Bác sỹ kể giây phút lấy tinh trùng từ người quá cố

Sức khỏeThứ Ba, 31/12/2013 06:32:00 +07:00

(VTC News) – Khi 2 cháu sinh ra, chúng tôi vẫn chưa thở phào nhẹ nhõm được mà chỉ đến khi có kết quả xét nghiệm ADN niềm vui mới trọn vẹn.

(VTC News) – Khi 2 cháu sinh ra, chúng tôi vẫn chưa thở phào nhẹ nhõm được mà chỉ đến khi có kết quả xét nghiệm ADN khẳng định 2 cháu là con của chị Dung và anh Ngọc, lúc đó niềm vui mới trọn vẹn.

Gặp phóng viên VTC News, Tiến sỹ - bác sỹ Lê Vương Văn Vệ , Giám đốc bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vẫn còn vui mừng trước một thành tựu y học, một sự kiện xưa nay chưa từng xảy ra ở Việt Nam mà ông đã tham gia.

Mẫu tinh trùng được lấy sau khi anh Ngọc qua đời. (Ảnh: Nguyễn Tâm) 
Bác sỹ Vệ bảo, chuyện sinh được con từ tinh trùng của người bố đã mất lần đầu tiên có ở Việt Nam, còn trên thế giới cũng là chuyện hiếm.

Ông chìa ra cho chúng tôi xem lại bức ảnh chụp mẫu tinh dịch lấy được từ người bố đã mất cách đây hơn 3 năm vào ngày 20/3/2010.

TS Vệ kể: “Tôi vẫn còn nhờ hôm đó là một ngày của năm 2010, sau khi nghe điện thoại đề nghị lấy tinh trùng của một người bị tai nạn đã chết, tôi liền đi ngay.

Khi đến nhà xác bệnh viện huyện Thanh Trì tôi còn tưởng rằng đó là một kho của hợp tác xã. Có người chỉ tôi đi đâu, tôi đi theo và gặp anh Đỗ Sỹ Ngọc.

Lúc đó, tôi làm như một phản xạ tự nhiên. Tôi cũng không biết rõ hoàn cảnh anh Đỗ Sỹ Ngọc– người chết vì tai nạn tàu hỏa và vợ anh là chị Hoàng Thị Kim Dung.

Tôi vẫn nhớ, người đàn ông đó khá đẹp trai, cao to với chiếc chân phải gãy. Thông thường, với người chết do tai nạn, các cơ giãn ra và có hiện tượng phóng tinh. Vì vậy, trong túi tinh không còn tinh trùng. Tôi phải kéo chân phải đã gãy ra và rạch lấy tinh hoàn mang về viện và bảo quản trong ni tơ lạnh”.

Với trường hợp này rất may mắn là anh Ngọc trước đó khỏe mạnh nên dù anh đã mất cách đó hơn 5 giờ đồng hồ, tinh trùng khi mang về viện vẫn sống. Từ lúc bị tai nạn khoảng 13h, đến hơn 18h, tinh trùng mới được lấy ra.

Sau khi tách được tinh hoàn ra khỏi cơ thể, bác sỹ Vệ tức tốc mang tinh hoàn về viện, bơm rửa sạch máu đọng cắt từng mẫu mô và bảo quản lạnh ở nhiệt độ - 196 độ C.

Đến khi chị Dung, vợ anh Ngọc muốn sinh con từ tinh trùng của người chồng quá cố, mẫu tinh trùng mới được lấy ra rã đông, lọc rửa và bơm vào trứng của chị Dung.

Theo TS Vệ, tinh trùng của người mất nên được mang đi bảo quản càng sớm càng tốt. Theo y văn, tinh trùng trong tinh hoàn có thể sống được 30 tiếng nếu người đó bị tai nạn mà không có bệnh lý gì. Nhưng ở những người mắc bệnh hoặc phải truyền hóa chất hay nhiễm độc toàn thân thì tinh trùng khó mà sống được dù được lấy ra bảo quản ngay sau khi người đó chết.

Đến khi có yêu cầu thụ tinh ống nghiệm bằng tinh trùng của anh Ngọc, bác sỹ Vệ đã rất băn khoăn, liệu phần mô lấy từ tinh hoàn của anh Ngọc có tốt không, liệu việc thụ tinh cho trứng có thành công hay không? Trong ekip giúp chị Dung sinh nở thành công, mỗi người đều có đóng góp quan trọng.

Và điều diệu kỳ đã xảy ra. Hơn 3 năm sau, bằng phương pháp thụ thai hiện đại, ngày 9/12/2013, chị Dung đã sinh hạ hai bé trai xinh xắn, bụ bẫm, một cháu 2,4kg, một cháu 2,6kg.

sinh con
Bác sỹ Vệ cùng hai cháu bé được sinh ra từ tinh trùng của người bố đã mất. Ảnh BS cung cấp 
Các cháu sinh mổ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đích tân TS Vũ Bá Quyết - PGĐ BV - đứng ra tiến hành phẫu thuật.

Về câu chuyện của chị Dung, Bác sỹ Vệ bày tỏ sự khâm phục: Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đây là trường hợp như bao người bình thường khác nhưng dần dần, tôi thấy đây là trường hợp đặc biệt. Chị Dung là người phụ nữ bản lĩnh, kiên cường.

Chị đã làm điều mà không phải ai  cũng dám làm. Khi ấy, chồng chị ra đi lúc chưa đầy 30 tuổi. Còn chị quá đau buồn trước việc người mình yêu thương ra đi mãi mãi. Chị Dung lại càng xót xa cho sự hi sinh, chờ đợi mình suốt bao năm của chồng.

Chị và anh Ngọc yêu nhau hơn 5 năm, thì 5 năm chị du học bên Pháp, về nước, cưới nhau hơn 1 năm, thì chị lại sang Pháp bảo vệ luận án tiến sĩ. Đứa con gái đầu lòng được chừng 6 tháng tuổi thì anh Ngọc mất vì một tai nạn thảm khốc.

Từ nhà xác Bệnh viện huyện Thanh Trì, chị Dung đã nảy sinh ý định lưu giữ cái gì đó của chồng trên trần gian, làm gì đó để bù đắp những thiệt thòi và mong mỏi cho anh ấy, làm gì đó để giữ hình ảnh anh ấy bên mình.

Chị quyết định gọi điện sang Pháp tham khảo ý kiến, liên lạc với Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để xin mổ tử thi, lấy tinh hoàn, tìm tinh trùng đem khẩn cấp vào ngân hàng trữ lạnh để lưu giữ.

Bác sỹ Vệ nói: Khi 2 cháu sinh ra, chúng tôi vẫn chưa thở phào nhẹ nhõm được mà chỉ đến khi có kết quả xét nghiệm ADN khẳng định 2 cháu là con của chị Dung và anh Ngọc, lúc đó niềm vui mới trọn vẹn.





Nguyễn Tâm

     
Bình luận
vtcnews.vn