Bảo hộ bản quyền: Nhiệm vụ bất khả thi

Tổng hợpThứ Năm, 28/03/2013 09:46:00 +07:00

Công ước Berne đã có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 7 năm 2004. Vậy mà sau gần 9 năm thực thi, việc bảo hộ bản quyền...

Sau nhiều năm kiên trì theo đuổi hành trình gian nan chống vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản, First News – Trí Việt đã trở thành “hiệp sĩ” đi đầu trong cuộc chiến thoạt nhìn tưởng như không cân sức này, khi liên tục buộc hàng loạt đơn vị “cướp ngày” phải công khai xin lỗi và chấp nhận bồi thườn. Báo giới vui mừng đưa tin, “người làm sách chân chính đã thắng kiện”. Nhưng đốm lửa hy vọng vừa lóe lên ấy chưa đủ sức nóng để khỏa lấp nỗi lo luôn thường trực của các đơn vị làm sách trong nước – khi mọi nỗ lực tuyên chiến với vấn nạn sách lậu của họ chẳng khác nào “một mình chống lại mafia!”

GĐ Trí Việt - Nguyễn Văn Phước (giữa) trong cuộc họp báo khởi kiện hai đơn vị tại TP.HCM
Những tên cướp ngày trắng trợn

Công ước Berne đã có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 7 năm 2004. Vậy mà sau gần chín năm thực thi, việc bảo hộ bản quyền cho các tác phẩm văn học nghệ thuật vẫn chỉ dừng lại ở chủ trương, còn trên thực tế vẫn là “nhiệm vụ bất khả thi”. Luật xuất bản cũng đã đi vào cuộc sống tám năm, thế nhưng mong ước được pháp luật bảo vệ trước những “kẻ cướp ngày trắng trợn” của các nhà xuất bản có uy tín vẫn là mong muốn xa vời.

Trong phiên thảo luận về Dự án sửa đổi Luật Xuất bản giữa năm 2012, các đại biểu quốc hội đã rung lên tiếng chuông báo động về tình hình in lậu, in sách giả đang xảy ra phổ biến và trở thành nguy cơ đe dọa làm yếu ngành xuất bản cũng như xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ. Vài năm trở lại đây, nhiều vụ in lậu bị phát hiện nhưng chủ yếu chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, vài vụ bị xử lý hình sự nhưng mức án khá nhẹ vì khung hình phạt quy định với tội danh này còn thấp, chưa đủ sức răn đe.

Sách lậu là thực tế mà mỗi đơn vị làm sách đều đang phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Bày biện trang trọng trên những kệ sách sau tấm cửa kính sáng choang hay nằm la liệt trên tấm vải nhựa trải giữa vỉa hè bụi bặm. Ðàng hoàng rao bán 100% giá bìa trong nhà sách hay giảm giá “kịch trần” 45% - 55% ngay giữa những con phố sách nhộn nhịp. Sách thật “đánh đu” cùng sách giả. Sách lậu, sách nối bản đầy đủ tem nhãn – mã vạch – logo nhà xuất bản “khoe sắc” cùng sách scan cẩu thả - chất lượng in ấn lem nhem. Những kẻ trục lợi trên mồ hôi, công sức của các đơn vị xuất bản chân chính đang ngày một ăn nên làm ra, mặc cho khổ chủ oằn lưng gánh chịu thiệt đơn thiệt kép, mà phần nhiều trong số những thiệt hại đó không thể định giá nổi bằng tiền.

Gọi những kẻ làm liều ấy là “cướp ngày” không oan. Bởi hình thức ăn cướp của chúng ngày mỗi thêm tinh vi, khó kiểm soát. Bởi chúng đường hoàng ăn cướp giữa thanh thiên bạch nhật mà người bị hại rất khó để đòi lại sự công bằng. Bằng “cái mũi đánh hơi” rất thính nhạy, một sản phẩm tiềm ẩn khả năng hút khách, bán chạy vừa xuất xưởng sẽ ngay lập tức bị “luộc” không thương tiếc, chỉ sau khi sách thật ra sạp vài tuần, thậm chí vài ngày. Giấc mơ thu lợi nhuận, sau biết bao tiền của công sức đổ ra của những người làm sách nghiêm cẩn, chấp hành luật pháp đã nhanh chóng biến thành mây khói.

Không quản lý phí, không thuế, không chi phí mua bản quyền, không nhuận bút mà cũng chẳng phải trả phí biên tập, chế bản, một vốn vài chục lời, lợi nhuận quá lớn của in lậu còn đủ sức kéo cả một số cá nhân trong cơ quan quản lý nhà nước hùn vốn làm ăn hoặc góp sức ở một công đoạn nào đó rồi hưởng lợi. 

Khi bị in lậu, chủ sở hữu trí tuệ bị thiệt hại, cơ quan xuất bản thua lỗ, nhà nước thất thu một khoản tiền thuế khổng lồ mỗi năm. Người tiêu dùng thiệt hại đủ đường, khi phải đọc thứ hàng giả, phế phẩm từ hình thức tới nội dung, với số tiền tương đương giá bìa sách thật.  

Sách in truyền thống bị xâm hại bản quyền đã khó triệt tiêu. Vấn nạn sách điện tử (ebook) lậu, không bản quyền đang được “phá giá” hoặc bị các cư dân mạng hồn nhiên chia sẻ miễn phí trên rất nhiều diễn đàn mới là hình thức ăn cướp khiến các đơn vị xuất bản “bó tay toàn tập”. Nói tới ebook lậu, các đơn vị xuất bản trong nước hiện nay như NXB Trẻ, Kim Ðồng, Nhã Nam, Bách Việt, Chibooks, Ðông A… đều phải lắc đầu ngao ngán vì phần lớn sách của họ đều bị những kẻ giấu mặt “thuổng” và tung lên mạng làm thành sách điện tử, phát tán rộng rãi.

Bình thường, công đoạn sản xuất một cuốn sách mất trung bình nửa năm nhưng ngay sau khi sách giấy “ra lò”, việc biến thành  e - book tung lên mạng chỉ mất vỏn vẹn vài ngày. Theo bà Ðinh Hương thì từ hơn hai năm trước, 80% các đầu sách của đơn vị này đã bị làm e - book trái phép và phát tán trên mạng. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà rất đau xót khi hầu hết các sách do Phương Ðông xuất bản đều bị làm e - book không xin phép và ngang nhiên đưa lên nhiều website. Bà Nguyễn Quỳnh Trang (Nhã Nam) thừa nhận mặc dù biết rất nhiều sách của họ bị làm lậu và phát tán nhưng công ty đành bó tay bởi tính chất khó kiểm soát của môi trường internet và ý thức tôn trọng bản quyền của người Việt hiện tại rất thấp.

GĐ ChiBook - Lệ Chi đã mua bản quyền các tác phẩm của Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn
Triệt tiêu sách lậu – Một mình chống lại Mafia!

Ông Nguyễn Văn Phước  - Giám đốc Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt có lẽ là “hiệp sĩ” bền chí, kiên gan nhất trên chặng hành trình đầy nhọc nhằn chiến đấu không ngừng nghỉ với vấn nạn nhức nhối này. Là người làm ra những bộ sách bán chạy như Quà tặng cuộc sống, Món súp gà cho tâm hồn (Chicken soup for soul), Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Ðắc nhân tâm..., ông vô cùng đau xót khi phải đối diện với sản phẩm nhái dán biểu tượng First News ở mọi nơi, mọi lúc.

Từ nhà sách chính danh đến chiếu sách vỉa hè, từ cơ sở in ấn tới các kho chứa thỉnh thoảng bị các cơ quan chức năng triệt phá. Tốn vô khối tiền bạc và cả thời gian đi khảo sát xem sách của đơn vị mình bị in lậu ra sao, ông Phước từng cay đắng tâm sự: “chỉ mất công mua sách lậu về làm đối chứng với bản gốc chứ chẳng có ích lợi gì”. Nỗ lực sau đó của First News, khi kết hợp với các lực lượng chức năng đã thu được kết quả khả quan hơn, với hàng chục ngàn sách thành phẩm cùng nhiều bản kẽm đã bị thu giữ, tiêu hủy.

Suốt ba năm trời, từ 2009 đến 2011, Trí Việt cũng đã theo dõi và phát hiện rất nhiều trung tâm ngoại ngữ tổ chức quy mô việc sao chụp sách cùng đĩa CD những chương trình luyện thi TOEFL, iBT, TOEIC mà đơn vị đã mua bản quyền của NXB Compass (Mỹ) để bán cho học viên thu lợi. Tháng 7-2011, First News – Trí Việt đã tiến hành họp báo cùng với chủ sở hữu, nêu đích danh những trường vi phạm ở TP. HCM. Nhưng ngay sau khi các báo đài và các phương tiện truyền thông đưa tin, các trường đó vẫn ngang nhiên thách thức, tiếp tục sao chụp trái phép sách của First News - Trí Việt để bán cho các học viên.

Và phải đợi tới tháng 3 năm 2012, khi đã thu thập trong tay đầy đủ bằng chứng, vật chứng vi phạm của cả chục trung tâm, Trí Việt đã quyết định nổ phát súng đầu tiên – khi chọn khởi kiện hai đơn vị: Trường Anh ngữ Úc Châu (Công ty TNHH Giáo dục và Ðào tạo Duy Khang) và Trung tâm Anh ngữ Hội Việt Úc (Công ty TNHH Hội Việt Úc) vì hành vi sao chép kéo dài, có hệ thống. Trí Việt tuyên bố sẽ kiên định theo đuổi vụ kiện đến cùng, bởi “chúng tôi không muốn sống chung với sách lậu và những vi phạm nghiêm trọng về bản quyền trong xã hội. Chúng tôi mong pháp luật được thực thi nghiêm minh nhất, giúp các NXB đứng đắn có được môi trường trong sạch và những kẻ quen thói ăn cướp dần dần sẽ phải chùn tay”. 

Một cái kết khiến giới xuất bản nức lòng, đầu tháng 6/2012, Trường Anh ngữ quốc tế Úc Châu đã phải thừa nhận hành vi sai trái của mình và chấp nhận bồi thường cho “khổ chủ” theo yêu cầu của tòa, đồng thời cam kết chấm dứt hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và nói lời xin lỗi Trí Việt công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể nói đây là vụ thắng kiện về bản quyền sách đầu tiên tại Việt Nam. Với Trường Anh văn Hội Việt Úc, sau nhiều lần thương lượng và cũng phải đợi đến lần hòa giải thứ sáu (vào ngày 25/9/2012), ông Lê Thanh Hảo - Giám đốc đã ký cam kết xác nhận bồi thường đầy đủ cho First News trị giá 390 triệu đồng theo đúng yêu cầu kèm công khai xin lỗi.    

Thừa thắng xông lên, First News - Trí Việt đã công bố trước công luận vụ khởi kiện bản quyền đầu tiên tại Hà Nội. Trường Quốc tế Mỹ (Công ty TNHH Giáo dục Quốc tế Mỹ) là một địa chỉ đào tạo Anh ngữ lớn nhất nhì Hà Nội được thành lập từ năm 2000. Phát hiện hành vi vi phạm bản quyền kéo dài với mức độ nghiêm trọng của trường, First News đã thu thập đầy đủ chứng cứ (biên lai hóa đơn bán sách photo có dấu của trường, hình chụp và các băng video cận cảnh các hành vi kinh doanh và tiêu thụ sách photo và CD in lậu tại đây) và đã cùng Công ty Luật sư Quốc tế Thiên Việt hoàn tất hồ sơ để gởi lên tòa, với mức yêu cầu bồi thường thiệt hại 729 triệu đồng.

Ngay sau khi thông điệp được phát đi từ cuộc họp báo tuyên bố khởi kiện ngày 20/9/2012, Giám đốc Trường  Quốc tế Mỹ Hà Nội đã bay ngay vào TP. HCM để thương lượng, chấp nhận đền bù đầy đủ yêu cầu bồi thường thiệt hại của để bên nguyên rút đơn ở TAND TP. Hà Nội. Ðây là lần thắng kiện thứ ba liên tiếp của đơn vị này về bản quyền ở Việt Nam. 

Với tinh thần không khoan nhượng, ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc First News - Trí Việt khẳng định với báo giới: “Chúng tôi là đơn vị tiên phong quyết đi kiện đến cùng, không phải là để thu được lợi nhuận từ việc thắng kiện mà là để cảnh tỉnh tình trạng nhà nước buông lỏng vấn đề vi phạm bản quyền ở Việt Nam và mong giảm thiểu các vụ in lậu và vi phạm bản quyền trong tương lai cho ngành xuất bản Việt Nam. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ các vụ kiện chúng tôi sẽ làm từ thiện và trao học bổng cho sinh viên học sinh nghèo”.

Cũng trong năm 2012, Công ty cổ phần Văn hóa Ðông A (Ðông A Book) đã gửi đơn tố cáo khắp nơi về việc Công ty sách Ðinh Tị vi phạm bản quyền bộ sách 1.000 trò chơi tư duy phát triển trí tuệ do Ðông A mua từ cách đây hơn một năm. Theo đơn tố cáo này, không chỉ vi phạm bản quyền mà sách còn trở thành một thảm họa dịch thuật với những lỗi lầm vô cùng ngớ ngẩn, nhất là đối với một cuốn sách mang tính khoa học. “Kiện đến cùng” -  đó là lời khẳng định, là ý chí của những đơn vị đang bị vi phạm bản quyền.

Ðây được xem là một nét khá mới vì trước đây, trong nhiều vụ tranh chấp bản quyền, biện pháp thường được sử dụng chỉ là thương lượng giữa các bên. Trước đó, Công ty Sách Phương Nam (Phương Nam Book) cũng tố cáo Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn đã vi phạm bản quyền liên tục trong thời gian dài sách do Phương Nam Book sở hữu bản quyền mà tiêu biểu là trường hợp các bản dịch các tác phẩm nổi tiếng của dịch giả Cao Xuân Hạo như Papillon - Người tù khổ sai, Ðèn không hắt bóng…

Có lẽ, từ thành công cả về mặt kinh tế lẫn tinh thần mà Công ty Trí Việt (First News) đạt được đã mang lại động lực to lớn giúp những đơn vị trên củng cố niềm tin trong cuộc chiến bảo vệ bản quyền. Thắng lợi ban đầu, tuy nhỏ bé nhưng cũng là một tín hiệu vui. Khi các đơn vị làm sách chân chính đã có được niềm tin, rằng có chiến đấu mới có giành thắng lợi. Hy vọng, với một xã hội đang hướng tới sự văn minh, thì việc bảo vệ quyền tác giả ở Việt Nam sẽ không còn là một nhiệm vụ bất khả thi như suốt mấy chục năm qua.

Đàm Bảo Ngọc - Ảnh: Dương Triều

Bình luận
vtcnews.vn