"Bắt bệnh" quản lý thuê bao di động trả trước

Tổng hợpThứ Sáu, 03/12/2010 04:32:00 +07:00

Đã hơn ba năm kể từ ngày Đề án Quản lý thuê bao di động trả trước chính thức được Chính phủ thông qua cho phép triển khai, thế nhưng kết quả thu về vẫn còn tồn

Đã hơn ba năm kể từ ngày Đề án Quản lý thuê bao di động trả trước chính thức được Chính phủ thông qua cho phép triển khai, thế nhưng kết quả thu về vẫn còn tồn tại khá nhiều những bất cập. "Bệnh" xuất phát từ đâu, tiến triển như thế nào các cơ quan quản lý đều nhìn thấy rất rõ, vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm sao "bốc đúng toa thuốc" và kiên quyết điều trị tới cùng….

Chuyện của một người dùng thuê bao trả trước…

5 năm trước, thủ tục đăng ký sử dụng thuê bao trả sau quá phức tạp. Vốn từ quê lên Thủ đô làm việc, chị Thu quyết định "tậu" một chiếc sim điện thoại trả trước để dùng cho đỡ… lằng nhằng. Chỉ cần bỏ ra hơn 100 nghìn, thế là xong, chẳng phải khai báo cũng như đưa giấy tờ gì, cứ thế mà dùng! Sau này, khi những mạng khác có đợt khuyến mãi cao, chị lại mua một chiếc sim mới, "hai tay hai súng", dùng một thời gian hết tiền thì vứt đi, mua sim khác dùng tiếp…. Rất tiện lợi.

 

Để quản lý thuê bao trả trước, Quyết định số 03/2007/QĐ-BTTTT bắt buộc tất cả các thuê bao phải đăng ký thông tin gồm: số máy thuê bao, họ và tên của chủ thuê bao, ngày tháng năm sinh của chủ thuê bao, số chứng minh thư của chủ thuê bao. Đối với chủ thuê bao là người nước ngoài thì bổ sung thêm quốc tịch của chủ thuê bao và thay chứng minh thư bằng số hộ chiếu. Đối với thuê bao là cơ quan, tổ chức thì quản lý thông tin thuê bao theo các thông tin của người đứng tên đại diện cho cơ quan, tổ chức. Việc đăng ký thông tin dựa trên nguyên tắc hợp lý, đơn giản, không gây phiền hà và không tạo thêm chi phí cho chủ thuê bao.
Sau đó 3 năm, thi thoảng chị Thu nhận được tin nhắn của tổng đài đề nghị đến khai báo, xác nhận lại thông tin chủ thuê bao tại các điểm giao dịch. Vốn công việc bận rộn, lại suy nghĩ: thắt chặt quản lý thuê bao trả trước, một người tối đa chỉ được đăng kí sử dụng 3 sim của một mạng, nếu muốn mua thêm sim khuyến mãi để dùng cũng khó, như vậy chị chẳng có lợi gì. Vì thế, chị không mặn mà và cũng không có ý định tới điểm giao dịch xác nhận lại thông tin làm chủ số thuê bao vẫn thường xuyên sử dụng của mình. Cho đến một ngày… Chị Thu đi chợ và bị kẻ gian móc mất điện thoại. Sau khi mua chiếc điện thoại mới, chị Thu gọi tới tổng đài đề nghị kích hoạt lại số thuê bao đã mất của mình. Cô nhân viên tổng đài yêu cầu chị cung cấp thông tin (tên, chứng minh thư, địa chỉ…) của chủ thuê bao. Chị hồn nhiên đọc tất cả các thông tin của mình. Sau khoảng một phút, nhân viên tổng đài nhẹ nhàng trả lời: thông tin chị khai báo không trùng khớp với tên chủ thuê bao đăng kí từ trước, và đương nhiên tài khoản không thể kích hoạt lại. Chị Thu ngớ người, cố gắng giải thích đó là số thuê bao của chị, chị đã dùng 5 năm nay. Nhân viên tổng đài lại cho chị biết, chủ thuê bao đăng kí 5 năm trước là một người đàn ông tên Bùi Ngọc Tuấn và hỏi chị đã đi xác nhận lại thông tin chủ thuê bao chưa? Đến lúc này chị Thu mới nhớ đến những tin nhắn tổng đài vẫn thường gửi đến cho chị, chị đã lờ đi và đến bây giờ chị phải chấp nhận mất hoàn toàn số điện thoại chị đã dùng liên lạc với mọi người suốt 5 năm nay…

Trường hợp chị Thu không phải là duy nhất. Đó cũng không phải là cái hại duy nhất của người dùng khi không tham gia đăng ký xác nhận thông tin chủ thuê bao với nhà mạng. Và cũng không phải là nguyên nhân khó khăn duy nhất của các nhà quản lý, các doanh nghiệp… trong việc thực hiện triển khai quản lý thuê bao di động trả trước ở Việt Nam.

