Bài học trên từng cây số: Làng cốm làng đèn

Giáo dụcThứ Ba, 21/09/2010 06:44:00 +07:00

(VTC News) - Cốm làng Vòng ngoài Hà Nội mà như thế, chưa chừng lồng đèn Phú Bình TP.Hồ Chí Minh cũng... mình không níu giữ, nó cũng theo cốm mà đi.

(VTC News) - Cốm làng Vòng ngoài Hà Nội mà như thế, chưa chừng lồng đèn Phú Bình TP.Hồ Chí Minh cũng... mình không níu giữ, nó cũng theo cốm mà đi.

1.Cũng là bánh trung thu cả đấy nhưng bánh dẻo thì trắng ngọt, bánh nướng lại chín thơm một màu gì đó rất khó gọi tên (không vàng rộm như bánh mì mới ra lò, không đen than như thèo lèo cúng Tết của người Nam Bộ). Chỉ với hai màu này thôi, bày chưa thành mâm cỗ trung thu. Bên bánh còn trái. Trái hồng đỏ bóng. Chuối chín vàng điểm các chấm trứng cuốc lấm tấm đen. Còn bưởi  xanh phơn phớt vàng. Còn na cũng xanh, nhưng không bao giờ xanh đều, xanh nuột kiểu tranh lụa, mà xanh như men sứ rạn, như tranh sơn dầu còn sần các sớ bút. Có bánh, có trái, ngần ấy thứ, mẫm cỗ trung thu vẫn chưa đẹp vì còn thiếu cốm.

Chợ đèn trung thu TP.HCM họp ở đường Phú Định, Q.5
Tháng tám, các cô thôn nữ, với gánh cốm trên vai, từ làng Vòng thong thả gánh mùa thu vào Hà Nội. Nếu cần chọn một món quà nào đó để một du khách mới tới 36 phố cổ Hà thành được nếm náp mùa thu Việt Nam thì tôi chọn cốm. Vì mùa thu đất này là mùa thu của văn minh lúa nước mà cốm thì làm từ lúa nếp. Nhìn cốm thấy mát mắt như được nhìn vào một cánh đồng xanh. Cái cánh đồng xinh xinh ngon miệng ấy luôn được bọc trong lá sen nguyên tàu, nhưng không túm lại, mà gấp  thành một gói vuông, như cái bánh chưng nhỏ rồi buộc bằng một cọng rơm, cũng xanh chứ không phải rơm vành. Rơm xanh, lá xanh, cốm xanh, tất cả như rủ nhau xanh, theo nghĩa chưa chín nục. Cốm ngon chính là bởi độ chín giao thời này.

Cái ngon đặc biệt của của thứ quà cốm là ngon vì cốm đã là hạt, nhưng chưa cứng thành gạo, còn dẻo, nếu nhai kĩ, nhai như nhai trầu sẽ thấy hình như trong hạt cốm vẫn còn giọt sữa của lúa đương làm đòng. Người Việt Nam gọi hạt gạo là ngọc thực, cốm còn cao cấp hơn gạo thì cốm nên ví với thứ gì? Chưa biết, chỉ biết quý đến mức ấy cho nên những người làng Vòng bán cốm phải uốn cong hai đầu đòn gánh, chứ không tin vào hai mấu an tòa trên các đòn gánh thông thường. Uốn cong lên như một biện pháp chống lại sự trơn tuột té ngã, sự thất thoát hiểu theo mọi cách. Lại hỏi, uốn đòn chỉ  là cách tạo dáng đẹp cho công cụ lao động? Hay cái đẹp có hình câu liêm kia là cái đẹp móc giật của một thứ vũ khí?

2. Tự vấn chưa đã, gõ phím “meo” ra Hà Nội hỏi một chị bạn nhà văn, cốm làng Vòng hồi này thế nào? Chị bạn lại theo đường mạng mà… dội ngay cho một gáo nước lạnh: “Tôi nhớ có anh bạn làm báo ở Sài Gòn đi tìm cốm Vòng. Người ta vẫn bày bán cốm, hạt cốm vẫn mầu xanh, vẫn gói lá sen, vẫn buộc dây rơm…Nhưng đấy là cốm gạo nếp Mễ Trì, cốm gạo nếp Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định… ở đẩu ở đâu nữa…Không phải là nếp làng Vòng …Hạt cốm bây giờ làm kiểu cơ giới bằng nếp thập phương ăn cứ cứng, cứ chuội ra… “Cốm Vòng ai bán, tôi mua?” Niềm mong ước ấy chỉ còn là nỗi nhớ…Cũng như nghề trồng hoa huệ của làng Mai Dịch xưa cũng chỉ còn là nỗi nhớ…Và còn ở đâu nữa bóng hình hàng trăm năm trước của một Dịch trạm lớn nằm trên con đường nối liền kinh thành Thăng Long với xứ Đoài và với cả vùng Tây Bắc …”

Chị nhà văn bạn tôi là người chuyên viết cho thiếu nhi nên trách nhiệm lắm với tuổi thơ! Để các các cháu thời nay có cốm Vòng chị đề nghị một giải pháp thật hay. Lại xin được trích thư chị:“Tôi ước gì trong quy hoạch làng Vòng, người ta giữ lại một sào đất, một sào thôi (360m2) để trồng lúa nếp làng Vòng, và tôi cầu mong cho các nhà nông học nước ta vẫn còn lưu giữ được nguồn gien của giống lúa đó. Lúa đó, trồng trên đất đó, làm cốm theo kiểu thủ công như các cụ ngày xưa chắc là sẽ ra cốm Vòng. Và theo như anh bạn nhà báo ở Sài Gòn thì đắt mấy người ta cũng mua. Xung quanh một sào trồng lúa đó, người ta sẽ trồng bốn xung quanh là một vườn hoa huệ. Và là giống huệ ngày xưa ấy, chứ không phải giống huệ hoa to mà không thơm đâu nhé. Bên cạnh đó sẽ có một ngôi nhà trình diễn nghệ thuật làm cốm …Chắc chỉ tốn 1000 m2 thôi nhỉ”.

3. Cốm làng Vòng ngoài Hà Nội mà như thế, chưa chừng lồng đèn Phú Bình TP.Hồ Chí Minh, mình không níu giữ, nó cũng theo cốm mà đi. Nghĩ vậy, vội dẫn thằng cháu nội đi tìm. Thật may, có anh bạn nhà báo, đã viết chuyên khảo về làng nghề đưa đi. Lại chỉ dẫn cho.

Ngày xưa, làng nghề này có tên gọi Phú Bình, nay thuộc địa bàn của  hai phường: phường Tân Trung, quận Tân Phú và phường 5, quận 11. Làng nghề này chỉ cách khu du lịch Đầm Sen khoảng 500m. Ban đầu nghề làm lồng đèn là nghề phụ làm trong những lúc nhàn rỗi, nhưng rồi cái nghề phụ này ngày một chính hơn sau những mùa trung thu rộn rịp và làng nghề thành danh. Ngoài lồng đèn trung thu Phú Bình còn làm đèn sao giáng sinh mỗi năm. Và khi seagames tổ chức tại Việt Nam, lồng đèn Phú Bình treo đẹp nhiều sân vận động.

Tại mỗi hộ làng nghề, cả nhà làm lồng đèn, người lớn làm một việc, trẻ con làm một việc. Chia nhau bẻ khung, phấy giấy, vẽ hình… Họ chuẩn bị nan tre, giấy kiếng từ hồi tháng 3, làm túc tắc trong những giờ rảnh, đến tháng 7 âm lịch mới tăng tốc sản xuất có số lượng lớn để bán .

Đặc biệt, như có một sự phân công nên mỗi hộ làm chỉ một vài mẫu đèn. Hộ  chú Thâu chuyên làm đèn con thỏ; hộ anh Đại, anh Vỹ chuyên làm đèn tàu chiến, máy bay; hộ cô Mai làm đèn con bướm… Nhờ vậy mà trong làng nghề lồng đèn này có hàng trăm mẫu mã, kiểu xưa cũ, kiểu hiện đại, góp phần làm phong phú cho lồng đèn Việt Nam. 

Vào tận nơi hỏi chuyện mới hay Phú Bình là một làng nghề trẻ, mới có mặt ở đất phương Nam này sau 1954 theo chân những người di cư, từ một làng nghề miền Bắc. Từ làng nào nhỉ? Phải biết mới được. Lại có bài học mới!

Trần Quốc Toàn

 

 


Bình luận
vtcnews.vn