Bác sỹ ném xác bệnh nhân xuống sông có thể bị tử hình

Pháp luậtThứ Tư, 23/10/2013 01:27:00 +07:00

(VTC News) - Với những tình huống gây án của mình, bác sỹ ném xác bệnh nhân có thể phải nhận án tử hình khi xét xử.

(VTC News) - Với những tình huống gây án của mình, bác sỹ ném xác bệnh nhân có thể phải nhận án tử hình khi xét xử.

Liên quan đến sự việc bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường (số 45 Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng) phẫu thuật gây chết người rồi sau đó mang xác ném xuống sông Hồng phi tang, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với Luật sư Triệu Trung Dũng, Trưởng Văn phòng luật Triệu Dũng và cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

- Luật sư đánh giá như thế nào về hành vi gây chết người, phi tang của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường?

Theo tôi, đây là hành vi vô đạo đức, bất chấp thủ đoạn, rất dã man và phi nhân tính của bác sĩ Tường.

- Hành vi trên phải bị truy tố theo điều khoản nào? Án phạt cho các tội danh ra sao?

Thứ nhất, hành vi phẫu thuật thẩm mỹ của Tường là kinh doanh không có giấy phép dẫn đến chết người thì đó đã đủ dấu hiệu của hành vi giết người.

Thẩm mỹ viện Cát Tường nơi xảy ra sự việc.
Thứ hai, hành vi tước đoạt mạng sống của người khác bao gồm: hành động hoặc không hành động. Hành động là dùng các thủ đoạn, phương tiện, công cụ... để giết người. Hoặc không hành động như trong trường hợp này, nạn nhân Huyền phải được đưa ngay đi cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai gần đó, nhưng Tường đã không thực hiện nên hậu quả là bệnh nhân đã chết.

 

Tường sẽ bị truy tố về tội giết người theo quy định tại khoản 1 điều 93 bộ luật Hình sự đã được sửa đổi bổ sung năm 2009, với mức án cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Luật sư Triệu Trung Dũng
 
Khi nạn nhân Huyền bị co giật, bị sốc, Tường dùng các biện pháp cấp cứu ban đầu thì không được coi là đã “hành động” để không tước đoạt mạng sống của chị Huyền.

Lẽ ra Tường “hành động” là phải chuyển chị Huyền vào bệnh viện cấp cứu, nơi đầy đủ bác sĩ chuyên khoa và phương tiện kỹ thuật.

Cơ sở của Tường chưa chắc đã đủ phương tiện kỹ thuật…"hành vi không hành động" này của Tường cơ quan Cảnh sát Điều tra phải làm rõ hơn.


Hành vi của Tường là hành vi giết người theo quy định tại điều 93 bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Sau đó, lại vứt xác nạn nhân để phi tang là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm O khoản 1 điều 48: “Có hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh, che dấu tội phạm”.

Do vậy, Tường sẽ bị truy tố về tội giết người theo quy định tại khoản 1 điều 93 bộ luật Hình sự đã được sửa đổi bổ sung năm 2009, với mức án cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.


- Có ý kiến cho rằng, việc bác sỹ Tường phẫu thuật gây chết người là ngoài ý muốn, bác sỹ Tường không có động cơ giết người nên chỉ cần truy tố theo tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Luật sư đánh giá gì về ý kiến này?

Thoạt tiên, nhìn qua vụ việc phẫu thuật gây chết người của Tường nhiều người có thể nhận định rằng: đây là hành vi “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo quy định tại điều 99 bộ luật Hình sự nêu trên; nhưng hành vi vô ý làm chết người theo quy định tại điều luật này chỉ khi thực hiện công khai, với sự cho phép của pháp luật mà vi phạm các quy tắc trên dẫn đến chết người.
Hành vi của bác sỹ Tường có thể sẽ phải nhận án tử hình.

Còn về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thì tại điều 285 bộ luật hình sự đã định nghĩa rất rõ: Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng…

Đây là hành vi thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện nhiệm vụ hoặc nhiệm vụ được giao ở đây là việc xảy ra trong các cơ quan, tổ chức hoặc không theo các quy định, quy chế trong của cơ quan nhà nước chứ không phải là hành vi kinh doanh trái pháp luật không thuộc tổ chức nào ở bên ngoài cơ quan (bệnh viện Bạch Mai) của Tường.

Mặt khác, về tội giết người thì động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm mà đôi khi động cơ, mục đích lại được đưa vào tính tiết định khung hình phạt.

- Việc bác sỹ Tường và trung tâm thẩm mỹ không có giấy phép phẫu thuật nhưng vẫn tiến hành phẫu thuật và gây chết người sẽ được xem xét như thế nào trong quá trình điều tra, truy tố?

Ngoài việc Tường bị truy tố về tội giết người thì y còn bị truy tố về “Tội kinh doanh trái phép” theo quy định khoản 2, khoản 3 điều 159 bộ luật Hình sự đã được sửa đổi bổ nêu trên và có thể bị truy tố với mức án cao nhất là 2 năm tù giam về tội này.

Tổng hợp hình phạt với hai tội trên thì mức án cao nhất vẫn là tù chung thân hoặc tử hình.

- Xin cảm ơn ông!





Nguyễn Dũng (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn