Bài thơ viết từ một câu trả lời phỏng vấn

Tổng hợpThứ Ba, 07/06/2011 06:11:00 +07:00

Nhà báo không có sứ mệnh cai trị thiên hạ, không được giao phó hoạch định sách lược làm cho dân giàu nước mạnh. Vậy nhà báo cần phải có lòng thương người...

Một phóng viên hỏi Bà Thủ tướng Gan-đi

“- Điều cần nhất ở một chính khách là gì?”

Gan-đi trả lời ngắn gọn:

“- Lòng thương người”

         *

Tôi không phải là chính khách

Đời làm báo chẳng có gì ngoài cây bút

Cố thắp lên tình thương yêu

Tôi muốn hỏi nước, hỏi trời, hỏi đất …

Những con chữ li ti mấy mươi năm của tôi

Đã thành hạt hạt phù sa bồi đắp

Hay phù du rác rưởi táp khắp nơi?

Tình người đôi lúc sao leo lét

Tắt ngấm vào tiệc tùng

Tắt ngấm vào dửng dưng

Người làm báo thành cái cây hoang dại.

         *

Mùa xuân đến rồi

Khai bút xong tôi lại đi đây đó

Câu trả lời phỏng vấn của cố Thủ tướng Ấn Độ

Vẫn nằm sâu trong đáy tim tôi

Làm bệ đỡ cho tầng tầng con chữ …

                                    1 – 2006

 
Lời bình:

Đã nhiều chục năm mà câu nói của Bà Thủ tướng Ấn Độ In-đi-ra Gan-đi về lòng thương người trong lần thăm Hà Nội, cứ đau đáu trong trái tim nhà báo Nguyễn Minh Nguyên đến nỗi, nó bật lên một tứ thơ, và anh đã viết nên bài thơ  “Bài thơ viết từ một câu trả lời phỏng vấn”.

Một phóng viên hỏi Bà Thủ tướng Gan-đi

“- Điều cần nhất ở một chính khách là gì?”

Gan-đi trả lời ngắn gọn:

“- Lòng thương người!”

Nguyễn Minh Nguyên đã trực khởi vấn đề “thương người” ngay ở khổ thơ thứ nhất, buộc người đọc phải nghĩ suy. Mạnh Tử trong “Công Tôn Sửu thượng” cũng viết: “Tiên Vương vì có tấm lòng thương người khác nên đã có chính sách thương người khác. Dựa vào tấm lòng thương người để thực thi chính sách thương người”.Chính khách, điều cần nhất là phải có lòng thương người. Nguyễn Minh Nguyên không phải là chính khách, chỉ là một nhà báo:

 “Đời làm báo chẳng có gì ngoài cây bút”

Cây bút không làm ra hạt gạo, thước vải, không làm nên cuộc sống đủ đầy. Nhà báo không có sứ mệnh cai trị thiên hạ, không được giao phó hoạch định sách lược làm cho dân giàu nước mạnh. Vậy nhà báo cần phải có lòng thương người hay không?

 “Đời làm báo chẳng có gì ngoài cây bút

Cố thắp lên tình thương yêu”

 Đọc tới đây, ta thấy ý tứ của Nguyễn Minh Nguyên, rằng mỗi người cần có lòng thương người khác bằng những việc làm tùy theo cương vị mình, hoàn cảnh mình có thể. Người làm báo, bằng bài viết của mình, “cố thắp lên tình thương yêu” qua những tấm gương, ví như của một bà mẹ để lại bốn đứa con mình trên bờ, băng mình xuống dòng lũ quét để cứu bốn đứa con, để rồi chính bà tử nạn; ví như của những con người lầm lũi hàng chục năm lặn lội quyên góp để làm từ thiện cứu giúp những hoàn cảnh nghèo khó, không nghĩ gì lớn lao, chỉ thấy mình cần làm thế.

Lòng thương người của chính khách có thể nhìn thấy và đo đếm được, còn của nhà báo, chỉ có thể cảm nhận. Bởi thế, Nguyễn Minh Nguyên mới tự vấn mình:

“Tôi muốn hỏi nước, hỏi trời, hỏi đất …

Những con chữ li ti mấy mươi năm của tôi

Đã thành hạt phù sa bồi đắp

Hay phù du rác rưởi táp khắp nơi?”

Phù sa thì bồi đắp cho đời. Rác rưởi thì làm bẩn đời. “Lòng thương người” cứ day dứt Nguyễn Minh Nguyên nhiều chục năm, hóa ra, nó chính là đạo đức, là lương tâm người làm báo. Bởi thực tế, anh đã thấy, không nhiều, nhưng thật buồn đau:

“Tình người đôi lúc sao leo lét

 Tắt ngấm vào tiệc tùng

Tắt ngấm vào dửng dưng

Người làm báo thành cái cây hoang dại”.

Cái hay của bài thơ là đã nâng lòng thương người của nhà báo ngang tầm với lòng thương người của chính khách. Hay hơn nữa, nó xác định cụ thể được trách nhiệm của nhà báo với con người, với thời đại mình đang sống cũng lớn lao như trách nhiệm của chính khách, mặc dầu nhà báo, chỉ có cây bút và con chữ li ti.

Kinh Phúc Âm của đạo chúa Ki-tô cũng có câu: “Phúc cho ai có lòng thương xót người khác, người đó sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Bài thơ của Nguyễn Minh Nguyên đã dẫn dắt ta đến một cảm nhận mang tính triết học “Nhân – Qủa”. Vậy là, chính khách, học giả, nhà báo, chúa Ki-tô, đến người dân bình thường, thì lòng thương người khác đều là cần thiết. Anh đã coi lòng thương người như một phẩm chất, một cái nền tư tưởng nhân văn để hành nghề báo. Và, anh đã giãi bày tư tưởng đó trong khổ thơ cuối cùng:

“Khai bút xong tôi lại đi đây đó

Câu trả lời phỏng vấn của cố Thủ tướng Ấn Độ

 Vẫn nằm sâu trong đáy tim tôi

Làm bệ đỡ cho tầng tầng con chữ…”

Bài thơ đơn giản về cấu trúc, lại đa chiều về hình thái. Chữ nghĩa mạch lạc như văn báo, nhưng tinh tế và hàm súc. Ngôn tại ý ngoại. Tưởng viết cho người làm báo, nghề báo, mà lại viết cho mọi người. Cứ trình tự rủ rê như  lời tâm sự, tâm sự về lòng thương người, cụ thể hơn, là lòng lương thiện.

Giang Lân - Ảnh: hts

Bình luận
vtcnews.vn