Bất động sản, kênh đầu tư an toàn thời lạm phát?

Kinh tếThứ Sáu, 01/04/2011 06:46:00 +07:00

(VTC News) - Trong ngắn hạn, một lượng vốn nhàn rỗi khá lớn trong dân sẽ được đổ vào thị trường BĐS...

(VTC News) - Ông Phan Thành Mai, Trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch BĐS khu vực phía Bắc cho rằng, với tâm lí giá cả gia tăng, nhiều người sẽ đầu tư vào thị trường BĐS để bảo toàn nguồn vốn nên trong ngắn hạn, một lượng vốn nhàn rỗi khá lớn trong dân sẽ được đổ vào thị trường BĐS.

Đầu tư vào đâu?

Trong khi thị trường vàng không được khuyến khích đầu tư, việc mua bán ngoại tệ đang được kiểm soát chặt…, nhiều ý kiến cho rằng, về lí thuyết, dòng tiền có thể chuyển dịch vào BĐS.

Theo ông Phan Thành Mai, trong ngắn hạn, một lượng vốn nhàn rỗi khá lớn trong dân sẽ được đổ vào thị trường BĐS.
Tuy nhiên, để dòng vốn chảy vào BĐS còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo ý kiến của một số chuyên gia BĐS, thị trường BĐS năm 2011 là một kênh đầu tư còn nhiều khó khăn, thiếu vốn, sức cầu lại hạn chế. Khi đồng tiền mất giá, người dân thường đầu tư vào BĐS để giữ giá trị tài sản. Song nếu tỉ lệ mất giá quá cao, nền kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, người dân sẽ không chọn BĐS vì lo ngại tính thanh khoản trong tương lai sẽ kém.

Theo ý kiến phân tích của ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường tại Hội thảo “Làm gì với thị trường BĐS Hà Nội năm 2011?”, hiện tại vàng và USD vẫn được người dân lựa chọn là phương tiện truyền thống để thanh toán và tích trữ. Bởi vậy cho đến nay, lượng tiền nằm trong hai thị trường này rất lớn. Người dân vẫn tiếp tục nắm giữ vàng và USD cho đến khi niềm tin vào tiền đồng quay trở lại. Còn thị trường chứng khoán tuy sụt trồi trong thời gian qua, nhưng thực tế vẫn hút một lượng tiền lớn của các cổ đông hiện hữu mua cổ phần phát hành thêm của các công ty nhằm trung hoà cổ phiếu đã mua cao hơn trước đó.

Một lãnh đạo Công ty CP Sông Đà Thăng Long nhận định, số lượng các nhà đầu tư tham gia thị trường BĐS giảm sau khi  Nghị định 71 ban hành, do sự chấn chỉnh không được đầu tư ngoài ngành của các cơ quan chủ quản đối với các công ty, tổng công ty bởi vậy, lượng cầu bị giảm do nguồn vốn bị thu hẹp.

Tổng dư nợ tín dụng bị rút từ 38% năm 2009 xuống còn 27% vào cuối năm 2010 và giảm tiếp 7% trong năm 2011. Riêng BĐS và chứng khoán bị siết chặt hơn với qui định dư nợ cho vay phi sản xuất phải điều chỉnh từ trung bình 18,3% xuống còn 16%. Trong khi đó, nguồn tiền lớn nằm trong vàng và USD không chỉ làm đọng vốn mà còn làm giảm vòng quay của đồng tiền, qua đó làm tăng thêm sự thiếu hụt tiền mặt.

Đầu tư vào BĐS là thích hợp?

Ý kiến của chuyên gia BĐS cho rằng, thời điểm hiện nay, thị trường chứng khoán không phải là một thị trường hấp dẫn và an toàn. Thị trường vàng cũng không được khuyến khích và việc mua bán ngoại tệ đang được kiểm soát chặt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, nguồn vốn hiện tại có xu hướng dịch chuyển vào thị trường BĐS và hiệu ứng này sẽ thúc đấy nguồn cầu.

Thêm vào đó, tính hiệu quả và hiện thực của thị trường BĐS là động lực ổn định cho các nhà đầu tư, từ đó thị trường BĐS sẽ sôi động trong thời gian ngắn trước mắt. Đặc biệt, phân khúc đất nền ở vùng ngoại ô, chung cư có diện tích vừa phải, giá thành hợp lí, khoảng dưới 30 triệu đồng/m2, sẽ là các phân khúc thị trường thu hút nguồn vốn mạnh nhất nhờ sự an toàn cao, tính thanh khoản tốt.

Ông Phan Thành Mai, Trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch BĐS khu vực phía Bắc cho rằng, với tâm lí giá cả gia tăng, nhiều người sẽ đầu tư vào thị trường BĐS để bảo toàn nguồn vốn cho mình nên trong ngắn hạn, một lượng vốn nhàn rỗi khá lớn trong dân sẽ được đổ vào thị trường BĐS.

Trong năm 2011, thị trường BĐS tiếp tục phục hồi, nhà ở giá trung bình, giá thấp có xu hướng phát triển mạnh, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị sẽ được người dân quan tâm.

Thi Mai


Bình luận
vtcnews.vn