“Bắt mạch” vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên

Thế giớiThứ Bảy, 20/11/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Vốn đã có tiền lệ, các nhà phân tích cho rằng, những lùm xùm quanh nghi vấn thử hạt nhân gần đây có thể chỉ là một con bài của Bình Nhưỡng.

(VTC News) – Hiện nay Bình Nhưỡng đang đứng trước hai lựa chọn: hoặc tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3, hoặc xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ.

Tuy nhiên, trước thực lực nền khoa học kỹ thuật của nước này và sức ép từ Trung Quốc, theo các nhà phân tích, cả hai khả năng này đều khó có thể xảy ra ở thời điểm hiện tại, đồng thời đây có thể chỉ là một "con bài" của Bình Nhưỡng.

Truyền thông Nhật Bản trích dẫn lời một quan chức chính phủ nước này cho biết, Bình Nhương “dường như đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân thứ 3”, bằng việc xây dựng các cơ sở hạ tầng cho một vụ thử nghiệm ở Punggye-ri.

“Hình ảnh trên vệ tinh đã khẳng định rõ điều này. Không có gì ngạc nhiên nếu Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân thứ 3”, quan chức trên nói.

Bình Nhưỡng thường dấy lên vấn đề hạt nhân của mình khi đang gặp phải những vấn đề khó khăn trong nước 

Jack Pritchard, chủ tịch Viện kinh tế Hàn Quốc ở Washington sau chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi đầu tháng này, cho biết hôm thứ Ba rằng qua trao đổi với một quan chức Triều Tiên thì nước này đang tiến hành xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ công suất 100 MW.

Nhưng nếu chỉ dựa trên những phát triển này thật khó để có thể xác định Bắc Triều Tiên sẽ làm gì. Một quan chức Điện Cheong Wa Dae cho biết, “dường như Bắc Triều Tiên đang có ý định làm một cái gì đó, nhưng chúng ta không hy vọng sẽ xảy ra bất kỳ điều gì ở thời điểm hiện tại”.

Theo đánh giá về tiến độ của việc xây dựng bãi thử hạt nhân lần này, thì phải mất 3 đến 6  tháng nữa Bình Nhưỡng mới có thể tiến hành thử hạt nhân được, trong khi lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ dự kiến hoàn thành vào năm 2012.

Trong lịch sử, Bắc Triều Tiên thường khuấy động vấn đề hạt nhân của mình khi nào nước này phải đối mặt với những vấn đề khó giải quyết.

Như vào năm 2006, khi tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, Bình Nhưỡng đang muốn ép Mỹ phải nhượng bộ trong vấn đề trừng phạt tài chính, hay vụ thử lần thứ 2 năm 2009 là khi nước này muốn trấn an dư luận trước tin đồn Chủ tịch Kim Jong-il bị đột quỵ nặng.

Một vụ thử hạt nhân thứ 3 sẽ giúp củng cố quyền lực cho Kim Jong-un? 

Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Bình Nhưỡng là muốn củng cố quyền lực cho người con trai út của Chủ tịch Kim, người vừa được phong hàm Đại tướng và chắc chắn sẽ kế vị chức chủ tịch từ người cha mình.

“Rất có thể Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân như là một “học thuyết quân sự” nhằm củng cố quyền lực của Kim Jong-un”, một quan chức Hàn Quốc cho biết.

Seoul đang theo dõi sát sao về vụ thử hạt nhân lần 3 này. Nhưng những người hoài nghi cho rằng Bình Nhưỡng chắc chắn không dám đẩy Bắc Kinh vào thế khó vào thời điểm này khi mà sức ép của Bắc Kinh trước vấn đề chìm tàu chiến Cheonan vấn chưa hề giảm.

Một quan chức thuộc Viện thống nhất quốc gia Hàn Quốc cho biết, “Trung Quốc tin rằng Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và vẫn xem nó như một vấn đề riêng biệt trong quan hệ song phương. Trung Quốc cũng sẽ không cô lập Bắc Triều Tiên một khi họ tiến hành vụ thử hạt nhân lần 3”.

Sau khi chính thức công bố Kim Jong-un sẽ là người kế vị chức vụ từ người cha chủ tịch, trưởng đại diện Bắc Triều Tiên tại Liên Hợp quốc thề rằng nước này vẫn sẽ tăng cường quyền “ngăn chặn hạt nhân”.

Giới chức Hàn Quốc tỏ ra ít quan tâm đến khả năng về việc xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ của Bình Nhưỡng. “Không phải dễ dàng để có thể xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ”,

Giáo sư Suh Kune-yull thuộc khoa Kỹ thuật hạt nhân Đại học Seoul cho biết. “Sẽ rất khó khăn để Bình Nhưỡng tự mình xây dựng một lò phản ứng như thế, trừ khi họ đánh cắp công nghệ từ nước ngoài”.


Nhiều chuyên gia tin rằng một lò phản ứng hạt nhân có thể được xây dựng ở làng Potemkin.

Hồi cuối những năm 1990, Bắc Triều Tiên đã cho đào một đường hầm lớn dưới lòng đất ở Kumchang-ri gần Yongbyon làm dấy lên nghi ngờ đối với Mỹ rằng Bình Nhưỡng đang xây dựng một cơ sở hạt nhân dưới lòng đất.

Sau khi có cuộc gặp với các quan chức Bắc Triều Tiên ở New York tháng 2/1999, các nhà điều tra Mỹ đã được phép tiếp cận địa điểm nghi ngờ này và phát hiện ra rằng đó chỉ là một hang động trống rỗng. Sau vụ này, Bắc Triều Tiên cũng đã nhận được hàng trăm tấn lương thực viện trợ.

Đó cũng là lý do khiến các chuyên gia nghĩ rằng lò phản ứng nước nhẹ chỉ là một con bài mà Bình Nhưỡng định dùng để tăng cường vị thế của mình trước các vòng đàm phán 6 bên sắp tới.

Hữu Túc(theo Chosun Ilbo)
Bình luận
vtcnews.vn