Anh tôi

Tổng hợpThứ Hai, 20/12/2010 07:58:00 +07:00

(VTC News) - Biết không thể giữ nổi đứa con duy nhất đòi ra trân, lại lo bất trắc xảy ra (chiến tranh mà) nên người bố nói: “Lấy vợ rồi hãy đi!”.

(VTC News) - Tôi có một người anh họ. Anh tên là Vẻ. Anh là con trai một của bác tôi. Anh hơn tôi 15 tuổi. Họ nhà tôi rất đông con cháu, nhưng anh lại yêu tôi nhất. Bằng chứng là đi đâu anh cũng cho tôi theo. Trong cái đầu non nớt của tôi lúc bấy giờ anh Vẻ là người giỏi nhất trần gian. Chuyện gì anh cũng biết. Cái gì khó mấy anh cũng làm được. Chỉ mỗi cái anh rất xấu giai: cao lêu nghêu, hai tay dài như tay vượn, mắt trố mà răng lại vẩu. Họ nhà tôi ai cũng nói anh học hành thì giỏi, khéo tay, chỉ tội mỗi cái xấu giai. Chị gái tôi bênh vực anh: “Ôi dào, đẹp mã có mài ra mà ăn được không!”

Thế rồi đùng một cái anh nhất quyết đòi nhập ngũ. Khi ấy cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở vào giai đoạn khốc liệt nhất. Lý ra thì anh được miễn nhập ngũ, bởi bác tôi là thương binh hạng nặng thời chống Pháp, anh Vẻ lại là con độc nhất của bác tôi. Đang học lớp tám, anh nhất quyết đòi đi. Anh bảo: “Ở nhà toàn ông bà già và trẻ con, làm trai mà cứ ru rú ở nhà thì nhục lắm!”. Biết không thể giữ nổi đứa con duy nhất, lại lo bất trắc xảy ra (chiến tranh mà) nên bác tôi nói: “Lấy vợ rồi hãy đi!”. “Ai lấy mà lấy!”- anh khủng khẳng. “Thiếu gì, ở xóm này có con Hải, làng bên có con Thoa, xóm dưới có con Hậu. Mi ưng đứa mô mai tau đi hỏi, cuối tháng cưới luôn!”.

Làng tôi lúc ấy, con gái 18-20 đều ra mặt trận cả: người thì đi bộ đội, người đi thanh niên xung phong. Tuy nhiên lứa 16-17 thì còn nhiều lắm. Chị Thoa mới 16 tuổi, nhưng đã nổi trội hơn những cô gái khác xã tôi. Chị cao ráo. Con cái nhà nông mà “da trắng như trứng gà bóc ấy” (đó là cách ví von của mẹ tôi).

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhiều thanh niên đã ngã xuống, trong số họ có người mới vừa cưới vợ. Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn Intenet.
 

Nghe bác tôi nói thế anh Vẻ ậm ừ cho qua chuyện: “Con Thoa xóm dưới ấy!”. Bác tôi rít một hơi thuốc lào, phả khói đầy nhà, vỗ đùi đến đét một cái: “Được rồi, mai tao và cậu Cống (tức cha tôi) làm chục trầu, chai rượu đi hỏi”.

Cuối tháng đó chị Thoa về làm dâu nhà bác tôi. Tôi còn nhớ hôm đám cưới anh chị tôi đông lắm, mặc dù toàn ông bà già và trẻ con. Chị Thoa khóc sướt mướt. Lúc bấy giờ trong cái đầu óc còn non nớt của mình tôi không tài nào hiểu nổi vì sao đi lấy chồng chị lại khóc.

Một tuần sau anh tôi lên đường nhập ngũ. Anh đi. Một chuyến đi dài vô kể, cho tới tận hôm nay vẫn chưa trở về.

Hôm xã tổ chức lễ truy điệu anh, bác gái đã ngất, hai tuần sau đó bác qua đời. Bác trai thì từ đó trở nên trầm uất, sáng tối cứ lầm lũi đi về, không chuyện trò với ai. Anh em họ hàng trong nhà cũng không ai có thể “cậy răng bác nói nửa lời” (“Sáng tối đi về như bóng hạc/ Tuổi già heo hút tựa mây côi”- Nguyễn Khuyến).

5 năm sau bác tôi qua đời trong cô độc. Khi họ nhà tôi tìm được bác thì hầu như thân thể bác đã không còn nhận ra được nữa. Bác nằm dưới gốc cây bạch đàn già trong rừng sâu. Trong họ nhà tôi, người duy nhất không tin rằng anh tôi đã chết là chị Thoa.

Mãi sau này, tôi lớn lên, học hành xong, ra làm báo, một lần tôi có dịp vào Quảng Trị công tác thì tình cờ gặp được một người lính trước cùng đơn vị với anh tôi. Qua hồi ức của người lính ấy tôi được biết thêm nhiều điều về anh tôi.

Anh tôi chết trong một trường hợp hết sức thảm thương.

Nhập ngũ, anh tôi được phiên vào Binh đoàn H. Một binh đoàn rất nổi tiếng hoạt động ở khu vực đồng bằng. Mùa hè năm 1972 đơn vị anh vào giữ thành cổ Quảng trị, nơi từng được coi là “cối xay thịt” của mùa hè khốc liệt năm 1972. Anh tôi cùng một người bạn (mà xin lỗi vong hồn anh, chuyện lâu rồi nên tôi không nhớ nổi tên anh, mặc dù người lính kia đã nói) khiêng một quả đạn pháo.

 

Nhiều người vợ phải xa chồng mãi mãi. Ảnh chỉ mang tính minh họa.


Anh tôi đi trước. Hôm ấy trời mưa to, leo dốc trơn như đổ mỡ, người lính khiêng sau trượt chân ngã, anh bám được vào một gốc cây. Nhưng bất hạnh thay, cả quả đạn pháo tên lửa cùng anh tôi lao thẳng xuống vực sâu. Khi đồng đội lần được xuống vực thì anh tôi chỉ còn là… một đống thịt như người ta giã giò! Đồng đội để anh nằm lại dưới vực sâu ấy, lấy đá chèn lên thành mộ. Ngày hôm sau mưa như trút nước. Anh tôi chìm sâu dưới dòng thác lũ. Không hiểu sau cái đợt lũ ấy nắm xương tàn của anh tôi có còn bám lại được dưới lòng vực sâu ấy không?

Người lính kia kể rằng, anh tôi là người rất tếu, lúc nào cũng cười (có thể do anh vẩu nên bao giờ cũng cười) và rất lạc quan. Giữa hai làn đạn mà vẫn bình thản ngồi dưới công sự viết thư về cho vợ.

Đúng là nhà tôi có nhận được một lá thư duy nhất của anh. Lá thư đó do cha tôi đưa về. Cha tôi khi ấy là xã đội trưởng. Ông đi giao quân vào đến Quảng Bình thì gặp đơn vị của anh. Tôi còn nhớ, khi cha tôi đem bức thư về đọc không ai nhịn được cười, còn chị Thoa thì chạy vào buồng (nhà trong) khóc nấc lên. Tôi lại không hiểu được vì sao chị khóc!

Mãi sau này tôi mới được đọc lá thư đó!

Mặt trận, ngà18 thán 4 năm 1972

Vợ yêu quý của anh!

Anh đã chiến đấu được 6 trận rồi. Anh và các anh ấy đánh nhau hăng lắm, giết được mấy chục thằng giặc rồi. Em ở nhà chờ anh nhé, đừng lo gì cho anh, anh vẫn khỏe như con trâu đực nhà ta. Chuyến ni mà anh được viền (về) thì em chết mí anh, chứ không còn ngu ngơ như hôm mới cưới nhau đâu.

Chồng của em

Ký tên:

Lê Vui Vẻ

Thì ra cưới nhau xong, anh tôi ra đi mà chị Thoa vẫn còn trong trắng. Giá mà khi ấy anh biết nghĩ như trong thư anh viết thì có lẽ mọi chuyện không buồn thê lương đến thế.

Năm 1978, chị Thoa lên đường vào Nam tìm anh tôi. Chị mất tích từ đó. Sau này nhiều lần gia đình tôi truy tìm nhưng vẫn biệt vô âm tín. Có lần một người làng tôi đi buôn vào chợ Đông Hà, gặp một người phụ nữ điên lang thang trong chợ, trông rất giống chị Thoa.

Dân chợ Đông Hà nói rằng người phụ nữ trẻ này ở Bắc vào, đi theo mấy tay lái xe quá cảnh sang Lào, bị chúng nó hãm hiếp thành ra điên loạn. Sau đó chúng nó đem bỏ xuống Đông Hà. Hàng ngày chị ta cứ lang thang kêu gào thảm thiết. Lúc lúc lại réo tên ai đó nghe như là Vui, Vẻ gì đó(?).

Đã rất nhiều lần gia đình tôi đi tìm chị, nhưng đều không có kết quả. Người thì nói có lần thấy một người đàn bà như thế, nhưng chị ta đã bỏ đi lâu rồi. Người thì bảo chị đã mất trong một đêm mùa đông gió lạnh, mưa dầm của Đông Hà, được những người dân quanh chợ chôn ngoài nghĩa địa của làng.


Lê Thọ Bình
(Theo lời kể của Phan Trọng Minh)

Bình luận
vtcnews.vn