Apple sắp đưa thị trường công nghệ Mỹ về thời... đồ đá

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 23/06/2011 07:00:00 +07:00

Đối với ngành công nghiệp smartphone, còn gì tồi tệ hơn thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật vừa rồi? Câu trả lời là: "Vũ khí" mới ra lò của Apple.

Đối với ngành công nghiệp smartphone, còn gì tồi tệ hơn thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật vừa rồi? Câu trả lời là: "Vũ khí" mới ra lò của Apple.

Nếu bạn đang tự hỏi: Còn điều gì ảnh hưởng sâu rộng và tàn phá ngành công nghiệp smartphone nặng nề hơn thảm họa động đất, sóng thần gần đây xảy ra ở Nhật Bản? Có lẽ cách đây mấy hôm thì câu trả lời sẽ là không.

Thảm họa ở Nhật Bản khiến ngành công nghiệp smartphone nói chung và gia công chế tác các thiết bị công nghệ cao nói riêng bị đả kích mạnh mẽ. iPhone 5 lỗi hẹn xuất xưởng vì thiếu nguồn cung thiết bị, iPad 2 khan linh kiện và phải bán ra nhỏ giọt, một loạt tablet cũng chậm ra mắt vì nguồn cung những thiết bị đến từ Nhật như LCD Panel, Pin, chip nhớ... trở nên khan hiếm.

Nhưng khi đặt ra câu hỏi trên vào ngày hôm nay, chúng ta có một câu trả lời mới: Apple đã nhận được bản quyền sáng chế công nghệ màn hình cảm ứng đa điểm do Ủy ban bản quyền và thương hiệu Hoa Kỳ cấp phép sau 3 năm rưỡi theo đuổi đằng đẵng.

Có thể bạn sẽ thắc mắc: Chuyện ấy thì ảnh hưởng gì tới tôi và chiếc smartphone của tôi?

Trả lời 1 cách ngắn gọn: Trong tình huống xấu nhất, có thể chỉ vài tháng nữa bạn có "đốt đuốc" cũng không còn được thấy những chiếc smartphone chạy Android, MeeGo, Windows Phone, Symbian màn hình cảm ứng bán trên thị trường nữa. Chúng ta sẽ trở về thời của những chiếc smartphone nắp gập, bàn phím cứng hoặc smartphone màn hình cảm ứng điện trở như từ thời... cổ đại.

Smartphone sẽ bị "lại tổ" và trở về như thế này? 

Trước khi bạn hốt hoảng với cái viễn cảnh đen tối kể trên, hãy đi tìm hiểu nguồn cơn sự việc. Dù trong tình huống nào đi chăng nữa, hiểu biết ngọn nguồn của 1 vấn đề cũng giúp chúng ta có những cái nhìn khách quan và những đánh giá chính xác hơn về nó.

Từ chuyện cái màn hình...


Nói một chút về Apple, nếu bạn chưa biết, thì Apple là hãng bảo vệ quyền lợi của mình ở các công nghệ mà họ sáng tạo ra (hoặc họ cho rằng họ sáng tạo ra) một cách điên cuồng. Điều này thể hiện ở việc trong lĩnh vực sản xuất smartphone: sau Nokia, Apple là hãng hiện nắm giữ nhiều bằng sáng chế nhất (ở Mỹ). Và Steve Jobs không hề ngại ngần khi đem các bằng sáng chế mà Apple sở hữu đi để "đàn áp" các đối thủ của mình.

Năm nào cũng vậy, Apple luôn tìm cách lôi ít nhất 1 ông lớn "lỡ dại" vay mượn tí chút trong các sáng chế của mình ra hầu tòa. Nokia, Samsung, HTC, Google... Tất cả đều đã được nếm mùi "bàn tay sắt" của Steve.

Thế nhưng trong "lưới bằng sáng chế" dày đặc mà Apple đan ra để bảo vệ những đứa con tinh thần của mình, vẫn có một lỗ hổng : Công nghệ màn hình cảm ứng đa điểm. Khi iPhone đời đầu ra mắt năm 2007, điều khiến giới công nghệ "phát cuồng" không phải là chợ ứng dụng khổng lồ hay khả năng duyệt web mượt mà(trên thực tế, mãi sau 1 năm ra mắt iPhone mới chạy được ứng dụng của bên thứ 3 thông qua AppStore ra mắt năm 2008).

Điều cuốn hút người dùng nhất là màn hình cảm ứng tuyệt vời của máy. Ngày đó, người ta chưa bao giờ được chứng kiến 1 ý tưởng táo bạo và hữu dụng hơn công nghệ cảm ứng đa điểm mà Apple áp dụng vào iPhone.

Màn hình cảm ứng điện dung thao tác cực nhạy, việc zoom trang web, ảnh chỉ bằng cách nhúm 2 ngón tay, giao diện cuộn trang web, văn bản chỉ bằng những cái vuốt tay nhẹ nhàng đã nhanh chóng hạ "nốc ao" công nghệ cảm ứng điện trở vốn chiếm đa số thời đó trên các smartphone màn hình cảm ứng.

Pinch to Zoom nhanh chóng thành "chuẩn" trên các smartphone hiện đại, xuất phát là ý tưởng của Apple 

Tất nhiên ý tưởng ấy của Apple đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ cả người sử dụng lẫn các hãng... đối thủ. Sự ủng hộ của người sử dụng đã "khuân" đi 108 triệu máy iPhone khỏi kho hàng của Apple (tính đến tháng 3 năm nay). Còn sự ủng hộ của các hãng sản xuất đối thủ của Apple đã khiến thị trường tràn ngập các sản phẩm "anh em" của iPhone.

Đầu tiên các hãng sản xuất như HTC, Motorola, Samsung còn khá "dè dặt" trong việc copy hình dáng của iPhone: Những sản phẩm ra mắt sau iPhone đời đầu vẫn sử dụng màn hình cảm ứng điện trở, chỉ có 1 vài nét "na ná" iPhone như màn hình cảm ứng chiếm hết mặt trước của máy, số phím bấm vật lý được tối giản. Một vài ví dụ điển hình như HTC Touch Diamond 1,2 rồi Samsung Omnia...

Apple từng kiện Motorola xung quanh công nghệ cảm ứng đa điểm năm 2010. Vụ kiện này cuối cùng chẳng đi tới đâu vì Apple thiếu cơ sở pháp lý. Nhưng từ giờ trở đi, có lẽ những vụ kiện kiểu này sẽ không kết thúc "êm đẹp" như thế nữa

Về sau khi không thấy Apple "ý kiến" gì, các hãng trở nên mạnh dạn hơn và quyết định tung ra các sản phẩm "copy" sâu hơn, sử dụng màn hình cảm ứng điện dung (HTC HD2) . Và rồi tới khi Android ra mắt, thị trường trở nên "lụt lội" với hàng trăm mẫu smartphone cảm ứng điện dung. Tất cả đều hỗ trợ cảm ứng đa điểm.

Đến bằng sáng chế


Dĩ nhiên Apple hoàn toàn không hài lòng về điều này, nhưng hãng lại không đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện: đơn đề nghị cấp bằng sáng chế năm 2007 của Apple đối với công nghệ cảm ứng đa điểm đã bị Ủy ban bản quyền và thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO) từ chối với lý do: Công nghệ này có ứng dụng quá rộng và ủy ban này không muốn để 1 công ty đơn lẻ kiểm soát những công nghệ mà cả thị trường đều đang áp dụng.

Nhưng đầu tuần này, sau 3 năm rưỡi đeo đuổi của Apple, rõ ràng Ủy ban kể trên đã đổi ý vì bằng sáng chế số 7,966,578 mới được cấp cho Apple đã nêu rõ rằng hãng này có toàn quyền kiểm soát đối với giao diện cảm ứng đa điểm trên màn hình điện dung ở đất Mỹ.

Giao diện cảm ứng đa điểm trên màn hình điện dung là của riêng Apple? 

Bằng sáng chế trên mô tả sơ lược về công nghệ mà Apple giành được quyền kiểm soát như sau: "Một phương thức ứng dụng máy điện toán, sử dụng trong các thiết bị cầm tay đa chức năng có màn hình cảm ứng, bao gồm việc hiển thị một phần nội dung trang, một khung hiển thị nội dung trong khung đó cũng như các nội dung khác trên màn hình cảm ứng". "[a] computer-implemented method, for use in conjunction with a portable multifunction device with a touch screen display, [that] comprises displaying a portion of page content, including a frame displaying a portion of frame content and also including other content of the page, on the touch screen display."

Thực tình mà nói, bản thân tôi cũng không mấy hứng thú với mớ câu chữ kể trên và chắc bạn đọc cũng vậy. Những bạn nào cảm thấy tò mò có thể xem bằng sáng chế đó ở đây. Chúng ta có thể tóm tắt câu chuyện như sau: Apple đã giành được quyền sáng chế giao diện cảm ứng đa điểm trên màn hình điện dung, không chỉ trên iPhone mà trên tất cả các thiết bị cầm tay khác. iPad, iPhone, iPod và những iDevices sau này của Apple cũng sẽ được bảo vệ dưới bản quyền này. Thế nhưng...

Ứng dụng tới đâu?


Câu hỏi đầu tiên đặt ra đó là hiểu bằng sáng chế này như thế nào và ứng dụng của nó tới đâu?

Rõ ràng bằng sáng chế trên là rất rộng, phần mô tả sơ lược rất khó hiểu, nhưng những đặc tả chi tiết hơn ở phần sau của nó lại ám chỉ khá rõ ràng việc thao tác bằng nhiều ngón tay trên màn hình cùng lúc. Và đó là gì? Đó là cảm ứng đa điểm ! Tuy nhiên, việc đề cập đến các "khung" hiển thị nội dung ở phần mô tả lại khiến chúng ta phân vân: Liệu có phải bằng sáng chế trên chỉ ứng dụng với cách tương tác với Safari của iOS?

Như tôi có 1 hướng dẫn nho nhỏ trong bài viết này, người sử dụng các thiết bị chạy iOS có thể cuộn trang trên 1 hộp nội dung trong website bằng cách sử dụng 2 ngón tay. 1 ngón tay là cuộn trang, 2 ngón tay là cuộn hộp nội dung.

Cuộn những nội dung như thế này bằng 2 ngón tay

Nếu thực sự bằng sáng chế kể trên chỉ ứng dụng trong việc tương tác của người dùng với Safari thì có lẽ cũng chẳng có gì phải băn khoăn, vì có hay không tính năng này cũng chẳng làm ảnh hưởng tới các smartphone khác. Mặc dù nếu cấm được việc cuộn trang bằng 2 ngón tay thì cũng cấm được zoom trang web bằng cách nhúm 2 ngón tay.

Thế nhưng với những gì được viết trong bằng sáng chế ở trên, rất khó để tin rằng 1 bằng sáng chế có tầm phủ rộng như vậy lại có ứng dụng hẹp đến thế. Và rất có khả năng, khi đem "dịch" theo ngôn ngữ của pháp luật, bằng sáng chế kể trên sẽ cho Apple quyền sinh quyền sát đối với các smartphone sử dụng giao diện cảm ứng đa điểm.

Apple sẽ làm gì?

Ở đây hãy giả thiết rằng bằng sáng chế kể trên cho Apple quyền kiểm soát hoàn toàn công nghệ cảm ứng đa điểm trên màn hình điện dung. Chắc chắn có thể tin rằng việc đầu tiên mà Steve Jobs làm là... cười. Khó có thể không cảm thấy vui mừng khi nắm trong tay 1 vũ khí tối thượng như thế.

Đừng đùa với Steve ! 

Với trình độ khoa học kĩ thuật hiện tại. Có thể tin rằng màn hình cảm ứng vẫn sẽ tồn tại trên smartphone rất lâu nữa trong khi các phương thức tương tác khác như bẻ màn hình, tương tác bằng hình ảnh (như Kinect) hiện tại vẫn chưa tìm được đường đến với smartphone tiêu dùng.

Và với 99.99% smartphone trên thị trường sử dụng công nghệ cảm ứng, đa phần trong số đó dùng cảm ứng đa điểm điện dung và đều vay mượn 1 vài ý tưởng từ giao diện của iPhone, Apple thực sự đã "nắm gáy" hầu hết các đối thủ của mình. Hãng này sẽ có 2 lựa chọn: Hoặc bán bản quyền sáng chế của công nghệ này cho các hãng sản xuất khác và cho phép họ ứng dụng nó trên sản phẩm của mình. Hoặc "cấm tiệt" việc sản xuất smartphone màn hình cảm ứng đa điểm, đồng thời lôi những đối thủ nào vi phạm ra tòa.

Với truyền thống "bất hợp tác" của Apple, sẽ là rất ngây thơ nếu nghĩ rằng hãng này sẽ muốn để cho thị trường tràn ngập những sản phẩm "copy" iPhone, iPad. Tuy nhiên đi theo hướng thứ 2 sẽ khiến Apple trở thành nhà sản xuất smartphone màn cảm ứng đa điểm duy nhất trên đất Hoa Kỳ. Và ở đâu có độc quyền, ở đó có chậm tiến. Việc chỉ có một hãng sản xuất duy nhất độc quyền sẽ khiến cả thị trường "dậm chân tại chỗ" và theo gót những cải tiến của Apple.

Tính đa dạng làm nên 1 thị trường lành mạnh và có lợi cho người tiêu dùng.


Mặc dù sức sáng tạo của Apple đúng là rất lớn, nhưng hãy nhìn xem các họ đã phải "vay mượn" những gì từ sự tiến hóa của smartphone chạy Android? Nhìn vào đó đủ hiểu, nếu chỉ có Apple 1 mình 1 đường đua, người sử dụng sẽ không thể được hưởng 1 thị trường lành mạnh và đa dạng như bây giờ. Chắc chắn tòa án Mỹ sẽ không để yên cho Apple "tự tung tự tác", việc thu hồi bằng sáng chế nếu Apple "quá đáng" là hoàn toàn có thể xảy ra.

Từ đó có thể thấy việc đặt mình vào vị trí "1 mình đối mặt cả thị trường" cũng sẽ đem lại cho Apple nhiều rủi ro. Steve Jobs và ban lãnh đạo Apple chắc chắn hiểu được điều này. Vì thế, trong tình huống xấu nhất, chúng ta vẫn có thể tin rằng Apple sẽ ứng dụng quyền sáng chế của mình vào mục đích "hòa bình" thay vì gây hấn và đem lại kết cục chẳng tốt đẹp gì cho cả đôi bên.

Ai nên lo lắng?

Sẽ có người tranh cãi rằng bằng sáng chế kể trên chỉ có giá trị trên đất Mỹ. Đúng như vậy, ra ngoài biên giới nước Mỹ, bằng sáng chế đó không có giá trị. Tất cả các hãng sản xuất không ở trên đất Mỹ sẽ không chịu sự "kiềm tỏa" của luật pháp Mỹ. HTC, Samsung, Nokia vẫn sẽ "thoải mái" sản xuất smartphone màn hình cảm ứng.

Vấn đề là ở chỗ các hãng trên sẽ không được bán sản phẩm của mình ở Mỹ. Và vì Mỹ là thị trường tiêu thụ smartphone khổng lồ nhất thế giới. Mất đi thị trường Mỹ đồng nghĩa với việc các hãng mất đi nguồn thu lớn nhất, đồng nghĩa với việc thụt lùi trong việc sản xuất cũng như cải tiến sản phẩm.

Chưa hết, Google là 1 hãng nằm trên đất Mỹ. Android là sản phẩm của 1 liên minh do Google đứng đầu và chịu trách nhiệm phát triển chính. Google sẽ chịu chi phối của bằng sáng chế trên. Có nghĩa là nếu Apple quyết dùng bằng sáng chế trên để "bức chết" Android, chúng ta sẽ được thấy Android trở về thời kỳ "đồ đá" với bàn phím vật lý, không có màn hình cảm ứng hoặc sử dụng cảm ứng điện trở.

Quá tệ?

Kết


Thời điểm này, khi mà Apple chưa có công bố chính thức, cũng như chưa kiện cáo 1 ai về quyền sáng chế đối với công nghệ cảm ứng đa điểm, chúng ta nói gì cũng là còn quá sớm. Nhất là khi bằng sáng chế trên có phạm vi ứng dụng cực rộng, có rất nhiều cách hiểu và còn quá nhiều tranh cãi. Thậm chí còn có ý kiến nghi ngờ về qui trình cấp bằng sáng chế kể trên liệu có vi phạm luật pháp hay không, khi mà để cho 1 công ty kiểm soát những phát minh quá quan trọng, ảnh hưởng đến toàn thị trường như vậy?

Apple rất ít khi nói về những bằng sáng chế của mình trên báo chí và có lẽ lần này cũng vậy. Nhưng một khi Steve Jobs lên tiếng về bản quyền sáng chế, ông ta sẽ lên tiếng bằng những lá trát hầu tòa.

Kiện hay không kiện, gay gắt hay ôn hòa? Tất cả sẽ phải là những câu hỏi cần thời gian trả lời. Và chúng ta cũng rất sẵn sàng chờ đợi để xem Apple sẽ trả lời thị trường như thế nào, khi mà trong tay hãng đang nắm quân át chủ bài?

(theo GenK)
Bình luận
vtcnews.vn