Bao giờ sai lầm thủ môn mới thôi ám ảnh bóng đá Việt Nam?

Thể thaoThứ Năm, 14/09/2017 18:01:00 +07:00

Những sai lầm liên tiếp của các thủ môn Việt Nam trong thời gian qua không phải ngẫu nhiên mà có.

U18 Việt Nam đã kết thúc hành trình tại giải U18 Đông Nam Á sớm hơn dự kiến. Dù đã chơi tốt trong phần lớn các trận tại vòng bảng, song thầy trò huấn luyện viên (HLV) Hoàng Anh Tuấn phải chia tay giải khi thất bại trong trận đấu cuối với U18 Myanmar.

Trong đó, bàn thua mang tính chất quyết định với U18 Việt Nam đến từ sai lầm của thủ thành Y E Li Nie với pha bắt bóng hỏng vô duyên.

Video: Thủ môn sai lầm, U18 Việt Nam thua đau U18 Myanmar

Y E Li Nie cũng không phải thủ môn duy nhất mắc sai lầm trong thời gian qua. Chưa ai quên, Phí Minh Long đã có 90 phút tệ hại trước U22 Thái Lan với hai sai lầm chết người (bắt bóng sau đường chuyền về của Tuấn Anh và lao ra thiếu hợp lý), qua đó trực tiếp khiến toàn đội phải chấm dứt giấc mơ "vàng" SEA Games ngay từ vòng bảng.

Người ta có thể trách Hữu Thắng vì tin tưởng Minh Long. Nhưng ngay cả người cạnh tranh suất bắt chính với thủ thành thuộc biên chế CLB này là Bùi Tiến Dũng cũng không có phong độ ổn định. Tiến Dũng chưa có kinh nghiệm bắt V-League, lại vừa mắc sai lầm đáng trách không kém trong trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Hàn Quốc tại vòng loại U23 châu Á.

Nhìn rộng ra, tuyển Việt Nam cũng chưa bao giờ yên tâm tuyệt đối với vị trí thủ môn. Văn Lâm chơi ổn trong hai trận tại vòng loại Asian Cup 2019, song chính "Lâm Tây" cũng chơi đầy bất ổn trong màu áo Hải Phòng với những sai lầm ngớ ngẩn ở mùa giải năm ngoái, trước khi gặp sự cố với trợ lý Lê Sỹ Mạnh, bị lật cổ chân và chưa hẹn ngày trở lại Hải Phòng.

van-lam

Văn Lâm chơi hay ở tuyển Việt Nam, nhưng phong độ trong màu áo Hải Phòng chưa thực sự ổn định.

Các thủ môn còn lại của tuyển Việt Nam như Nguyên Mạnh (lãnh thẻ đỏ trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2016) hay Tuấn Linh cũng không đem lại sự tin tưởng tuyệt đối. Từ sau thời của Dương Hồng Sơn, bóng đá Việt Nam chưa khi nào khan hiếm thủ môn đáng tin cậy như thời điểm hiện tại.

Không thiếu lý do cho những sai lầm mang tính nối tiếp của các thủ môn (khiến bóng đá Việt Nam nhận "trái đắng"). Thứ nhất, bản lĩnh cầu thủ Việt Nam nói chung không phải yếu tố khiến người hâm mộ yên tâm khi chúng ta luôn thiếu sự tỉnh táo ở những thời điểm quyết định. Chứ chưa nói đến thủ môn - vị trí yêu cầu độ lỳ và sự lạnh lùng, chính xác tuyệt đối, bởi sai lầm của thủ môn là điều gần như không thể sửa chữa.

Lâu lắm rồi, bóng đá Việt Nam không sản sinh ra thủ môn nào có sự lì lợm và tâm lý đủ vững vàng để làm điểm tựa cho các đồng đội.

Thứ hai, cần phải đặt dấu hỏi về công tác đào tạo thủ môn của bóng đá Việt Nam. Theo quy chuẩn của FIFA, HLV thủ môn phải sở hữu bằng cấp ngang với cấp B của HLV thông thường, trong khi các HLV thủ môn ở Việt Nam hiện tại hầu hết không sở hữu bằng cấp.

Thủ môn cũng không phải vị trí được đào tạo bài bản cả về mặt tâm lý và kỹ thuật ngay từ khi còn nhỏ. Nhiều thủ môn là từ cầu thủ ở vị trí khác... chuyển về. Đơn cử như thủ môn Nguyên Mạnh từng là một tiền đạo trước khi chuyển về gác đền.

nm

 Nguyên Mạnh nhận thẻ đỏ ở AFF Cup với tình huống xử lý nóng nảy.

Kỹ năng của thủ môn có thể giúp họ chơi xuất sắc trong một vài trận đấu. Nhưng để hình thành bản lĩnh vững vàng và sự lỳ lợm để trụ vững trong khung thành ở những tình huống căng thẳng tột độ, thủ môn nhất định phải được đào tạo bài bản bởi những HLV có đủ đẳng cấp và trình độ chuyên môn.

Sai lầm của những người gác đền trải đều từ U16, U18, U19, U22, tuyển quốc gia là câu trả lời cho công tác đào tạo thủ môn hiện nay. Sai lầm của cá nhân của một thời điểm nhất định có thể quy trách nhiệm cá thể, nhưng sai lầm mang tính nối tiếp, liên tục như vậy phải được quy thành hệ thống. Với công tác đào tạo thủ môn như vậy, ngày bóng đá Việt Nam tìm được người trấn giữ khung thành tin cậy sẽ còn rất xa.

Mà không "trấn yên" được mành lưới, sao có thể nghĩ đến chuyện tiến xa hay vô địch ở bất kỳ giải đấu nào?

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn