"Bác sĩ VN chán quá! Chắc chắn tôi bị u não"

Bệnh và thuốcThứ Năm, 20/05/2010 06:26:00 +07:00

(VTC News) – "Chắc chắn tôi bị u não. Các bác sĩ ở Việt Nam chán quá! Kiểu gì tôi cũng phải bảo con cháu đưa sang Singapore chữa bệnh thôi".

(VTC News) - "Chắc chắn máy điện não đồ ở BV Việt Đức hỏng rồi. Tôi phải sang khám ở BV Việt Xô. BS ở đây chán lắm, tôi phải sang Viện 108. Họ vẫn không tìm ra bệnh cho tôi. Chắc tôi phải đi khám ở Singapore thôi. Đau đầu thế này cơ mà. Chắc chắn bị u não…” - lời một người bị bệnh hoang tưởng nghi bệnh.

Ám ảnh mình bị "tứ chứng nan y"

Bệnh nhân Hoàng Nghĩa T (Hà Nội) bị các con ép đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương để khám về bệnh hoang tưởng. Tại đây, sau khi bác sĩ Ngô Thanh Hồi, Giám đốc bệnh viện thông báo, bệnh nhân không hề mắc bệnh ung thư mà chỉ là bệnh hoang tưởng nghi bệnh, bệnh nhân lại... càng không tin.

Một bệnh nhân đang thuyết phục bác sĩ mình đã bị ung thư di căn. Ảnh: CAND

“Chắc chắn tôi bị u não. Các bác sĩ ở Việt Nam chán quá. Kiểu gì tôi cũng phải bảo con cháu đưa sang Singapore chữa bệnh thôi. Đau đầu thế này cơ mà. Làm sao tôi bị bệnh hoang tưởng được”, bệnh nhân T vẫn một mực tin mình bị bệnh, mặc dù sau khi đi mấy bệnh viện khám, không một bệnh viện nào đưa ra kết quả như ông… mong muốn.

Có bệnh nhân khác thì than thở với bác sĩ là dạo này mình hay bị mỏi các cơ khớp quá, mỏi đến mức chịu không nổi. "Chắc là em bị ung thư di căn rồi. Bác sĩ cho em qua Bệnh viện K tái khám đi, chứ bị ung thư để lâu nguy hiểm lắm", bệnh nhân năn nỉ bác sĩ chuyên khoa tâm thần trong bất cứ lần bị ép đi khám nào của mình.

Khá nhiều người nhập Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nát hết các ven ở tay vì thử máu khi đinh ninh mình bị mắc HIV. Có người thì ám ảnh mình bị các bệnh thuộc "tứ chứng nan y", nhập viện tâm thần sau khi mất hàng chục triệu đồng để xét nghiệm hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, vừa thử máu vừa sinh thiết tất cả các loại tế bào, các cơ quan trong cơ thể vì sợ ung thư. Và họ vào đây với một chồng kết quả xét nghiệm… âm tính.

“Ngủ nhiều sẽ chết! Ngủ nhiều sẽ chết!”

Hiện tại, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị hoang tưởng nghi bệnh. Người thứ nhất là cụ Trần Trung M (Hà Nội) hiện đã 74 tuổi. Khi chúng tôi đến, cụ đã điều trị được 10 ngày, giấc ngủ đã ổn định vì nhờ có thuốc ngủ và thuốc đặc trị. Nhưng gương mặt cụ vẫn thẫn thờ, ánh mắt nhìn vô hồn với người đối diện.

Theo vợ của cụ M, cách đây 10 năm, bỗng dưng cụ cứ nghe văng vẳng bên tai tiếng nói: “Ngủ nhiều sẽ chết! Ngủ nhiều sẽ chết!”. Thế là từ đó cụ không dám ngủ. Mấy tháng liền cụ không ngủ, hoặc ngủ lơ mơ. Uống thuốc ngủ vào càng tỉnh. Gặp ai, cụ cũng níu lại để nói chuyện, để bảo rằng: “Ngủ nhiều sẽ chết! Ngủ nhiều sẽ chết!”.

Bệnh nhân thứ hai, Nguyễn Văn H mới 20 tuổi, ở Phú Thọ, vẫn còn khá nhanh nhẹn với dáng người thấp đậm, làn da ngăm đen và gương mặt hoàn toàn tươi tỉnh. Nhìn thoáng qua, ít ai nghĩ H bị bệnh hoang tưởng nghi bệnh. Nhưng khi chúng tôi đến hỏi han, cậu đưa hẳn một tập bệnh án ra “khoe”.

Mẹ H kể, cách đây 2 năm, kinh tế gia đình sa sút, H quyết định bỏ học, lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề trông xe ở phố Tăng Bạt Hổ. Cậu hăm hở làm việc, và hứa sẽ đưa tiền về cho mẹ. Nhưng cuộc sống vất vả ở Hà Nội nên hiếm khi H đưa tiền được về cho mẹ, ngoài 1 triệu đồng mà cái tết vừa rồi H dành dụm được.

Nhưng ra Tết, H luôn cảm thấy trong người mệt mỏi, đau đầu và cậu lại về quê xin vay mẹ số tiền đó đi khám bệnh. “Khám không ra bệnh gì, nhưng em vẫn kêu mệt và lại xin thêm tiền để đi khám tiếp bệnh viện khác. Cứ thế em nó lang thang nhiều viện chỉ để khám bệnh đau đầu. Cuối cùng một bác sĩ mách đưa cháu vào đây khám xem như thế nào” - mẹ H kể lại.

Cúng bái, ăn chay để chữa bệnh

Theo chân bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng Điều trị tâm thần nam & Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đến gặp một bệnh nhân nữ, người gầy gò, xanh xao đang ngồi dựa lưng trên giường bệnh. Thấy bác sĩ vào, bệnh nhân nữ có vẻ ngại ngùng, không dám ngẩng lên.

BS Dũng cho biết: “Bệnh nhân này bỗng dưng kiên quyết ăn chay và bắt cả nhà cùng ăn chay để chữa bệnh. Chưa hết, bệnh nhân còn đi hết chùa này chùa nọ để cúng bái. Ăn chay mãi cho đến lúc người gầy gò, xanh xao, nằm liệt giường. Nhưng gia đình thay vì đưa đến viện khám lại cúng bái, đi đến nhiều thầy cúng để đuổi ma nhập trong người bệnh nhân ra. Bây giờ thì bệnh nhân biết được việc làm của mình là sai, đã bắt đầu ăn thêm các loại thức ăn khác để giữ sức khỏe”.

Có không ít bệnh nhân nhập viện sau khi gia đình đã cúng bái, xua đuổi tà ma rất nhiều, thậm chí đốt giường, thay giường mấy triệu bạc, đào đất dưới giường vì thầy bảo có hài cốt chỗ bệnh nhân nằm… chỉ vì nghĩ bệnh nhân bị ma ám.

Song đây là những bệnh nhân bị chứng hoang tưởng bị bệnh. Giải thích cơ chế của bệnh hoang tưởng, đến nay các bác sĩ vẫn khẳng định đó là sự rối loạn của các tế bào não. BS Dũng cho biết, nếu cơ thể bị rối loạn giữa hai hormon: Serotorine và Dopamine thì căn bệnh hoang tưởng sẽ xuất hiện. Việc bị chứng hoang tưởng bị bệnh là do Dopamine quá nhiều. Đây là hormon sản xuất là những chất ức chế để cân bằng, giúp con người không quá hưng phấn. Khi bị rối loạn, người đó bị trầm uất, mệt mỏi, đau, tư duy ức chế và gây ra các chứng hoang tưởng kiểu trầm uất như bị bệnh, bị theo dõi, hoang tưởng kiện cáo...

Cơ chế di truyền, nguyên nhân nội sinh cũng là một yếu tố được nhắc đến khi đề cập đến chứng hoang tưởng.








Hiền Lê

Bình luận
vtcnews.vn