Bao giờ TP.HCM hết cảnh 'hễ mưa là ngập lụt'?

Thời sựThứ Năm, 11/12/2014 02:00:00 +07:00

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM hứa sẽ tập trung giải quyết tình trạng ngập úng vốn là căn bệnh 'trầm kha' của thành phố.

(VTC News) – Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND sáng nay (11/12) Giám đốc Sở GTVT TP.HCM  hứa sẽ tập trung giải quyết tình trạng ngập úng vốn là căn bệnh 'trầm kha' của thành phố.

Tiếp tục kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 16 – khóa VIII, sáng 11/12, các đại biểu HĐND TP.HCM tham dự kỳ họp đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với ông Nguyễn Thành Chung – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM.

Những vấn đề chính mà ông Chung đã trả lời các đại biểu HĐND TP.HCM trong kỳ họp lần này là: ngập nước, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nội và ngoại thành, hiệu quả của việc trợ giá xe buýt, tai nạn giao thông.

Là đại biểu đầu tiên mở đầu cho buổi chất vấn, đại biểu Cao Thanh Bình nêu lên các vấn đề: Hiệu quả của các chương trình trợ giá dành cho xe buýt, giải pháp nào hiệu quả để không bị sạt lở khi mưa và triều cường cùng kết hợp?

Chưa an tâm, đại biểu Bình còn đặt câu hỏi: “Hiện chỉ mới có khoảng 97% dân số của TP.HCM sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Trong khi thực tế hiện nay, nguồn nước tại TP.HCM là chưa đảm bảo vệ sinh tốt. Hướng đầu tư và giải quyết thế nào để thay thế trường hợp này? Tỷ lệ này vào năm 2015 sẽ thay đổi là bao nhiêu?

Đại biểu HĐND TP.HCM - bà Nguyễn Thị Việt Tú đặt câu hỏi chất vấn (ảnh: P.L) 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú đề cập đến vấn đề, hiện nay, ở TP.HCM ngoài ngập do mưa và triều cường, còn có tình trạng ngập do các công trình thi công dự án phát sinh. 

“Chúng ta đã yêu cầu, chế tài các nhà đầu tư, chủ thi công như thế nào để tình trạng này không lặp lại?” – đại biểu Tú nói tiếp.

Đại biểu Trần Thị Tuyết Hồng thì cho rằng, việc TP.HCM chỉ giảm được 2/6 điểm chống ngập trong năm 2014 đã làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân. 

Bà Hồng đề nghị cần phải đưa các chỉ tiêu chống ngập chi tiết, cụ thể vào mục tiêu, kế hoạch phát triển của năm 2015.

Trả lời các câu hỏi chất vấn của các đại biểu về vấn đề chống ngập, ông Nguyễn Thành Chung cho rằng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên triều cường ngày càng dâng cao, mưa cũng thường xuyên hơn, nên có đến 1/3 diện tích của TP.HCM bị ảnh hưởng bởi ngập nước.

Bên cạnh đó, TP.HCM đã quy hoạch cống bao để chống ngập do triều cường. Đây là một chương trình đòi hỏi số vốn rất lớn. Chỉ tính riêng chương trình kênh Tân Hóa – Lò Gốm thì TP.HCM đã đặt 1.077 van một chiều để kiểm soát triều.

Ngập nước do mưa, năm 2011, TP.HCM đưa ra chỉ tiêu giải quyết 58 điểm chống ngập, nhưng đến năm 2013 chỉ còn 6 điểm bị ngập.Sau đó đến năm 2014, khi kiểm tra lại thì thấy trong tổng số 47 điểm đã xóa ngập thì có 33 điểm tái ngập, 6 điểm ngập chưa giải quyết và phát sinh thêm 29 điểm ngập mới.

Ông Nguyễn Thành Chung cho biết, một trong những nguyên nhân chính làm ngập, là do các công trình xây dựng thi công không đảm bảo khơi thông dòng chảy, làm ách tắc dòng chảy như tại dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, Tân Hóa – Lò Gốm, xa lộ Hà Nội.

Chỉ tính riêng dự án kênh Tân Hóa – Lò Gốm, thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã xử phạt 66 trường hợp vi phạm, thi công làm ngập. Đối với 29 điểm ngập mới, người đứng đầu Sở GTVT TP.HCM nhận khuyết điểm khi chưa đánh giá đúng thực tế.

Trước mắt, ông Chung đề nghị sẽ tăng cường công tác nạo vét, tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để người dân đảm bảo sinh hoạt vệ sinh, không xả rác bừa bãi ra kênh rạch. Ông Nguyễn Thành Chung cũng hứa, tới năm 2015, 85 điểm ngập và những điểm mới phát sinh sẽ cơ bản được giải quyết được 80%, còn đến năm 2020 thì sẽ giải quyết được hết các điểm ngập.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Nguyễn Thành Chung trả lời chất vấn đại biểu HĐND (ảnh: P.L) 

Đối với chính sách trợ giá dành cho xe buýt, ông Chung khẳng định đây là chủ trương từ rất lâu của TP.HCM. Trong vòng 12 năm qua, chính sách này đã từng bước phát huy hiệu quả, khi chỉ trong vòng hơn 10 năm, số lượng người dân sử dụng xe buýt đã tăng lên đến hàng chục lần.

Tuy nhiên, ông Chung cũng đã thừa nhận có tình trạng xé vé xe buýt khống. Nhất là trước năm 2013, khi mà thực hiện chính sách khoán lượng người đi xe buýt cho các đơn vị, phạt các xe bỏ tuyến, nên dẫn đến tình trạng xe sợ khi không đạt chỉ tiêu nên phải xé vé khống.

Tới năm 2020, TP.HCM sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng ngập do triều cường và mưa (Ảnh: P.L) 

Ngay trong năm 2013, Sở GTVT TP.HCM đã có thực hiện điều chỉnh, nên 11 tháng đầu năm 2014, tình trạng xé vé khống đã không còn, nhưng lại xảy ra tình trạng gian lận vé xe buýt. Nhiều đơn vị có tài xế quay vòng vé, bằng cách là thu lại vé của khách để bán cho khách khác.

Tính đến nay, người dân đã phản ánh 24.000 lượt thông tin có liên quan đến tiêu cực của nhân viên và tài xế xe buýt. Trong thời gian vừa qua, nhờ theo dõi và giám sát, cơ quan chức năng của TP.HCM đã phát hiện tình trạng vé xe buýt giả rất lớn, nhất là tại HTX Quyết Tiến. Tháng 7/2014, cơ quan Công an đã phát hiện đối tượng làm vé xe buýt giả trong HTX Quyết Tiến.

Lãnh đạo ngành GTVT TP.HCM khẳng định, dù chương trình trợ giá cho xe buýt có hiệu quả, nhưng vẫn chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân.

“Vẫn còn tình trạng tài xế xe buýt thường xuyên cho xe ghé không đúng trạm, không đúng chỗ quy định, hướng dẫn trên xe không cụ thể, thiết bị trên xe chưa đảm bảo, nên chưa thể thu hút người dân. Việc trợ giá xe buýt vẫn còn xảy ra tiêu cực, nên chưa thể đến rộng rãi với đối tượng sinh viên, học sinh và người lao động nghèo nhiều hơn” – ông Nguyễn Thành Chung cho biết.

Giải pháp trong thời gian sắp tới, Sở GTVT TP.HCM sẽ đầu tư và làm hệ thống thẻ thông minh đối với những đối tượng hành khách này, để giảm bớt tiêu cực phát sinh.

Phương Linh

Bình luận
vtcnews.vn