Bão Bebinca: Gió quật bay xe, nước tràn ngập nhà

Thời sựChủ Nhật, 23/06/2013 09:00:00 +07:00

(VTC News) - Bão số 2 đổ bộ, gió to, sóng lớn quật tung ô tô xuống âu cảng, nước biển tràn ngập nhà.

(VTC News) - Bão số 2 đổ bộ, gây gió to, sóng lớn ở nhiều địa phương khiến cuộc sống của người dân trở nên khó khăn, nước tràn ngập nhà.


Hải Phòng:


Đồn biên phòng Bạch Long Vĩ cho biết hồi 14h ngày 23/6 xe ô tô của huyện chở dây chằng buộc cho tàu Đình Vũ trên đường về do gió to, sóng lớn dẫn đến xe ô tô bị vỡ kính và lật xuống âu cảng. Đồn biên phòng đã cứu được người trên xe và trục vớt xe lên bờ.
bão lớn
Nước dâng nhanh khiến nhiều người dân không kịp di chuyển đồ đạc. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Tại quận Đồ Sơn, cuối giờ chiều xuất hiện triều cường lớn, nước dâng cao làm ngập nhiều khu dân cư. Toàn bộ khu vực phường Ngọc Hải, khu chợ Cồng Vồng… đều mênh mông trong nước. Theo ghi nhận, một số nơi nước dâng gần 1m, ngập ngang ngực người. Nhiều gia đình không kịp di chuyển đồ đã bị nước tràn vào nhà.

Bà Nguyễn Thị Lan (45 tuổi, bán hàng ở khu chợ Cầu Vồng), cho biết: “Nước dâng rất nhanh, chỉ trong vòng 10 phút đã ngập vào nhà. Chưa bao giờ tôi thấy triều cường dâng cao như vậy, khu chợ này lần nào ngập mênh mông thế. Hàng họ không kịp chạy bị hỏng hết. Có nhà cháy cả tủ lạnh bảo quản hàng”.

Tại huyện đảo Cát Hải do sóng biển to kết hợp triều cường dâng gây lụt các khu dân cư Gia Lộc, Tiến Lộc, Hải Lộc... Đồn biên phòng Cát Hải đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức di dân cho 1.795 người trong diện phải di dời về vị trí an toàn. Một số người dân vẫn cố tình xuống bè nuôi trồng thủy sản, đồn biên phòng đã tiến hành cưỡng chế đưa những người dân này về nơi an toàn.

Đến 19h cùng ngày, các khu dân cư này vẫn bị ngập lụt. Trong khu vực nội thành không mưa, có gió nhẹ. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hải Phòng, mực nước dâng do bão kết hợp triều cường đã gây ngập lụt một số khu dân cư tại Đồ Sơn và Cát Hải.

Quảng Ninh:

Chiều nay 23/6, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh đã họp khẩn cấp với Ban Chỉ huy PCLB&TKCN để chỉ đạo công tác phòng chống bão số 2 và đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 2 tại thị xã Quảng Yên.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, do ảnh hưởng của bão, từ tối ngày 22/6 đến thời điểm này, nhiều địa phương trong tỉnh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, riêng khu cực huyện Cô Tô và Cửa Ông (Cẩm Phả) có gió giật cấp 8, cấp 9; lượng mưa tương đối nhỏ, cao nhất là khu vực Bãi Cháy 60 mm, Cửa Ông 54 mm.

Để chủ động phòng chống bão số 2, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra các địa bàn xung yếu; triển khai các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thực hiện kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão; chằng chống, di chuyển nhà bè vào nơi an toàn, di dân từ các nhà bè lên bờ...
Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra một số điểm xung yếu trên tuyến đê Hà Nam (Quảng Yên)
Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra một số điểm xung yếu trên tuyến đê Hà Nam (Quảng Yên) - (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh: Bão số 2 có diễn biến hết sức phức tạp, nhất là trong điều kiện triều cường vào mức 3,9 m vào 5 giờ chiều nay nên mức độ nguy hiểm do bão gây ra là rất cao.

Ông Đọc yêu cầu các địa phương, ngành chức năng phải đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, nhất là các tuyến đê biển; đảm bảo an toàn cho các tàu khách. Đảm bảo 100% tàu khách, tàu khai thác thuỷ sản phải vào bờ neo đậu an toàn; cương quyết di chuyển người dân sinh sống trên các nhà bè vào bờ.

Ngay sau cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đọc đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 2 tại thị xã Quảng Yên. Đồng chí đã trực tiếp thị sát, chỉ đạo thị xã Quảng Yên triển khai ngay các phương án phòng chống đảm bảo an toàn cho tuyến đê biển Hà Nam với phương châm đảm bảo 4 tại chỗ, trong đó đặc biệt phải rà soát để thực hiện di dân tại chỗ khi tình hướng xấu xảy ra.

Nam Định:

Chiều 23/6, Nam Định hoàn thành cơ bản việc di dời hơn 7.000 người dân ở ngoài tuyến đê chính, vùng cửa sông, vùng nuôi trồng thủy sản tại ba huyện ven biển Nghĩa Hưng, Giao Thủy và Hải Hậu vào nơi trú ẩn an toàn sâu trong đất liền.

Chính quyền địa phương bố trí các công trình, nhà ở kiên cố như công sở xã, nhà văn hóa thôn, nhà thờ… để người dân vùng ven biển, cửa sông đến tránh trú bão số 2.

Thông tin thêm từ Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Nam Định cho biết đến trưa 23/6 toàn tỉnh vẫn còn 25 tàu, thuyền (với 216 người) đang ở các đầm, bãi, chưa chịu trở về nhà khu vực trong đê để tránh bão số 2. Ngay trong chiều 23/6, bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương đã ra tận nơi vận động, yêu cầu số phương tiện và số người nêu trên khẩn trương vào khu vực an toàn để tránh trú bão.

Được biết, Nam Định có hai khu vực đê kè xung yếu là: mỏ kè ở xã Nghĩa Phúc và đê Cồn Xanh ở xã Nam Điền (đều thuộc huyện Nghĩa Hưng). Hai ngày qua, UBND tỉnh Nam Định tập trung lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, gia cố hai điểm đê xung yếu này.

Đến chiều 23/6, tại đoạn đê Cồn Xanh (xã Nam Điền), Công ty TNHH xây dựng Xuân Khiêm đã chuẩn bị 20.000m2 vải lọc chống tràn, 2.000 cấu kiện bê tông đúc sẵn, 5.000m3 đất, 2.000 bao tải, 500m3 đá hộc, 400 chiếc rọ đá; nhân lực, phương tiện, máy xúc, ô tô để sẵn sàng xử lý chống tràn khi mưa bão đổ bộ. Ngoài lực lượng của xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng đã huy động thêm lực lượng từ bốn xã lân cận để tham gia cứu hộ điểm đê xung yếu này, trong tình huống xấu khi bão số 2 đổ bộ vào.


bão bebinca, bão số 2, quảng ninh, mưa lớn, áp thấp nhiệt đới
 Tàu, thuyền tránh bão ở cảng Lạch Hới - Sầm Sơn - Thanh Hóa. Ảnh: GD& TĐ.

Ninh Bình:

Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh yêu cầu các địa phương bố trí trực ban 24/24 theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 2; tìm mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh, trú an toàn; chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp bảo vệ lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, nhất là ở vùng bãi bồi huyện ven biển Kim Sơn.

Bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn ứng phó kịp thời với mọi diễn biến bất thường; tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan và sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm; giúp nhân dân thu hoạch nhanh diện tích lúa mùa muộn còn lại, rà soát các hồ, đập, công trình đang thi công, có kế hoạch tiêu thoát nước chống úng cho cây màu đã trồng.

Theo Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Ninh Bình, đến chiều 23/6, lực lượng chức năng đã kêu gọi được 106/106 phương tiện tàu thuyền và 314 ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã kêu gọi, đưa 392 lao động đang làm việc ở khu vực từ đê Bình Minh III trở ra khu vực Cồn Nổi (huyện Kim Sơn) về nơi tránh trú bão an toàn. Công tác di dân từ khu vực đê Bình Minh II đến Bình Minh III vào nơi tránh trú bão số 2 an toàn đã được thực hiện xong.

Trong ngày 23/6, trên địa bàn tỉnh Nam Định và Ninh Bình có mưa rào rải rác, gió bắt đầu thổi mạnh dần lên.

Theo bản tin Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương phát lúc 17g30 ngày 23/6, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 70 – 120mm.

Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ và bắc Trung Bộ đã có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật trên cấp 6; một số nơi có gió mạnh hơn như Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió giật mạnh 19m/s (cấp 8); đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh 19m/s (cấp 8); giật 28m/s (cấp 10); Hòn Dấu (Hải Phòng) có gió mạnh 13m/s (cấp 6), gió giật 26m/s (cấp 10); ở Văn Lý (Nam Định) có gió giật 19m/s (cấp 8); Thái Bình có gió mạnh 15m/s (cấp 7); giật 20m/s (cấp 8); Hòn Ngư (Nghệ An) có gió giật mạnh 18m/s (cấp 8)…

Hồi 16 giờ ngày 23/6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc sau đó có khả năng lệch dần về hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền khu Đông Bắc Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 24/06, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 24/06, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,0 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ kinh Đông, trên khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6 – 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, cấp 11. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, cấp 11. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.



Diệp Vy (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn