Ba lô của người leo núi có gì?

Tổng hợpThứ Sáu, 02/12/2011 11:35:00 +07:00

Đây là lần đầu tiên và mặc dù nghe người đi trước truyền đạt lại rằng nó không quá khó như tưởng tượng nhưng tôi vẫn hết sức lo lắng.

   Tôi chuẩn bị đi leo núi. Đây là lần đầu tiên và mặc dù nghe người đi trước truyền đạt lại rằng nó không quá khó như tưởng tượng nhưng tôi vẫn hết sức lo lắng.

 

Bạn chuẩn bị giúp tôi một đôi giày vải bộ đội đế cao su rất bám, cổ cao; một đôi găng tay sợi để khi bám vào đá, rễ cây không bị trầy xước tay; chiếc đèn pin để buổi tối soi đường; chiếc khăn quàng cổ vì trời sẽ lạnh; chiếc mũ rộng vành vì nắng trên núi rất nhẹ nhưng vẫn có thể cháy da… Tóm lại bạn giúp tôi chuẩn bị ba lô đựng tất cả những gì cần thiết để leo núi trừ một thứ, tôi phải tự chuẩn bị… Đó là tinh thần.

Quả thật bất cứ ai đã từng đi leo núi, hay trải qua một hành trình dài đều thấm thía một điều: Trong những hoàn cảnh tương tự, không ai có thể mang vác hộ mình, đừng trông chờ ai đó sẽ cõng mình đi khi bắp chân mình đã tê cứng, khi cả hai khoang mũi của mình có cảm giác như trống huếch hoác và đau rát, khi ngực mình buốt nhói và căng tức không thể thở được…

Bất cứ ai đã từng leo đến lưng chừng đều (có thể) từng có lúc muốn bỏ cuộc quay trở về. Nhưng rồi, nếu quay về thì cả chặng đường ấy sẽ phải gánh theo cảm giác xấu hổ của người bỏ cuộc. Cho nên, một số người dù rất mệt nhưng vẫn bước tiếp.

Tôi nhớ hình ảnh một anh trong đoàn leo núi nọ mặt tái xanh tái xám sau một đêm nôn thốc nôn tháo vẫn mỉm cười yếu ớt chia sẻ thanh chocolate cho tôi “em có dùng một chút cho đỡ mệt không rồi leo tiếp”. Hình ảnh ấy khiến tôi vừa thương vừa cảm phục. Cảm phục bởi anh đang cố gắng gấp 2, gấp 3 lần người khác để không bỏ cuộc và bởi vì anh đã chinh phục được “ngọn núi” còn cao hơn cả đỉnh núi cao nhất Đông Dương kia. Đó chính là bản thân mình.

Tôi đã nghe ai đó nói “bỏ cuộc thì dễ, tự tin để bước tiếp mới khó”. Quả đúng là như vậy.

Tôi không phải người mê thể thao nhưng vừa rồi đọc bài báo về cú trượt ngã định mệnh của VĐV điền kinh Nguyễn Thị Phương mà rơi nước mắt. Cao 1m56, lọt thỏm giữa các đối thủ trên vạch xuất phát môn chạy 3000m chạy vượt chướng ngại vật. Trước đó, cô gái đeo số 300 này không được kỳ vọng cao tại SEA Games. Song, tại vòng chạy cuối cùng, Phương bứt lên bám sát một VĐV của Indonesia. Tiếc rằng, cô ngã khi chỉ còn cách vạch đích… 2m.

 

   Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như cô gái bé nhỏ ấy không cố trườn mình lên với tất cả sức lực còn lại kịp chạm tay vào vạch đích giành về cho Việt Nam chiếc huy chương bạc. Để rồi ngay sau đó phải đưa đi cấp cứu. Có lẽ với nhiều người Việt Nam, đó là hình ảnh ấn tượng nhất về SEA Games lần này – Hình ảnh khiến bất kì người hâm mộ bóng đá nào cũng phải chạnh lòng khi nghĩ đến những chàng trai U23 mà họ đã từng kỳ vọng để rồi thất vọng.

Một lần search dòng chữ “Đừng bao giờ bỏ cuộc”, tôi tìm thấy một clip. Đó là buổi nói chuyện của Nick Vujivic tại một trường học: “Rất vui vì được gặp các bạn. Tôi là Nick Vujivic. Tôi không có chân tay nhưng tôi có cái “giò gà bé nhỏ này””, Nick hóm hỉnh bắt đầu buổi nói chuyện. Bất chợt anh cố tình ngã xuống và nói tiếp, “Các bạn làm gì khi bị ngã? Đôi lúc trong cuộc sống, khi ngã xuống, bạn có cảm giác không đủ nghị lực để đứng dậy. Như chính tôi đang ngã ở đây, ngã úp mặt xuống mà tôi thì không có tay, có chân. Có vẻ như là tôi không thể đứng dậy được, nhưng không phải như vậy. Bạn biết không, tôi sẽ cố gắng đứng lên một trăm lần. Và nếu cả một trăm lần tôi ngã và bỏ cuộc, bạn nghĩ tôi sẽ đứng lên được nữa không? KHÔNG BAO GIỜ. Nhưng khi tôi ngã, tôi cố gắng lần nữa và cứ tiếp tục như vậy… tôi sẽ lại đứng lên, như bạn đang thấy đây”. Nick đứng dậy, mỉm cười trước sự cảm động của biết bao bạn trẻ trong khán phòng.

Nick Vujivic sinh ra bẩm sinh không có tứ chi. Anh đã từng trải qua nhiều lần tự tử không thành cho đến khi anh quyết định chung sống với số phận. Giờ đây, Nick là một nhà hùng biện giỏi, từng thực hiện 1.600 bài phát biểu trước đám đông tại hàng chục quốc gia của 4 lục địa: châu Phi, châu Á, châu Úc và Bắc Mỹ. Anh còn điều hành Life Without Limbs, một tổ chức phi lợi nhuận hướng về những người khuyết chi. Nick khởi động các chương trình diễn thuyết truyền cảm hứng sống của mình từ năm 17 tuổi, tại những nhà thờ, trường học ở địa phương.

 

   Nick tốt nghiệp Đại học năm 21 tuổi với 2 chuyên ngành là Kế toán và Kế hoạch tài chính. Anh bắt đầu du lịch khắp nơi để diễn thuyết. Chủ đề Nick hướng đến thường là những vấn đề khó khăn mà giới trẻ ngày nay phải đối mặt. Ước mơ của Nick là trở thành một nhà hùng biện quốc tế. Nick cũng muốn cải thiện ngôn ngữ của mình thông qua các show truyền hình. Anh cũng đã xuất bản một cuốn sách với tựa đề “No Arms, No Legs, No Worries!” (Không tay, không chân, không lo lắng!).

 

Những câu chuyện vụn vặt và rời rạc của anh chàng leo núi, của Nguyễn Thị Phương và Nick Vujiviccứ lần lượt lướt qua trí não tôi một cách tình cờ khiến tôi chợt nghĩ, đôi khi chúng ta phải ngạc nhiên với sức chịu đựng của chính mình nếu như ta chịu khám phá nó. Và rằng, hạnh phúc không phải là khi ta ngạo nghễ đứng trên đỉnh núi. Hạnh phúc nằm trên chính chặng đường ta đã trải qua, những tảng đá to ta đã leo qua, những giấc ngủ chập chờn vì rét run giữa núi rừng lạnh giá, những cơn cảm sốt bất chợt vì thời tiết thay đổi đột ngột…  Và như Nick Vujivic đã nói “Tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng kết quả không quan trọng. Vấn đề là bạn hoàn thành nó như thế nào. Bạn sẽ hoàn thành nó một cách mạnh mẽ chứ? Vậy thì hãy tìm ra nghị lực để đứng lên…”. Tôi tin Nick bởi anh đã chứng minh được điều đó. Và tôi cũng tin rằng những người bỏ cuộc khi cơn bão vừa ập tới chắc chắn sẽ đánh mất cơ hội nhìn thấy vẻ đẹp tuyệt vời của những tia nắng đầu tiên. Vì vậy, khi bắt đầu một hành trình, hãy chắc chắn rằng, ba lô của bạn không thiếu một thứ: Ý chí của chính mình.

 Tuấn Minh

Bình luận
vtcnews.vn