Tại sao phải quản lý thuê bao di động trả trước?

Theo Đề án trình Chính phủ năm 2007 thì Quản lý thuê bao di động trả trước nhằm 3 mục tiêu: làm cho thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, bền vững; đảm bảo sử dụng khai thác có hiệu quả tài nguyên số; và đảm bảo thuần phong, mỹ tục, an ninh quốc phòng…

 

Trước khi Quyết định số 03/2007/QĐ-BTTTT được ban hành, hàng tháng các cơ quan chức năng có liên quan phải giải quyết hàng chục vụ khiếu nại liên quan đến tin nhắn tống tiền, đe dọa, xúc phạm danh dự…Thủ phạm đều xuất phát từ những số thuê bao trả trước. Việc giải quyết các vụ khiếu kiện này cũng khiến các doanh nghiệp tốn thời gian, công sức và ảnh uy tín với khách hàng. Đặc biệt, trong năm 2005, các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ 18 vụ trộm cước viễn thông quốc tế sử dụng thuê bao trả trước, thiệt hại gây ra cho nhà nước hơn 30 tỷ đồng. Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ công an) cho biết hiện nay nhiều đối tượng phạm tội đã lợi dụng thuê bao trả trước cho các hoạt động phạm pháp: dùng SIM trả trước kích nổ mìn tự chế, quấy rối, trộm cước viễn thông…

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của Bộ kế hoạch và Đầu tư, đến hết quý 2/2010, Việt Nam có tất cả 151 triệu thuê bao cả di động và cố định, trong đó thuê bao di động chiếm trên 80%. Bộ thông tin và Truyền thông đánh giá có đến 90% trong tổng số điện thoại đi động là thuê bao trả trước. Nếu toàn bộ số lượng thuê bao di động trên đều hoạt động thì hiện nay có khoảng 75 triệu thuê bao di động trả trước là đăng ký thông tin không chính xác. Với những thuê bao này, người sử dụng có thể bỏ đi bất cứ lúc nào. Như thế, sự lãng phí kho số "trong điều kiện tài nguyên kho số có hạn" là vô cùng lớn. Đặc biệt là từ khi quan niệm về số điện thoại đẹp, số phong thủy… được nhiều người quan tâm, tìm mua, thị trường SIM số đẹp trở nên nóng bỏng thì những vấn đề liên quan đến quản lý thuê bao di động trả trước càng cần được đề cập nhiều hơn.

 

Lợi ích từ việc quản lý thuê bao trả trước đối với nhà nước và doanh nghiệp là tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, dưới góc độ người sử dụng, không ít người có tâm lý băn khoăn khi tham gia thực hiện khai báo thông tin chủ thuê bao.

Trên một số diễn đàn, nhiều người đặt câu hỏi lợi ích của họ ở đâu trong việc tham gia thực hiện quản lý thuê bao di động trả trước? Nếu mua Sim không khai báo, thậm chí họ còn được dùng nhiều Sim khuyến mãi và mức cước sẽ… rẻ hơn rất nhiều.

Trên thực tế, số thuê bao trả trước cũng như một tài sản cá nhân, khi tham gia vào thực hiện quản lý thuê bao di động trả trước, người dùng sẽ được đảm bảo quyền lợi sở hữu Sim, tránh tranh chấp, nhất là trong những trường hợp mất máy điện thoại. Ngoài ra, khi quản lý thuê bao trả trước được siết chặt thì nạn tin rác, tin tống tiền, khủng bố… sẽ được hạn chế đi rất nhiều, người dùng sẽ không bị phiền hà gây ảnh hưởng tới công việc và đời sống bởi những tin nhắn không lành mạnh như vậy.

Bên cạnh đó, bàn về vấn đề lợi ích của người sử dụng, ông Nguyễn Xuân Trụ, Vụ phó Vụ Viễn thông cho biết thêm: "Thị trường viễn thông hiện nay đang phát triển "nóng", đặc biệt là từ khi bùng nổ thuê bao trả trước. Việt Nam là nước nhỏ, đông dân, thu nhập chưa phải là cao nhưng đã có đến 7 nhà cung cấp dịch vụ di động, chính vì thế dẫn đến tình trạng khuyến mãi tràn lan để giành giật thị trường. Trong cạnh tranh phải đảm bảo ba nguyên tắc: Người dùng có lợi, doanh nghiệp có lợi và nhà nước có lợi. Với việc khuyến mãi như hiện nay thì mới chỉ đáp ứng một nguyên tắc là người dùng có lợi còn hai lợi ích khác là hầu như không có, hoặc có rất ít". Tài nguyên số của nhà nước bị lãng phí. Doanh nghiệp khuyến mãi nhiều nên lãi suất thấp, thực chất là ở trong tình trạng "lấy mỡ mình rán mình". Ông Trụ nhấn mạnh: "Đảm bảo cân đối tam giác: nhà nước – doanh nghiệp – người dùng một cách hài hòa chính là mục tiêu đảm bảo thị trường viễn thông phát triển lành mạnh của Đề án quản lý thuê bao trả trước. Nước có mạnh thì dân mới giàu, đây chính là lợi ích về lâu về dài, lợi ích bền vững nhất của người dùng trong việc tham gia thực hiện quản lý thuê bao trả trước".

