Bàn tròn: Lối đi nào cho trò chơi trực tuyến?

Thế giới gameThứ Tư, 04/08/2010 09:55:00 +07:00

Cách quản lý nào hiệu quả và hợp lý cho việc phát hành game và chơi game? Liệu vụ cắt net có phải là một vụ “ngực lép thì không được đi xe gắn máy”?...

Một bàn tròn giao lưu trực tuyến với chủ đề "Lối đi nào cho game online" của Báo điện tử Vietnamnet vào sáng ngày mai (5/8/2010) sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về vấn đề đang thu hút sự chú ý đặc biệt của xã hội.

Xiết game online, game offline cười hớn hở

Ngay sau khi sở Thông tin & Truyền Thông (TT&TT) TP.HCM đòi xử phạt các doanh nghiệp phát hành game bạo lực như đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, sở TT&TT Hà Nội cũng đưa ra ý tưởng cắt Internet các máy chủ game tương tự từ 23h đến 6h sáng hôm sau. Ý tưởng này cũng được biến thành một dự thảo để trình Bộ TT&TT thông qua.

Dư luận lập tức dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Thực tế, đây chỉ là những đề xuất thí điểm tại hai địa phương trên. Bộ TT&TT chưa có ý kiến chính thức, và các doanh nghiệp game này vẫn đang được cấp phép để hoạt động trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Thế nhưng, với tình hình trước mắt, khi các trò chơi trực tuyến đang bị xiết, thì game offline lại cười hớn hở.

Mô tả ảnh.

Lối đi nào cho trò chơi trực tuyến?


Cứ chơi trên máy tính là game online?

Nhiều người vẫn nhầm tưởng cứ game nào chơi trên máy tính đều là trò chơi trực tuyến tuốt. Thực tế, rất nhiều game mang tính bạo lực đang được chơi ngập tràn ở Việt Nam lại là… game offline (loại game chỉ cần cài đặt vào máy, chơi không cần kết nối Internet). Người chơi game vốn đã nhẵn mặt từ lâu với những game offline mang tính bạo lực (nếu xét theo chuẩn phân loại cấp độ bạo lực mà sở TT&TT TP.HCM vừa công bố) như: Red Alert, Commandos, Age of Empires… gần như mang tính kinh điển. Những game này chả cần kết nối Internet, cứ mua một bộ đĩa về cài đặt thẳng vào máy, chơi 24/24 cũng được, chả ai quản lý.

Chưa kể, dù có cắt internet 100% ở các tiệm game, thì người chơi vẫn dễ dàng kết nối các máy trạm thành một mạng Lan, đối kháng trực tiếp. 

Tại TP.HCM, cứ chạy xe dọc đường Bùi Thị Xuân (quận 1), người ta dễ dàng ghé bất kỳ tiệm đĩa nào, để tìm mua những game bạo lực quốc tế (có nhãn rating M+ hoặc AO-Adult Online), vốn tải trực tiếp từ mạng, chép vào đĩa.

Nếu các nhà quản lý xiết game online vì tính bạo lực, mà vẫn thả nổi mảng game offline, thì tận gốc rễ vấn đề vẫn chẳng được giải quyết rốt ráo. Có chăng, những người ham game thái quá sẽ lại chuyển sang đánh đấm bằng game offline.

Người có tóc bị nắm

Nhiều doanh nghiệp game đăng ký hoạt động chính thức vốn đã than thở vì bị cạnh tranh bởi vô vàn những game online lậu, nay càng thêm… méo mặt. Như Counter Strike (game bạo lực) và Texas Holdem (game cờ bạc) cũng là 2 game online hoạt động khá xôm tụ tại Việt Nam, mà chẳng phải thông qua một khâu kiểm duyệt hay cấp phép nào.

Thực tế, trò chơi trực tuyến khi du nhập vào Việt Nam nhanh chóng trở thành một phân khúc thị trường bùng nổ với doanh thu rất cao. Nhiều doanh nghiệp sớm nhận thấy điều này và nhanh chóng nhập game, phát triển kinh doanh. Các nhà phát hành game online đăng ký giấy phép đàng hoàng tại Việt Nam đều là những tên tuổi có máu mặt: FPT, VTC, VNG…

Thậm chí, có nhà phát hành game đã cố gắng Việt hóa các phiên bản game, hoặc tự viết game Việt, nhằm phát triển mạnh hơn mảng kinh doanh này. Nên cũng dễ hiểu khi dự thảo về các quy chuẩn quản lý game online đã khiến các doanh nghiệp này vừa lo, vừa… uất.

Mô tả ảnh.

Game có khả năng "quyến rũ" dữ dội, ngay cả với người lớn.


Xã hội: Ông chủ và nạn nhân

Có một ví von khá bóng bẩy về game. Người ta gọi nó là món “bạch phiến số”. Nghiện game cũng là một cơn nghiện vật vã không kém cạnh gì các món gây nghiện khác. Nhưng không hẳn cứ gán chữ nghiện vào thì cái món nghiện ấy trở nên xấu xí.

Thực ra, chúng ta chưa có một cuộc điều tra xã hội quy mô lớn tại Việt Nam về đối tượng chơi game và cộng đồng người chơi game. Vì nếu nghiêng ngó kỹ, có rất nhiều người chơi game, mê game là… người lớn, người trưởng thành.

Chuyện người chơi bỏ từ vài chục đến vài trăm triệu cho một món đồ ảo hoàn toàn có thật. Mà những người bỏ tiền ấy cũng chẳng phải khờ khạo đến mức móc tiền túi quăng ra đường hoang phí.

Cũng không tránh khỏi những câu chuyện đáng báo động về nhiều trường hợp sa đà vào game mà quên mất cuộc sống thực tại. Những học sinh, sinh viên nướng thời gian, tiền bạc, tương lai… vào game; những vụ án mà lý do gây án hết sức ấu trĩ dính dáng đến game… Game trở thành một hiện tượng xã hội. Và nếu không lý giải, nhìn ngắm nó từ góc độ xã hội toàn diện, chúng ta sẽ chẳng thể biết chúng ta đang là ông chủ hay nạn nhân của game.

Lối đi nào cho trò chơi trực tuyến?

Tại sao game lại quyến rũ dữ dội đến vậy, ngay cả với người lớn? Đã có một nghiên cứu xã hội nghiêm túc, diện rộng, về game và đời sống hay chưa? Cách hành xử hợp lý nào cho vấn đề này? Vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội… ở đâu? Cách quản lý nào hiệu quả và hợp lý cho việc phát hành game và chơi game? Liệu vụ cắt net có phải là một vụ “ngực lép thì không được đi xe gắn máy”?...

Một bàn tròn giao lưu trực tuyến với chủ đề Lối đi nào cho game online? của Báo điện tử Vietnamnet vào sáng ngày mai (5.8.2010) sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.

Khách mời tham gia bàn tròn trực tuyến này gồm có: PGS, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình - Viện xã hội học, ông Đỗ Văn Du - Chuyên gia công nghệ thông tin, ông Trần Vĩnh Sa - Phó phòng Thông tin điện tử Sở Thông tin & truyền thông TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Trưởng đại diện VP phía Nam Hiệp hội thương mại điện tử VN, ông Trần Vũ Hải – Luật sư, ông Nguyễn Phước Thịnh – Thạc sỹ giáo dục, và một số game thủ tại HN và TP.HCM.

VTC News sẽ tiếp tục cập nhật nội dung buổi giao lưu này đến quý độc giả. 

Theo VietNamNet

Bình luận
vtcnews.vn