôi trẻ, năng động, và lại học ở nước ngoài về.

Sau những buổi tiếp khách như vậy tôi học được rất nhiều từ các phóng viên nước ngoài, nhất là trong cách đặt vấn đề trực diện, không né tránh, hay vòng vo. Cách hỏi thẳng, không e ngại của tôi, nhất là trong các cuộc phỏng vấn chính khách, là học được từ họ.

Ngoài việc học từ các đồng nghiệp đi trước, học các phóng viên nước ngoài, môi trường ở báo QĐND còn tạo thêm cho anh những cơ hội gì nữa? Chẳng hạn, cơ hội tiếp cận sâu hơn với những nguồn thông tin?

Tôi có thể nói rằng là hoạt động ở báo QĐND là cơ hội rất tốt mà hầu như ở làng báo Việt Nam thời bấy giờ rất khó có được. Tức là mình được cung cấp phương tiện hoạt động tốt. Nhưng điều tối quan trọng hơn là được cung cấp thông tin gốc rất là tốt.

Tôi nói một ví dụ thế này. Thời bấy giờ nổi lên chuyện người Mỹ mất tích và có rất nhiều nguồn tin đồn rằng Việt Nam đang giấu phi công Mỹ ở chỗ này, chỗ kia. Hay người ta quay những đoạn phim tư liệu trong hầm này, hầm kia, trong đó có một ông Tây rất to, và bảo đó là phi công Mỹ. Họ gửi ra nước ngoài, và người Mỹ lấy đó làm chứng cứ để đòi hỏi, gây sức ép với phía Việt Nam.

Tôi nhớ là an ninh quân đội có khám phá được một vụ như thế ở Vũng Tàu, khi một nhóm thuê chuyên gia nước ngoài xuống hầm để họ quay tư liệu giả. Để viết loạt bài vạch trần sự dối trá đó, tôi đã được Tổng cục Chính trị QĐND cho phép vào Tổng cục và xem lại toàn bộ tư liệu phim về quá trinh an ninh khám phá vụ này. Tôi thấy là đấy là cơ hội mà các báo khác không hề có. Còn việc biết khai thác thế nào để có những bài hay lại phụ thuộc vào bản lĩnh và tài năng của phóng viên.

Năm ngoái tôi có đi cùng các phóng viên chiến trường phương Tây, khi họ quay trở lại Việt Nam. Trong đó, có những phóng viên ảnh của quân đội. Thường thì phim của họ chụp về các trận đánh, về các cảnh chết chóc của cả hai phía, nhất là dân thường, đều bị cấp trên thu lại, và dùng cho mục đích lưu trữ.

Vì vậy để có ảnh gửi cho các báo, họ đã mang thêm một máy ảnh chụp phim màu, bên cạnh cái máy chụp phim đen trắng được cấp. Những bức ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai được đăng tải trên báo chí sau đó hơn một năm cũng là nhờ một người như vậy

Tất nhiên, câu chuyện ở đây hoàn toàn khác. Nhưng không hiểu anh có khai thác thêm được những thứ như vậy cho báo khác, bởi theo tôi biết, không phải cái gì cũng đăng được trên báo QĐND?

Đúng vậy. Khi làm cho báo QĐND một thời gian ngắn là tôi bắt đầu cộng tác với Tuổi Trẻ (TP.HCM). Tuổi Trẻ hồi đó chỉ có Tuổi Trẻ Chủ Nhật, và số thường chỉ ra vào Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Bảy. Ở ngoài Hà Nội, Tuổi Trẻ còn hết sức xa lạ và thông tin chủ yếu là thông tin từ phía Nam.

Khi có sự hiện diện của nhóm phóng viên QĐND chúng tôi bằng những thông tin đối ngoại thì báo Tuổi Trẻ mới nổi lên ở phía Bắc. Và tôi nói không biết có chủ quan hay không, nhưng khi Tuổi Trẻ vào cuộc chơi "đối ngoại" thì mới bắt đầu xuất hiện những bài phỏng vấn trực tiếp từ "hiện trường".

Anh có có bài phỏng vấn đầu tiên dạng này là bài nào không?

Đó là bài phỏng vấn Hunsen và Ranariddh, chạy hết cả trang 12 của báo. Đó cũng là bài đầu tiên tôi hợp tác với Tuổi Trẻ.

Sau khi tuyên bố rút quân rồi thì Hunsen và Ranariddh sang Hà Nội đàm phán tại nhà khách Chính Phủ. Do báo QĐND đất ít không đăng được dài.

Nhưng tại sao anh biết mà tìm tới Tuổi Trẻ? Có ai giới thiệu, hay họ tìm tới anh?

Tôi cũng chỉ biết được tin báo Tuổi Trẻ có mở văn phòng liên lạc tại 60 Bà Triệu, trụ sở Trung ương Đoàn TNCSHCM. Anh Tâm Chánh là phóng viên thường trú.

Trước khi sự kiện đó diễn ra, tôi rủ Yên Ba, một đồng nghiệp ở QĐND, tìm sang chơi bừa thôi. Chúng tôi nói với Tâm Chánh là chúng tôi làm trang Quốc Tế báo QĐND, có những thông tin này, và Tuổi Trẻ có cần không.

May quá, Tâm Chánh rất hứng thú. Sau đó khi chúng tôi quay lại và bảo Tâm Chánh rằng chỉ sử dụng một phần bài phỏng vấn độc quyền của mình, Tâm Chánh OK ngay. Tôi viết lại bài phỏng vấn đó ngay tại văn phòng Tuổi Trẻ ở 60 Bà Triệu.

Báo Tuổi Trẻ đang rất thiếu những thông tin đối ngoại ở Hà Nội, cũng như thông tin trung ương, còn chúng tôi lại có nguồn cung cấp rất dồi dào. Hai bên đã gặp nhau. Hơn nữa, tôi thấy đó cũng là cái cơ duyên cho bản thân mình, và cũng là cơ may cho cả làng báo Việt Nam.

Nhờ có sự xuất hiện của báo Tuổi Trẻ ở phía Bắc về đối ngoại cho nên hoạt động đối ngoại trên báo chí cũng sôi nổi hẳn lên, và trở thành cuộc tranh đua làm đối ngoại giữa báo Tuổi Trẻ và báo Lao Động. Họ so kè với nhau từng tin, từng bài một.

Ảnh: Nam Việt 
Quay lại cuộc phỏng vấn với hai vị đồng thủ tướng Campuchia. Cuộc đó các anh được sắp xếp riêng à?

Không, làm gì có chuyện đó. Lúc đó, hai ông ở tại tầng trên của Nhà khách Chính Phủ. Thời bấy giờ tiếp xúc với lãnh đạo Campuchia tương đối đơn giản, bởi chưa phóng viên Việt nam nào quen phỏng vấn như vậy. Chúng tôi chỉ cần đưa thẻ nhà báo và yêu cầu bảo vệ cho lên gặp. Họ gọi hỏi ý kiến và được chấp nhận ngay. Cả Hunsen lẫn Ranariddh đều rất cởi mở.

Sau đó, chúng tôi cứ tiếp tục hoạt động như vậy thôi. Tôi nhớ cuộc phỏng vấn đầu tiên với nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam là Tổng Bí thư Đỗ Mười, khi ông mới được bầu và có chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

Theo tôi nhớ, hôm đó phóng viên 4-5 báo đi lên sân bay Nội Bài. Chờ khi máy bay đáp xuống, rồi đoàn tùy tùng Bộ Ngoại giao đi trước, TBT Đỗ Mười đi sau. Tôi đoán rằng nếu 4-5 người chúng tôi mà đứng không sẽ bị tưởng là người nhà ra đón, nên bảo mọi người chuẩn bị cầm sẵn máy ghi âm, máy ảnh ra để TBT biết là nhà báo. Tôi còn cẩn thận dặn chị Thanh Bình (Lao Động) là phóng viên nữ duy nhất đứng lên đầu nhóm phóng viên. Tôi cứ nghĩ thế này thôi, nếu người ta có định đuổi, cũng không ai nỡ mạnh tay với phụ nữ.

Khi ông Đỗ Mười đi tới thì chúng tôi ào tới luôn. Cảnh vệ định ngăn thì may quá ông nhìn thấy máy ảnh, máy ghi âm nên dừng lại và nói: "Nhà báo hả? Thôi để tôi trả lời." Ông trả lời 6-7 câu gì đó, khá ngắn gọn, rồi bảo Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm trả lời tiếp, vì ông thấm mệt sau chuyến đi dài.

Hôm sau, báo QĐND dành ¼ trang nhất và hầu hết trang 4 để đăng cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đó của các ông TBT và ngoại trưởng.

Lý do anh rời báo QĐND sang Tuổi Trẻ? Làm ở nơi có nguồn tin tốt nhất, và viết cho tờ báo có thị trường tốt nhất không hay hơn à? Như người ta vẫn hay nói là "mua tận gốc, bán tận ngọn".

Sau bài đó tôi có bị nhắc nhở, mặc dù đã để bút danh Lê Thọ Bình thay vì tên thật là Lê Đức Sảo. Và còn bị nhắc nhở nhiều lần nữa, khi tiếp tục cộng tác với Tuổi Trẻ. Ban bIên tập báo QĐND không muốn người của họ cộng tác với báo ngoài.

Nhưng tôi chỉ gặp rắc rối thật sự với Ban biên tập báo QĐND khi tường thuật về chuyến thăm Việt Nam của Thượng nghị sĩ John Kerry, trong đó có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê.

Chả là, sau 5 phút dành cho báo chí trong ngoài nước chụp ảnh, phóng viên bị mời ra ngoài. Tôi cứ nán ngồi lại, bởi lúc đó mặc quân phục, mang quân hàm đàng hoàng. Cảnh vệ tưởng tôi là thành viên của Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, nên không nói gì.

Sau đó, trên báo Tuổi Trẻ xuất hiện bài tường thuật rất kỹ về chuyến đi của TNS Kerry, trong đó có nhiều thông tin từ cuộc hội đàm, tất nhiên là những thông tin có lợi cho phía Việt Nam. Còn trên báo QĐND chỉ có một cái tin vắn. Họ cự nự tôi vì chuyện đó.

Chỉ riêng về việc đó, kể cũng không oan. Lẽ ra, anh phải nghĩ tới bản báo trước, rồi họ không dùng, hoặc dùng không hết, mới gửi cho báo ngoài chứ?

Thì tôi cũng biết vậy. Nhưng chủ trương của báo QĐND là chỉ đưa tin thôi.

Tôi cũng không hơi đâu "thanh minh", "thanh nga" nữa. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải tìm một môi trường mới để có thể đàng hoàng thể hiện mình, viết nhiều hơn, sâu hơn và hoạt động tích cực hơn.

Tuổi Trẻ lúc đó lại có nhu cầu, thế là tôi xin ra khỏi báo QĐND, và chính thức trở thành phóng viên Tuổi Trẻ từ 1.5.1994.

Là phóng viên đối ngoại, chắc anh cũng có dịp tháp tòng các đoàn của lãnh đạo Việt nam ra nước ngoài. Chuyến đi nào đáng nhớ nhất với anh?

Tất nhiên, cái gì đầu tiên cũng không thể nào quên được. Đó là năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt có chuyến đi Tây Âu, sang Bỉ, Anh, Pháp và Đức. Đây cũng là lần đầu tiên một lãnh đạo Việt Nam sang phương Tây, kể từ khi Việt Nam hội nhập với thế giới.

Có đi mới biết rằng cái sự hội nhập của Việt Nam nó gian nan đến mức nào. Trong nước đã vậy, bên ngoài cũng chẳng dễ dàng gì. Nhiều nơi người ta biểu tình phản đối mà thấy kinh, rồi ném cả cà chua, trứng thối nữa chứ. Có những nơi Thủ tướng Võ Văn Kiệt định đi rồi lại phải huỷ, do tình hình căng thẳng quá.

Nhưng với một phóng viên Việt Nam như tôi đây là một sự "hội nhập" thành công. Tôi chứng kiến được các đồng nghiệp quốc tế hành nghề như thế nào, cách họ cố gắng lách qua "rào" an ninh để sáp vào tiếp cận các lãnh đạo mà lấy tin, lấy một lời bình luận ra sao.

Từ đây, tôi mới thấy rõ cái nhược điểm cố hữu của cánh phóng viên nhà mình. Tâm lý thông thường của phóng viên Việt Nam là khi tiếp cận một nhà lãnh đạo, một chính khách mà bị đuổi ra thường là xấu hổ ghê lắm. Chính cái mặc cảm đó là một rào cản rất lớn ngăn cản anh ta có thể hành nghề tốt trong những lần tiếp theo. Và vì vậy, phóng viên Việt Nam ngại tiếp cận, và thường tính rất kỹ, nếu khả năng tiếp cận thành công chỉ 50/50 thì họ bỏ.

Tôi có trao đổi chuyện này rất kỹ với một số đông nghiệp nước ngoài, và họ nói khuyên tôi phải coi chuyện được hay không là hết sức bình thường, bị đuổi cũng hết sức bình thường. Nghề phóng viên là nghề săn đuổi các yếu nhân, và thường là bị bảo vệ của các yếu nhân này xua đuổi.

"Nếu tiếp cận 10 người mà hỏi được 3 người là thành công mỹ mãn rồi", một phóng viên truyền hình của Pháp, tôi không nhớ tên, đã kết luận như vậy.

Từ đó, tôi không bao giờ từ bỏ "đối tượng" của mình. Có lần, do hỏi cắc cớ quá mà tôi bị Bộ trưởng Tài chính Hồ Tế nổi cáu, đuổi ra khỏi phòng khách nhà ông, rồi sập cửa lại sau lưng tôi. Tôi không về mà cứ quanh quẩn trong sân nhà ông ấy, và, một lúc sau, ông mở cửa ra, thấy tôi, lại mời vào trở lại.

Nhưng trong chuyến đi đó, anh có thực hành được gì đối với những điều đã học từ các đồng nghiệp phương Tây không?

Có một lần, mà "trò còn giỏi quá thầy". Trong cuộc tiếp xúc giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Pháp, về nguyên tắc họ chỉ cho 3 người vào: Thủ tướng, Ngoại trưởng và phiên dịch. Thế nhưng, ông Kiệt vừa bước vào, tôi liền lách vào theo, sau đó mới đến ông Nguyễn Mạnh Cầm. Anh phiên dịch liền bị ngăn lại, và chỉ được vào khi ông Cầm quay ra giải thích.

Nghĩ lại mà thấy "hú hồn", say nghề quá mà vượt cả nghi thức ngoại giao. Sau này có đi giảng về báo chí cho sinh viên, tôi thường kể lại chuyện này, và cả câu chuyện về cuộc gặp giữa TNS Kerry và ông Đoàn Khuê như những ví dụ về lằn ranh giữa sự "chuyên nghiệp" và sự "bất hợp pháp".

Tôi cũng gặp một trường hợp tương tự. Hồi năm 1995, Tướng Giáp có tiếp cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara cũng tại Nhà khách Chính phủ. Sau 5 phút dành cho báo chí, phóng viên được mời ra ngoài, và tôi đã tranh thủ luồn cái máy ghi âm đã bật xuống gầm ghế bên dưới. Lúc ra, ông Sếp người Nhật (báo Nikkei) của tôi không nhìn thấy trên tay tôi có máy ghi âm, hỏi luôn rằng có phải tôi để quên trong phòng họp không.

Nghe tôi giải thích, ông ta tái mặt, và bắt tôi quay vào mang ra ngay."Đây là việc làm phạm pháp, anh biết không? Nếu họ phát hiện ra và báo về Tokyo, thì tôi với anh ra đường", ông ta giận dữ nói.