Vẫn là "căn bệnh" khó chữa….

Thứ trưởng Lê Nam Thắng thừa nhận Đề án quản lý thuê bao trả trước sau hơn hai năm triển khai "kết quả vẫn còn khá nhiều tồn tại…."

Ngày 24/6/2009, Bộ TT&TT đã ra Thông tư 22/2009/TT-BTTTT quy định: "Mỗi cá nhân chỉ được sử dụng hộ chiếu, chứng minh thư của mình đăng ký tối đa 3 số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động" theo khoản 9, điều 7. 
Tính đến tháng 4/2010, số thuê bao di động trả trước đã đăng ký đối với 5 doanh nghiệp: Viettel, Vinaphone, Mobifone, Gtel Mobile, HN Telecom là hơn 131 triệu thuê bao. Trong số này có đến hơn 7,3 triệu thuê bao đã đăng ký thông tin nhưng chưa kích hoạt sử dụng. Đây là những thuê bao đã được đăng ký sẵn nằm trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp để bán cho khách hàng sử dụng. Theo đánh giá của Bộ, số lượng các thuê bao này quá lớn, ảnh hưởng đến hiệu suất sử dụng kho số thuê bao của doanh nghiệp. Trong 5 nhà mạng, Viettel chiếm nhiều nhất với 53,4 triệu thuê bao trả trước đã đăng kí và 4,6 triệu thuê bao đã đăng ký nhưng chưa kích hoạt. Vinaphone có 37,5 triệu thuê bao trả trước đã đăng ký và 54 nghìn thuê bao đăng ký chưa kích hoạt…

Bên cạnh đó, 100% thuê bao di động trả trước đã đăng ký thông tin, thế nhưng không một mạng nào dám đảm bảo độ chính xác của thông tin đã đăng ký. Trong kiểm tra vào thời điểm tháng 1/2010, Thanh tra Bộ phát hiện có tới 90% tổng số thuê bao di động trả trước khai báo thông tin cá nhân không chính xác. Trong số 131 triệu thuê bao di động trả trước, có hơn 69 triệu chủ thuê bao đăng kí một thuê bao, 17 triệu thuê bao đăng ký hai thuê bao, 8,5 triệu chủ thuê bao đăng ký 3 thuê bao và có đến 1.400 chủ thuê bao đứng tên từ 15 số thuê bao trở lên. Đáng buồn cười hơn, sau khi rà soát các thông tin thuê bao trả trước đã đăng ký, Thanh tra Bộ Thông tin – Truyền thông phát hiện ra có những chủ thuê bao mới…2 tuổi, có "lão làng" hơn trăm tuổi, và có những người tên chỉ là những ký tự A, B, C, D…., ít nhất có 3 triệu số thuê bao di động trả trước đang bị trùng tên nhau….

 

Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, hiện trạng phần lớn thuê bao đăng ký thông tin gian dối là do nhận thức và thói quen của người sử dụng chưa xác định được tính cần thiết của việc đăng ký thông tin. Tuy nhiên, quan trọng hơn là do chính các doanh nghiệp và các đại lý, điểm đăng ký của doanh nghiệp chưa nghiêm chỉnh thực hiện theo quy định. Bộ trưởng phân tích, hệ thống đại lý, điểm đăng ký doanh nghiệp là khâu yếu nhất, nhiều khi không kiếm tra chứng minh thư người mua hàng, chưa nói đến vi phạm không cần chứng minh thư.

Cho tới thời điểm này, biện pháp quản lý dựa vào chứng minh thư nhân dân của khách hàng vẫn bộc lộ nhiều bất cập, các doanh nghiệp viễn thông chưa có được dữ liệu gốc từ Bộ công an nên việc đối soát CMTND hầu như chưa thực hiện được ngay. Tình trạng ôm Sim bằng khai báo "ma" vẫn hoành hành. Nhiều cửa hàng, đại lý muốn thu hút khách hàng đã thực hiện việc khai báo thông tin hộ khách hàng. Thậm chí còn hỗ trợ khách hàng hoàn thành thủ tục mà không cần bất cứ giấy tờ tùy thân.

