Bán 'con', đại gia Đặng Thành Tâm vẫn giàu sụ

Kinh tếThứ Bảy, 23/08/2014 11:55:00 +07:00

(VTC News) – Dù quyết tâm bán “con đẻ” nhưng đại gia Đặng Thành Tâm vẫn không ngừng giàu thêm.

(VTC News) – Dù quyết tâm bán “con đẻ” nhưng đại gia Đặng Thành Tâm vẫn không ngừng giàu thêm.

Bán "con", ông Tâm vẫn giàu sụ

Tuần qua, thị trường xôn xao với thông tin đại gia Đặng Thành Tâm mạnh tay bán ra cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC). Theo Tập đoàn này, chủ tịch Hội đồng quản trị KBC đăng ký bán 41 triệu cổ phiếu.

Nếu giao dịch thành công lượng cổ phần nắm giữ của ông Tâm giảm từ 101,25 triệu cổ phiếu tương đương 25,98% còn 60,25 triệu cổ phiếu tương đương 15,46%. Như vậy, tiếng nói của ông Tâm tại công ty do ông vượt qua bao vất vả gây dựng nên sẽ giảm sút.

Không ít người cho rằng thông tin này sẽ tác động tiêu cực tới cổ phiếu KBC. Điều đó phần nào đúng với KBC ngay sau thời điểm thông tin được công bố. Tuy nhiên, tới phiên giao dịch cuối tuần, KBC khiến không ít nhà đầu tư ngạc nhiên khi có sự bứt phá ngoạn mục.

Đại gia Đặng Thành Tâm
Đại gia Đặng Thành Tâm 
Chốt phiên giao dịch ngày 22/8, KBC tăng trần, tăng 700 đồng/CP lên 11.600 đồng/CP. Cùng với ITA, SJS, KBC giúp cổ phiếu ngành bất động sản bứt phá mạnh.

Chỉ sau 1 phiên tăng trần, KBC đã “rót” thêm một khoản tiền không nhỏ vào tài khoản gia đình đại gia Đặng Thành Tâm. Cụ thể, trong thứ sáu, ông Tâm có thêm hơn 70 tỷ đồng. Con gái Đặng Nguyễn Quỳnh Anh “đút túi” 7 tỷ đồng.

Hiện tại, cô con gái Đặng Nguyễn Quỳnh Anh của đại gia Đặng Thành Tâm vẫn giữ vững danh hiệu “9X giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam” với tổng tài sản lên tới 116 tỷ đồng. Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh, ái nữ của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần cơ điện lạnh REE đứng ở vị trí thứ 2.

Thứ 6 là ngày khá may mắn với đại gia Đặng Thành Tâm. Không tăng trần như KBC nhưng ITA cũng có tốc độ đi lên rất mạnh. ITA tăng 400 đồng/CP lên 8.500 đồng/CP, chỉ thấp hơn giá trần đúng 100 đồng/CP.

ITA là cổ phiếu mà ông Tâm nắm giữ khối lượng không nhỏ. Vì vậy, nhờ ITA, chỉ trong ngày thứ 6, ông Tâm đã có thêm 7,3 tỷ đồng. Số tiền mà chị gái ông, bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) lớn hơn nhiều. Bà Yến có thêm 21,7 tỷ đồng.

ACB bị vượt mặt

Trên sàn Tp.HCM, KBC là một trong những mã được nhà đầu tư chú ý nhiều thì trên sàn Hà Nội, PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí gây được nhiều ấn tượng. Suốt thời gian qua, khi VN-Index có nhiều thời điểm rung lắc mạnh, PVS vẫn đi lên đều đặn với tốc độ nhanh và mạnh.

Tuần qua, PVS bắt đầu hạ nhiệt nhưng cổ phiếu này vẫn tăng thêm được 1.000 đồng/CP lên 37.400 đồng/CP. Nếu tính cả năm, PVS có tốc độ tăng đáng mơ ước khi có thêm 17.100 đồng/CP, tương ứng 84,2% so với thời điểm cuối năm 2013.

PVS nằm trong danh sách các cổ phiếu có tốc độ bứt phá ấn tượng nhất. Chính vì vậy, vốn hóa thị trường của cổ phiếu này cũng tăng vọt, đạt 16.706,7 tỷ đồng, tương đương 13,3% tổng giá trị niêm yết của sàn Hà Nội. Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của PVS “chỉ” gần 447 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ACB - “ông trùm” sàn Hà Nội lại tăng khá ì ạch. Cổ phiếu ACB không được đánh giá cao khi ngành ngân hàng vẫn phải đối diện với ám ảnh nợ xấu. Trong một ngành chưa có nhiều tín hiệu lạc quan, ACB lại không nằm trong Top các ngân hàng công bố các chỉ số kinh doanh “đẹp” nhất.

Sau nhiều phiên giao dịch, ACB chỉ lình xình trên ngưỡng 15.000 đồng/CP. So với thời điểm cuối năm 2013, ACB thậm chí còn giảm 300 đồng/CP, tương ứng 19% xuống 15.300 đồng/CP.

Vì vậy, vốn hóa thị trường của ACB ngày càng lép vế so với PVS. Hiện tại, vốn hóa thị trường của ACB chỉ là 13.920 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với PVS. Thế nhưng, khối lượng cổ phiếu niêm yết của ngân hàng này lại lên tới 936 triệu đơn vị.

Như vậy, PVS đã soán ngôi đầu của ACB tại sàn Hà Nội. Vì thế, vai trò dẫn dắt HNX-Index cũng dần được thay thế bởi PVS.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn