Bao giờ bóng đá Việt Nam hơn Thái Lan?

Thể thaoThứ Bảy, 20/06/2015 07:09:00 +07:00

U19 Việt Nam từng thắng không chỉ 1 lần trước U19 Thái Lan nhưng ở cấp độ U23 thì chúng ta lại toàn thua

Nhìn cái cách các cầu thủ Thái Lan lên ngôi vô địch SEA Games thật nhẹ nhàng, có nhiều ý kiến hỏi rằng bao giờ bóng đá Việt Nam hơn được đội bóng này để lên ngôi số một Đông Nam Á.

Thực chất thì bóng đá Việt Nam đã có lúc hơn bóng đá Thái nhưng đấy chỉ là cái hơn ở tầm bóng đá trẻ. Đó là những giải quốc tế U-21 báo Thanh Niên, bóng đá Thái Lan lứa cầu thủ U-21 (từng có cả những cầu thủ vừa qua dự SEA Games 28). Tại đấy mặt bằng lứa U-21 Thái Lan có lúc thua rất xa U-21 Việt Nam. Gần hơn là tại những giải U-19 Đông Nam Á, bóng đá Thái Lan đã không có cửa thắng được lứa U-19 Việt Nam.
Cấp độ U-19 hay U-21 thì bóng đá Việt Nam hơn nhưng từ U-23 trở lên thì lại thua xa người Thái. Điều này khẳng định không thua từ yếu tố con người 
Nhỏ hơn nhưng lớn lại thua. Tại sao?

Từ đó có thể đặt ra dấu hỏi vì sao lên cấp độ Olympic hay U-23 và đội tuyển thì bóng đá Việt Nam lại có khoảng cách xa đến thế?

Nếu ở vòng loại World Cup 2018 diễn ra trước SEA Games 28, cách chọn lối chơi của đội tuyển Việt Nam là lối đá của một đội bóng xác định trình độ mình yếu hơn khi thi đấu với đội mạnh hơn. Một lối đá nặng nề về phòng thủ xen lẫn bạo lực và phá bóng nhiều hơn là đá bóng với hy vọng kiếm 1 điểm trên sân khách và bất thành.

Tại SEA Games 28 thì cán cân có vẻ bớt chênh lệch hơn nhưng tiếc là cả hai không có dịp chạm trán nhau ở chung kết mà chỉ có một lần đội hình 2 của hai đội gặp nhau tại vòng loại khi đã cùng chắc suất vào bán kết.

Nhưng xét cho cùng thì tại SEA Games 28, Thái Lan vô địch là hợp lý bởi họ cho thấy một đẳng cấp khác so với các đội còn lại. Dù đá với đội hình nào và vì mục đích gì thì trận nào Thái Lan cũng thể hiện một bản sắc chững chạc bởi một tập thể đều đặn rất ăn ý với nhau. Họ luôn giữ một lối chơi đồng nhất lấy kỹ thuật làm chính và phối hợp với nhau rất ăn ý trong việc vận hành cỗ máy hủy diệt tìm đường vào cầu môn các đối thủ.

Việc từ đội U-23 trở lên thì ta rớt lại chắc chắn không phải do yếu tố con người mà do công tác huấn luyện hay nói đúng hơn là việc vận hành của bóng đá Thái Lan ở cấp đội tuyển tốt hơn.

Thái Lan cũng thuê thầy ngoại nhưng họ không khoán trắng cho HLV ngoại mà chỉ để phụ trách ở những mảng chuyên biệt. Như công tác huấn luyện thể lực, tâm lý là do đội ngũ huấn luyện người Đức còn vấn đề kỹ, chiến thuật và cả chiến lược là do chính người Thái.

Video U23 Việt Nam 1-3 U23 Thái Lan
Vai trò của Hội đồng HLV Việt Nam bằng 0

Ở Thái Lan họ luôn xem trọng Hội đồng HLV và hội đồng này do các HLV dự Thai-League và hạng nhất ngồi lại để góp ý vào việc xây dựng định hướng chiến lược chung.

Nếu ở Việt Nam, ông Miura đi từng sân chấm cầu thủ thì ở Thái Lan HLV Kiatisak có cả một hội đồng HLV tiến cử theo một chiến lược họ đã xác định với nhau. Trong khi ở Việt Nam nhiều CLB có lúc bực bội với việc mất quân và “hỏng quân” thì ở Thái Lan HLV Kiatisak đã có cuộc trao đổi lấy ý kiến với tất cả các vị cầm quân ở những đội bóng để nắm rõ ưu, khuyết của từng cầu thủ. Thậm chí là khi chưa chọn lên đội tuyển thì HLV Kiatisak đã gửi gắm HLV ở CLB nên bổ trợ thêm phần nào thiếu cho cầu thủ đấy…

Nói chung là đã có một sự gắn kết chặt chẽ giữa các CLB và đội tuyển chứ không như ở Việt Nam đôi lúc bị phân hóa thành hai cá thể có điểm chung là cầu thủ được mời lên tuyển.

Hội đồng HLV ở Thái Lan được tập hợp từ các HLV, những nhà chuyên môn giỏi nhất có thể ngồi lại và cùng bàn bạc phân tích, định ra chiến lược giúp LĐBĐ Thái Lan trong khi ở Việt Nam thì Hội đồng HLV lại trao cho một thành viên chưa có một giờ huấn luyện và cũng chưa bao giờ làm cầu thủ đứng đầu làm chủ tịch. Việc đặt sai vị trí người đứng đầu này khiến lần lượt người tài, người có lòng tự trọng ở Hội đồng HLV Việt Nam trước đây rút lui còn những người ở lại thì chỉ tham gia cho có tụ.

Ở Thái Lan Hội đồng HLV giúp việc cho Liên đoàn rất nhiều về chuyên môn còn ở Việt Nam thì hội đồng đấy chỉ biết gật với tất cả những gì mà HLV ngoại thực hiện.

Ngoài ra còn một mặt rất là quan trọng đó là bóng đá Thái Lan lấy CLB và lấy nền tảng Thai-League làm gốc còn ta thì cầu thủ đưa lên từ V-League phải được ông Miura làm lại từ nền tảng thể lực.

Việt Nam mất rất nhiều thời gian cho cầu thủ tập trung và làm mới lúc lên tuyển còn Thái Lan thì sẵn nền tảng của CLB và cứ thế ráp lại.

Cách làm của Thái Lan không mới bởi nó là cách làm mà các quốc gia đều thực hiện theo đúng quy trình còn Việt Nam thì bỏ qua nhiều khâu nên phải đốt giai đoạn.

Câu hỏi bao giờ bóng đá Việt Nam hơn Thái Lan chỉ có lời giải khi ở thượng tầng phải được làm việc một cách có bài bản, khoa học và nghiêm túc thay vì chia ban, chia bệ cho có tụ và có cái tên.

Nguồn: Pháp luật TP.HCM
Bình luận
vtcnews.vn