Bão số 4 đổ bộ: Nhiều nơi bị cắt điện, ngập sâu trong nước

Thời sựChủ Nhật, 30/11/2014 07:12:00 +07:00

(VTC News) - Đêm qua, bão số 4 đã đổ bộ vào các tỉnh Phú Yên, Bình Định gây ra mưa to gió lớn, sóng biển ập và nhà dân, nhiều nơi bị cắt điện.

(VTC News) - Đêm qua, bão số 4 đã đổ bộ vào các tỉnh Phú Yên, Bình Định gây ra mưa to gió lớn, sóng biển ập và nhà dân, nhiều nơi bị cắt điện. 

Lúc 23h00, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ông Cao Đức Phát cho biết, đây là thời điểm bão số 4 đổ bộ vào đất liền. Vị trí tâm bão ở khu vực thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Sức gió mạnh nhất khi bão đổ bộ mạnh cấp 8, giật cấp 9.

Trước đó, theo ghi nhận của phóng viên lúc 22h30 tối 29/11, tại một số địa điểm như trụ sở phường Xuân Phú, trường tiểu học Cao Phong và trụ sở UBND xã Xuân Lâm (thị xã Sông Cầu)… có rất nhiều người dân tới tránh bão.

  Mưa lớn và có gió giật ở tâm bão Sông Cầu. (Ảnh: Lao Động)

Lúc 20h30 tối 29/11, có mặt ở trung tâm thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), phóng viên nhận thấy tại đây đã xuất hiện mưa to và gió mạnh. Một số tuyến đường chính của thị xã Sông Cầu cũng bị cúp điện.

Ông Trần Hữu Thế, bí thư Thị ủy Sông Cầu cho hay lúc 18h30 cũng xuất hiện một đợt mưa to gió lớn ở địa bàn thị xã, trong đó xã Xuân Cảnh có gió xoáy mạnh nhưng chưa nhận được thông tin về thiệt hại.

Đang ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) để chỉ đạo ứng phó cơn bão số 4, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt trung ương đã cung cấp thêm một số thông tin về cơn bão. 

 Gió giật mạnh từ 22h00 tại thị xã Sông Cầu. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Ông Phát cho biết: “Lúc chiều tối thì bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, hơi chếch về phía TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và theo báo cáo của bên khí tượng thì ở Quy Nhơn đo được gió giật cấp 7. Càng tiến gần bờ, bão di chuyển dích dắc và hiện đang đi thẳng hướng tây."

"Lượng mưa do hoàn lưu bão gây ra trong khoảng 100-150mm, nhưng không loại trừ có mưa rất to xảy ra cục bộ ở một số vùng,” ông Phát cho biết.

Ông Trần Quang Nhất - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, đến 22h30 tối 29/11, tỉnh Phú Yên đã sơ tán hơn 3.000 dân ở các vùng xung yếu đến nơi tránh trú, trong đó có toàn bộ dân cư vùng triều cường xóm Rớ (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa).

 Nhiều nơi bị cắt điện, ngập sâu trong nước. (Ảnh: Vnexpress)

Lúc 22h00, một số người dân và thanh niên xung kích đưa trẻ em, người lớn tuổi đến phân trường thôn Cao Phong (xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu) để tránh bão.

Giám đốc Điện lực Phú Yên Trần Văn Khoa cho hay, lúc 21h00, do mưa gió lớn gây phóng điện làm mất điện cục bộ ở khu vực Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên.

Phải mất hơn 1 giờ khắc phục trong mưa gió, ngành điện lực mới cấp điện được cho khu vực này. Lúc 22h00, toàn thị xã Sông Cầu cắt điện để đề phòng mưa gió lớn gây sự cố nghiêm trọng.

Trong khi đó, tại Bình Định, từ 19h00 tối qua, gió cũng đã bắt đầu mạnh. Mưa cũng lớn hơn. Đến 22h00, lượng mưa và gió càng thêm mạnh. Một số tuyến đường chính của TP Quy Nhơn như Nguyễn Thị Định, Ngô Mây, An Dương Vương... hiện chìm bóng tối vì cúp điện. Những cơn sóng biển liên tiếp ập vào nhà dân. 

 Ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thăm hỏi người dân tránh bão. (Ảnh: Lao Động)     

Ngay trong đêm, lực lượng ứng phó với bão số 4 của xã Nhơn Hải - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp bão số 4 phải đến từng nhà dân để kiểm tra tình hình và đề nghị người dân di dời đến nhà người thân và các điểm tránh trú của xã để tránh thiệt hại do bão.

Xác định đây là địa phương ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nên ngay trong đêm, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo ứng phó với bão số 4, hộ dân nào không chịu di dời đều bị cưỡng chế. Lúc 22h00, lượng mưa tại Bình Định phổ biến từ 150-200ml. Cùng thời điểm này, thời tiết ở ven biển các xã như Nhơn Lý, Nhơn Hải có gió rất mạnh.

Lúc 00h00, mưa vẫn không ngừng trút ở Quy Nhơn. Quán cà phê Bazan đường Nguyễn Tất Thành, gió lớn làm sập một góc mái. Xung quanh, cây cối gãy cành vương vãi khắp nơi. Một số tuyến đường nước ngập sâu. Toàn bộ nhà dân cửa đóng then cài, chỉ một vài nhà hàng lớn còn thắp đèn. Gió vần vũ, mưa to kéo dài đã hơn 40 phút tính từ lúc bão đổ bộ vào Phú Yên, tỉnh bạn.

Cho tới khoảng 2h00 rạng sáng 30/11, tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định trời mới ngớt mưa, gió ngừng và bão tan dần. 

Theo tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên, Bình Định, cho đến lúc này vẫn chưa có thiệt hại về người do bão gây ra. Hiện các tỉnh này đang thống kê thiệt hại và thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau bão.

Đà Long (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn