Bài học gì từ vụ ông Trịnh Xuân Thanh, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường?

Thời sựThứ Ba, 19/07/2016 17:23:00 +07:00

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội cho biết sẽ rút kinh nghiệm từ trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Chiều 19/7, tại cuộc họp báo giới thiệu chương trình kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV, nhiều cơ quan báo chí đã đặt các câu hỏi liên quan đến việc không công nhận tư cách đại biểu của ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Nguyen Hanh Phuc -2

 Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, rất tiếc khi sau khi công bố kết quả, Quốc hội đã phải tiến hành xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội và có hai người trúng cử nhưng không đủ tư cách làm đại biểu Quốc hội khóa XIV.

"Đối với ông Trịnh Xuân Thanh, những vi phạm đã rất rõ, nên 100% thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia đã nhất trí không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội của ông này. Tổng Bí thư cũng đã chỉ đạo tiếp tục xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc của ông này", ông Phúc nêu.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tham gia vào rất nhiều đoàn, hội, hoạt động cũng tích cực, là doanh nhân thành đạt.

Tuy nhiên, bà Hường đã vi phạm Luật Quốc tịch, có thêm quốc tịch Cộng hòa Malta, nên Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Hường.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng lý giải thêm Hiến pháp đã quy định công dân Việt Nam có quốc tịch Việt Nam. Luật Quốc tịch đã quy định rõ công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Còn các nước quy định có hai, ba quốc tịch là quyền của các nước khác.

Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài có thể có hai, ba quốc tịch, nhưng khi về Việt Nam, kê khai quốc tịch nào thì hưởng dụng quyền quy định với quốc tịch đó.

"Như vậy người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam, còn giữ quốc tịch Việt Nam, về Việt Nam khai quốc tịch nước ngoài thì được đối xử như người nước ngoài, còn khai quốc tịch Việt Nam thì được đối xử là công dân Việt Nam. Người đó sẽ có quyền bầu cử", ông Phúc nói thêm.

Video: Giám đốc dự án đường ống nước sông Đà bị miễn nhiệm

Người Việt Nam sinh sống ở trong nước chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, có thêm quốc tịch khác là vi phạm Luật quốc tịch. Việc bà Hường có quốc tịch nước ngoài thì mới đây mới đăng ký và được cơ quan chức năng phát hiện ngay.

Ông Phúc cho biết, từ các trường hợp này, Quốc hội sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật về bầu cử để các cuộc bầu cử lần sau được tiến hành chặt chẽ hơn.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn