Bão Tỷ giá kìm hãm sức mua đồ số

Tổng hợpThứ Bảy, 04/12/2010 01:37:00 +07:00

Năm 2010 được đánh dấu là năm ra mắt nhiều sản phẩm mới thế nhưng ảnh hưởng của cơn bão tỷ giá ngoại tệ đó khiến sức mua của người tiêu dùng không như kỳ vọng.

Năm 2010 được đánh dấu là năm ra mắt nhiều sản phẩm mới thế nhưng ảnh hưởng của cơn bão tỷ giá ngoại tệ đó khiến sức mua của người tiêu dùng không như kỳ vọng.

Thị trường IT đìu hiu

Dạo qua một loạt các cửa hàng linh kiện IT lớn như Trần Anh, Mai Hoàng hay các cửa hàng trên phố Lê Thanh Nghị, một nhận định chung của các chủ cửa hàng là năm nay tiêu thụ rất chậm. Đây không phải là một viễn cảnh khó đoán bởi ngay từ đầu năm, đà mua sắm các thiết bị máy tính giảm hẳn do thuế GTGT tăng lên 10% kéo theo giá thành sản phẩm cũng tăng theo.

 

Các mặt hàng linh kiện cao cấp của các thương hiệu nổi tiếng như Asus, MSI, Cooler Master... hầu như không có mấy người mua. Hầu hết các cửa hàng chỉ bày mẫu hoặc để giá ảo trên mạng thay vì nhập về số lượng lớn như trước đây.

Điểm qua các mặt hàng tiêu thụ chậm trong lĩnh vực này là card xử lý đồ họa máy tính, RAM và các dòng chipset Intel Core i7. Theo đánh giá của một chủ cửa hàng chuyên doanh linh kiện, sức mua năm nay chỉ bằng 1/3 so với mọi năm mặc dù Quý IV là thời điểm sôi động nhất của thị trường bán lẻ.

Mặt hàng duy nhất có doanh số tăng đều tới thời điểm này là các loại ổ cứng gắn trong và ổ cứng di động. Lý giải cho hiện tượng này, hầu hết nhận định của các chủ cửa hàng là giá ổ cứng hiện nay đã tiệm cận mức sàn, dao động từ 1 triệu đồng tới 3 triệu đồng cho ổ dung lượng 500GB tới 1TB. Ngoài ra, thú chơi HD đang ngày một phổ biến tại Việt Nam. Người dùng luôn muốn tìm mua ổ cứng dung lượng cao để lưu trữ nhiều phim, xem trong dịp nghỉ lễ đã kích cầu cho dòng sản phẩm này.

Các dòng máy tính lắp sẵn, cấu hình thấp bán rất chậm và cũng không lời nhiều khiến các cửa hàng kinh doanh cũng không mặn mà. Nếu như mọi năm, đây là dòng sản phẩm hút hàng do nhu cầu lớn từ giới học sinh, sinh viên thì trong hai năm trở lại đây, thị trường này cũng khá ảm đạm. Thực tế cho thấy, việc các hãng máy tính xách tay liên tục giảm giá và nâng cấp cấu hình liên tục trong 1 năm trở lại đây khiến thị phần này trở nên sôi động.

Các dòng máy tính xách tay bán chạy chủ yếu nằm trong phân khúc từ 8 đến 12 triệu thuộc các thương hiệu như HP, Acer, với cấu hình từ Dual Core cho tới Core i3. Giá hợp lý, chế độ bảo hành khá dài, tiện dụng và khả năng cơ động cao khiến nhiều sinh viên lựa chọn máy tính xách tay thay vì lắp máy tính để bàn.

 

Một thực tế cho thấy, năm nay thị trường bán chậm nhưng các nhà sản xuất cũng như các cửa hàng phân phối hầu như không có chương trình marketing nào lớn để kích cầu. Lác đác xuất hiện một, hai chương trình tặng kèm chuột khi mua máy tính xách tay hay giờ vàng giảm giá linh kiện nhưng nhìn chung mức giảm không cao cũng như quà tặng không còn "hoành tráng" như cách đây 1 năm.

Đồ IT là thế, thị trường thiết bị số giải trí cũng không khá khẩm hơn là bao. Các dòng máy ảnh số, máy nghe nhạc đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh thiết bị số tại phố Hàng Bài (Hà Nội) cho biết: "Nhu cầu mua sắm đồ số năm nay giảm hẳn, một phần do tỷ giá USD tròng trành đầu Quý IV, một phần do thiết bị mua từ năm trước chưa giảm khấu hao mấy nên người dùng chưa có nhiều nhu cầu nâng cấp lên mẫu mới".

Đứng trước thực tế đó, mặc cho các nhà sản xuất như Canon, Sony, Panasonic ra mắt các dòng sản phẩm mới nhưng rất ít cửa hàng dám nhập sản phẩm về dù chỉ là hàng xách tay. Ngay cả tại phân khúc máy nghe nhạc số mà nổi bật là iPod Touch đời 4 của Apple cũng lâm vào cảnh chợ chiều bởi giá cao.

Nếu như cuối năm 2009, các dòng TV LCD tại những siêu thị điện máy đều bán không kịp thở thì năm nay cùng với hàng loạt chương trình "Giờ vàng", "Giỏ ưu đãi" được triển khai rầm rộ, sức mua vẫn không tăng, cùng lắm chỉ bằng 2/3 năm ngoái. Chủ một cửa hàng điện máy tại phố Hai Bà Trưng nhận định: "Tháng 6 vừa rồi diễn ra World Cup nên người ta có nhu cầu mua sắm TV LCD từ lúc đó rồi. Bây giờ cuối năm không nhiều mẫu TV mới mà giá cũng không tốt hơn, chất lượng ngang ngang rất khó để thu hút người mua. Trung bình bây giờ một ngày chỉ bán được 2-3 cái chủ yếu là loại tầm trung từ 32 đến 40 inch. TV 3D càng chậm hơn nữa bởi nội dung cho dòng sản phẩm này chưa đa dạng, giá cao và xem nhiều rất nhanh mỏi mắt".

Điện thoại di động... loạn giá

Trung tuần tháng 10, Nokia đã mở màn bằng việc... tăng giá ngoạn mục cho các sản phẩm ĐTDĐ của mình với mức tăng trung bình từ 300 ngàn tới 1 triệu đồng. Đây là một động thái trái chiều so với xu hướng mọi năm, đó là giảm giá vào kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm của các đại gia di động. Các dòng máy Nokia tăng giá phần lớn là các dòng sản phẩm đang hút hàng như E63, E72 và thậm chí là cả dòng điện thoại giải trí N8 vừa ra mắt.

Nổi bật trong số các sản phẩm điện thoại, Apple iPhone 4 là một cái tin gây ra khá nhiều biến động tại thị trường Việt Nam. Nếu như tháng 8, tháng 9 năm nay ta có dịp chứng kiến cảnh rớt giá không phanh của iPhone 4 (hàng xách tay) với con số giảm vài triệu 1 ngày thì tới tháng 10, sản phẩm lại tiếp tục đứng ở cái giá chót vót từ 17,5 triệu tới 21,5 triệu đồng.

Tỷ giá USD tăng, lượng cung trong và ngoài nước hiếm, lượng cầu cao khiến iPhone 4 được dịp đỏng đảnh như... thị trường vàng. Hiện tại, ngay cả hai nhà mạng đang phân phối chính thức sản phẩm này là VinaPhone và Viettel cũng đều đó có chính sách giá mới, tăng từ 300 đến 600 ngàn/máy. Việc phân phối nhỏ giọt của hai nhà mạng này cũng vô tình tạo điều kiện cho giới đầu cơ trục lợi khi chỉ việc nhập lại sản phẩm chính hãng và bán ra với mức giá chênh tới 3,4 triệu/máy.

Trái ngược với iPhone 4, các dòng điện thoại sử dụng Windows Phone 7 mới ra mắt đình đám cũng không hút khách là bao. Một phần bởi giá hàng xách tay hiện nay còn cao, từ 13 triệu tới 15 triệu/máy, phần nữa là do các thiết bị này chưa có nhiều ứng dụng hấp dẫn như AppStore của Apple.

Các dòng máy tính bảng cũng được mùa ăn theo iPhone với hàng loạt sản phẩm từ cao cấp như Apple iPad cho tới các thương hiệu Samsung Galaxy Tab, Archos 7 và mới đây là một thương hiệu tablet Việt tới từ Hanel.

Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro do giá thành đầu vào cao cũng như độ cầu đang giảm dần ngay kể cả đối với sản phẩm nổi tiếng iPad. Theo thăm dò mới đây của giới kinh doanh, chỉ có 10% trong số người được hỏi sẽ mua máy tính bảng vào dịp cuối năm.

Dự đoán trong 2 tháng tới, thị trường điện tử Việt Nam sẽ ít có biến động về giá cũng như chủng loại mặt hàng do các đầu mối đã nhập hàng sẵn trong kho để tránh biến động về tỷ giá. Các mặt hàng hút khách như iPhone 4, TV LCD sẽ giảm do phía nhà phân phối đang có nhiều dấu hiệu tăng lượng hàng nhập cũng như chính sách khuyến mãi cho mùa mua sắm cuối năm.

Thành Long

Bình luận
vtcnews.vn