Cái nghề này nó khổ vậy. Nhiều khi mục đích thì đúng, là để đưa những thông tin chính xác, nhưng phương tiện, tức là cách làm của mình lại sai.

Thế có chuyến đi nào mà anh thấy thực sự hài lòng với việc tác nghiệp của mình không?

Sau này tôi còn đi với các bộ trưởng ngoại giao rồi nhiều lắm, nhưng với lãnh đạo cấp cao, tôi chỉ đi một lần nữa với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sang Trung Quốc, trước khi tôi rời Tuổi Trẻ.

Lần đó, tôi chuyển hoàn toàn cách thức đưa tin. Ngoài những tin tường thuật chính về nội dung chuyến đi và phỏng vấn Ngoại trưởng Tiền Kỳ Tham, thông qua phiên dịch là một phóng viên Tân Hoa Xã biết tiếng Việt, tôi cố gắng ghi lại những câu chuyện có thực mang tính gợi ý cho một vấn đề nào đó. Loạt bài đó trên Tuổi Trẻ mang tựa đề chung là  "Chuyện nhỏ bài học lớn".

Chẳng hạn...

Khi TBT Lê Khả Phiêu đến thăm một khu dân cư chung cư chất lượng cao, như mình vẫn thấy người ta quảng cáo trên TV bây giờ ấy, ông Phiêu hỏi giá một căn hộ cao cấp thế này là bao nhiêu. Khi Thị trưởng thành phố Quảng Châu nói giá, ông quay sang hỏi ông Nguyễn Sinh Hùng là tính ra tương đương với bao nhiêu cây vàng. Ông Hùng trả lời là 400 cây.

Ông Phiêu bảo giá đắt thế này thì làm sao người có thu nhập thấp có thể có căn hộ như thế này được. Ông thị trưởng nói là chính sách của tỉnh Quảng Đông là không đầu tư cho người nghèo mà là đầu tư cho người giàu. "Chúng tôi tạo điều kiện tốt nhất cho người giàu được sống và làm ra của cải vật chất đóng góp cho xã hội. Nhà nước lấy cái của cải vật chất đó hỗ trợ người nghèo chứ không đầu tư cho người nghèo", ông ta nói.

Sau một thập kỷ, anh thấy bài học này còn giá trị hay không, khi Trung Quốc đang phải trả giá cho khoảng cách giầu nghèo, khiến bạo loạn diễn ra khắp nơi?

Theo ý kiến riêng của tôi thì bài toán như vậy vẫn phải là đúng. Nhưng cần cân nhắc thêm một chút. Còn cơ bản chính sách cho người nghèo thì vẫn cần những hỗ trợ nhất định như y tế, giáo dục, và cái chính là tạo công ăn việc làm cho họ. Tức là đầu tư cho người nghèo là đầu tư cho những dự án tạo công ăn việc làm.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có nói rằng "một đất nước không tạo điều kiện đầu tư cho doanh nghiệp làm ăn thì đất nước đó không thể phát triển được". Nhưng cũng phải lấy tiêu chí làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, và tạo công ăn việc làm để đánh giá doanh nghiệp.

Tôi có nghe nói là hồi đó muốn đi tìm hiểu thêm, anh phải nói dối đồng nghiệp là đi hát karaoke, vì sợ bảo anh bị hâm, "đi nước ngoài không chịu chơi mà cứ hùng hục làm". Có đúng không?

Có lý do của nó. Trong làng báo Sài Gòn sự ganh đua rất mạnh, và yêu cầu thông tin, bài vở độc quyền là rất lớn, nhất là đối với những thông tin có thể gây hiệu ứng xã hội mạnh. Chứ ở làng báo phía Bắc các đồng nghiệp sẵn sàng chia sẻ thông tin, tư liệu với nhau, và tin bài thường không có dấu ấn riêng. Đi làm gì cũng rủ nhau đi như đi hội ấy.

Đó người ta gọi vui là "hợp tác để đối phó với toà soạn". Nhưng anh chưa trả lời vào câu hỏi của tôi?

Ông bạn từ TTXVN, ở cùng phòng với tôi, không thể hiểu được tại sao tôi cứ lao tâm khổ tứ vào những cái tin loại 50 chục ngàn làm gì. Trong khi đó, ông ấy đã được đi chơi, về làm thêm cái quảng cáo được mấy chục triệu ngon ơ. Nhiều khi mình hăng quá, bạn bè mình tưởng mình điên, mình vơ bèo vặt tép.  Thôi bảo quách như vậy cho yên thân, đỡ bị bảo là hâm, là điên.

Anh có nhận xét gì về tình hình làm báo đối ngoại hiện nay?

Tôi vẫn theo dõi đều. Tôi thấy bây giờ anh chị em được tạo điều kiện viết về đối ngoại quá thuận lợi. Môi trường Internet để tra cứu thông tin, môi trường tiếp cận cũng thoải mái. Nhưng tôi vẫn chưa thấy được sự "lao tâm khổ tứ" toát ra ở bài viết. Tôi vẫn nghĩ rằng đọc bài báo, dù ngắn hay dài, đều phải có tư tưởng, có thông điệp. Theo tôi, thông điệp hơi ít.

Có phóng viên trẻ nào để lại ấn tượng cho anh không?

Tôi thực sự không nhớ một cái tên cụ thể nào. Bài hay vẫn có, nhưng loạt bài hay thì chưa.

Thế còn đối với những người cùng thời với anh?

Tôi tiếc nhất trường hợp anh Vũ Mạnh Cường, Báo Lao Động. Đó là một nhà báo giỏi, sâu sắc, nhưng rất tiếc là sau này, anh ấy lên phó TBT Lao Động, lại bỏ viết. Tức là leo gần đến đỉnh cao của nghề viết rồi, anh ấy lại bỏ cuộc.

Thực ra, trong một thế giới phẳng bây giờ, với internet kết nối toàn cầu,  tách bạch phóng viên đối ngoại với đối nội cũng không hẳn là đúng. Đó là chưa kể sự đan xen giữa hai mảng này, khi mọi câu chuyện đối ngoại cũng là để phục vụ cho quốc kế dân sinh.

Là một người hiểu biết nhiều lĩnh vực, anh thấy điều đó giúp gì cho anh khi viết về đối ngoại, hay quốc tế?

Tôi thấy cái quan trọng nhất vẫn là nền học vấn. Ví dụ anh muốn làm tốt một lĩnh vực nào đó, bất kể là đối nội hay đối ngoại, anh vẫn phải biết nhiều văn học, chính trị, lịch sử, pháp luật, rồi những kiến thức sơ đẳng về kinh tế. Có thế anh mới có cách nhìn nhận đa chiều, và dễ thuyết phục độc giả.

Hơn nữa, một phông kiến thức tốt có thể giúp anh lựa chọn cách thực hiện một đề tài đối ngoại hay nhất. Chẳng hạn, nếu viết dưới góc độ chính trị hay pháp luật thấy khô khan, hay nhạy cảm quá, anh có thể chọn cách tiếp cận kiểu văn hoá.

Có vẻ hay đấy. Anh cho thử một ví dụ đi?

Ví dụ tôi phỏng vấn Bộ trưởng Phạm Văn Trà khi ông đi Mỹ. Đó là một vấn đề khô khan, đôi khi khó trả lời thẳng thắn. Tôi không hỏi thẳng vào vấn đề, mà chêm vào bài phỏng vấn những câu hỏi ngoài lề mà những phóng viên nước ngoài, hoặc người có nhãn quan tốt, sẽ rất thích.

"Đây là lần đầu tiên một bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đi Mỹ, và cũng là lần đầu tiên ông đi Mỹ. Vậy trước khi đi, ông đã hình dung thế nào về nước Mỹ?" - tôi đã hỏi như vậy. Một tướng quân đội Việt Nam, cựu thù của Mỹ, nhìn nhận về nước Mỹ là một điều thú vị chứ, lại hàm chứa nhiều điều.

Theo Huỳnh Phan - Xuân Thi/ Tuần Việt Nam

Bình luận
vtcnews.vn