"Bắc Nam cùng cười": Bán được nhờ… tục (?!)

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 14/01/2011 01:52:00 +07:00

Có lẽ do phải đáp ứng "thị hiếu" của số đông công chúng nên đạo diễn đã có phần hơi quá tay khi khai thác quá đậm đặc các câu từ nhạy cảm, thậm chí là tục...

Có lẽ do phải đáp ứng "thị hiếu" của số đông công chúng nên ở tiểu phẩm "Mr Vượng râu in Asia", đạo diễn đã có phần hơi quá tay khi khai thác quá đậm đặc các câu từ nhạy cảm, thậm chí là tục...

"Bắc Nam cùng cười" là sản phẩm hài tết được đạo diễn - diễn viên Vượng “râu” bỏ khá nhiều công sức và cả cái tâm để mang đến cho công chúng một đĩa hài ngày xuân thực sự có ý nghĩa. Vậy nhưng, trong số hai tiểu phẩm, anh chỉ thực hiện được một nửa. Nửa còn lại khiến người xem không khỏi…đỏ mặt vì những từ ngữ có phần hơi quá được Vượng “râu” sử dụng trong vai trò đạo diễn đồng thời là nhân vật chính.

Muốn hay thì phải tục?

Có thể nói, trong số các đĩa hài tết năm nay, "Bắc Nam cùng cười" huy động được nhiều nhất các ngôi sao trong làng hài ở cả hai miền Nam Bắc. Không những thế, nó còn được dụng công trong việc tìm bối cảnh nhằm đổi mới cách thức làm hài, cũng như thay đổi khẩu vị cho công chúng.

Với tiểu phẩm "Mr Vượng râu in Asia" nói về một gã thầy bói hành nghề mê tín dị đoan để lừa các cô gái trẻ nhẹ dạ cả tin thì có thể quay ở bất cứ đâu cũng được, nhưng đạo diễn Vượng “râu” đã "chịu chơi" đến mức rồng rắn cả đoàn sang tận Trung Quốc trong suốt 10 ngày để thực hiện, đến nỗi suýt bị lạc và bị cảnh sát phạt.

 Vượng râu sang tận Trung Quốc để quay tiểu phẩm hài.
Những người làm nghề và cả công chúng ghi nhận sự tìm tòi, đầu tư của nghệ sĩ Vượng “râu” nhưng có lẽ do phải đáp ứng "thị hiếu" của số đông công chúng nên ở tiểu phẩm "Mr Vượng râu in Asia", anh đã có phần hơi quá tay khi khai thác quá đậm đặc các câu từ nhạy cảm, thậm chí là tục.

Trong tiểu phẩm, thầy bói Vượng râu xem bói cho Mộng Thi (Khánh Thi đóng) nhưng nội dung thì "mọi nẻo đường đều dẫn đến... tục". Buồn đi vệ sinh thì nói "chỗ bóp cổ nhà máy nước ở đâu ấy nhỉ"...

Ngượng nhất là khi "thầy" phán: "Số em chẳng giàu thì nghèo/Lúc nào cũng có thịt treo trên người". Và khi nữ hoàng Dance sport Khánh Thi nhảy tưng tưng ra chiều "ngây ngô" chưa hiểu "thịt treo trên người" là gì thì "thầy" bồi thêm: "là chỗ nhạy cảm, chỗ em vừa nhét tiền ấy...". Có lẽ sợ khán giả chưa hiểu hay vì muốn tăng thêm độ "phê", "thầy" vẫn say sưa mở rộng chủ đề: "Đàn ông thì phải có râu/Đàn bà phải có cái để tay đàn ông bâu vào"... 

 "Mọi nẻo đường đều dẫn đến... tục"...

Bán được nhiều đĩa hơn nhờ… tục (?!)

Phản hồi về việc khai thác quá mạnh tay yếu tố "tục" trong tiểu phẩm "Mr Vượng râu in Asia", đạo diễn Nguyễn Công Vượng cho rằng:

Một sản phẩm hài phải đáp ứng được cho nhiều đối tượng công chúng nên phải có nhiều món để họ lựa chọn. Như thế mới bao quát được hết khán giả và nhân rộng thương hiệu "Vượng râu" ra công chúng. Nếu nói là đĩa của tôi "tục" thì tôi cho là không khách quan lắm, vì đến giờ, đĩa tôi bán được chủ yếu là ở tiểu phẩm "Mr Vượng râu in Asia".

Ngày đầu tiên, tôi in 10 vạn đĩa DVD, mấy ngày sau đã tái bản với 8 vạn đĩa. Trên thị trường đĩa lậu, đĩa của tôi "đắt như tôm tươi". Nếu nội dung phản cảm, khán giả đâu dại gì bỏ tiền ra mua nó?"

Nữ hoàng dancesport tham gia trong đĩa hài. 
Đạo diễn Nguyễn Công Vượng so sánh: “Thực ra, gu của tôi là không tục mà vẫn cười được và mấy năm trước tôi đã đi theo hướng đó. Nhưng ở tiểu phẩm "Cô đôi hầu đồng" năm ngoái không hề "tục", chính vì vậy mà số lượng đĩa bán ra cũng không nhiều như năm nay. Ở phần hai của "Cô đôi hầu đồng" là "Mr Vượng râu in Asia", tôi mạnh dạn hơn trong việc khai thác yếu tố "tục" để chiều theo thị hiếu của khán giả và rõ ràng là hiệu quả của nó đã khác với số lượng đĩa bán ra khiến tôi cũng phải bất ngờ.

Thực ra, ranh giới giữa tục và thanh là khoảng cách rất nhỏ. Đôi khi chỉ là quan điểm của mỗi người và mỗi phông văn hóa. Thế nên, để định nghĩa hay phân biệt là cả một vấn đề. Các cụ ta ngày xưa kể những chuyện tiếu lâm rất tục và bậy, nhưng vẫn được lưu truyền và yêu thích đến tận bây giờ. Công ty chúng tôi là tư nhân nên việc phát hành là chuyện sống - còn của công ty.

Để ra một sản phẩm giá chỉ vài chục nghìn đồng nhưng chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ về nhu cầu, thị hiếu của công chúng rồi mới làm. Nghề của tôi là "làm dâu trăm họ". Vì thế, tôi luôn phải cố gắng tìm ra hướng đi chinh phục được những "bà mẹ chồng" khó tính nhất. Hôm nay chưa thích, ngày mai chưa thích, ngày kia chưa thích thì xem nhiều sẽ hiểu và phải thích. Với những lời khen, tôi sẽ cả đêm không ngủ. Còn với những lời chê, tôi sẽ cả năm không ngủ".

T.Hà (Giadinh.net)

Bình luận
vtcnews.vn