Trần tình về thực tế này, các doanh nghiệp cho rằng bản thân cũng đang gặp khó khăn trong công tác quản lý vì chưa có hệ thống đại lý độc quyền… Phần lớn các điểm bán lẻ đều làm đại lý cho tất cả các nhà mạng. "Thậm chí nếu chúng tôi xử phạt họ không bán Sim Gtel nữa thì họ vẫn chấp nhận vì họ vẫn có lợi nhuận từ các mạng khác. Vốn yếu thế hơn các mạng lớn khi tham gia cạnh tranh trên thị trường, nay phải thắt chặt quản lý thuê bao thì lượng khách hàng sẽ sụt giảm ngay lập tức", đại diện Gtel đưa ý kiến.

 

Hiện các nhà mạng có hơn 200.000 điểm giao dịch được ủy quyền nhưng chỉ có 41.000 điểm được trang bị máy tính kết nối mạng internet hoặc mạng viễn thông. Thông tin kê khai của khách hàng được các chủ giao dịch dùng sim đa năng nhắn về trung tâm thông tin của nhà mạng để đăng ký. Vì thế không thể xác minh được độ chính xác của thông tin đó.

Các cơ quan quản lý cũng đã nhận trách nhiệm là đã chậm ban hành quy định về khuyến mãi, công tác kiểm tra xử lý vi phạm còn nặng tính hình thức, chưa xử lý nghiêm. Đặc biệt là dù có văn bản quy phạm pháp luật, song thực tế vẫn có kẽ hở nên chủ đại lý mới lách luật. Một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ việc các doanh nghiệp (nhà mạng) chạy theo lợi nhuận, thiếu trách nhiệm và quyết tâm trong vấn đề này.

"Bốc thuốc" như thế nào cho đúng toa?

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp, đã đến lúc các doanh nghiệp phải quan tâm đến chất lượng chứ không phải chạy theo số lượng như hiện nay.

Để quản lý tốt thuê bao trả trước, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng cần phải tiến hành các giải pháp đồng bộ:

Giải pháp tuyên truyền: Trước kia việc tuyên truyền đăng ký thuê bao trả trước chủ yếu giao cho các doanh nghiệp, nay Bộ trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên truyền và phối hợp với doanh nghiệp;

Giải pháp về kỹ thuật: Doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phải rà soát lại quy trình đăng ký thông tin thuê bao;

Giải pháp kinh tế: Mọi vi phạm trong khuyến mãi sẽ buộc phải dừng, phải tăng cường chính sách giá cước. Bộ sẽ có chính sách thúc đẩy phát triển sử dụng thuê bao trả sau và sẽ ban hành mức phí, lệ phí mới với tài nguyên viễn thông;

Giải pháp quản lý điểm giao dịch: Hiện nay có hơn 200.000 điểm giao dịch là quá nhiều, doanh nghiệp cần nghiên cứu phương án giảm xuống còn một nửa;

Giải pháp hành chính: tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra, xỷ lý vi phạm…

Một trong những vướng mắc hiện nay của quản lý thuê bao trả trước là cơ sở dữ liệu có nhưng yếu và độ chính xác không cao. Nguyên nhân là chưa kết nối được với Bộ công an. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng đầu tư để trang bị cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, Bộ cũng tiến hành giao cho Vụ Viễn thông làm việc với Cục cảnh sát quảy lý an toàn xã hội và làm việc với Công an Hà Nội, cuối tháng 11 sẽ triển khai đối soát xong cơ sở dữ liệu của Hà Nội, và triển khai đối soát ở HCM và Đà Nẵng vào tháng 12.

Liên quan đến những giải pháp cho quản lý thuê bao trả trước, nhiều doanh nghiệp đưa ý kiến các nhà mạng nên bắt tay nhau, "dùng chung" những điểm giao dịch có uy tín sẽ do Bộ lựa chọn và thống nhất, vừa đỡ tốn kém chi phí, vừa đảm bảo được thông tin chính xác. Giải pháp này được Thứ trưởng Lê Nam Thắng ủng hộ. Thứ trưởng cho rằng "Để hơn 200.000 điểm giao dịch là khó quản lý và không cần thiết", điều kiện để trở thành chủ điểm giao dịch sẽ được đưa vào Nghị định hướng dẫn Luật viễn thông ban hành sắp tới.

Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, tuy nhiên "bốc thuốc" sao cho đúng "toa" và điều trị kiên quyết sao cho hiệu quả, hết bệnh vẫn là điều đang được đông đảo dư luận mong đợi nhất trong lúc này!

Tiến Toàn

Bình luận
vtcnews.vn