Anh Bộ đội Cụ Hồ ở Hy Lạp

Tổng hợpThứ Hai, 07/02/2011 11:20:00 +07:00

Anh bộ đội Cụ Hồ Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập năm nay đã ngoài 80 tuổi, chính thức là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vào một ngày cuối năm trong phòng họp ở phủ Chủ tịch, ông Kostas Sarantidis xúc động bày tỏ tình cảm và suy nghĩ của mình. Mong ước của 65 năm về trước nay đã thành hiện thực. Anh bộ đội Cụ Hồ Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập năm nay đã ngoài 80 tuổi, chính thức là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao huân chương Hữu nghị cho ông Nguyễn Văn Lập tại Phủ Chủ tịch ngày 7/1/2011 
Trong lần tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Hy Lạp, ở Athens tôi đã gặp người lính già Kostas Sarantidis trong ban liên lạc của Việt kiều. Ông nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, và giới thiệu là bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Văn Lập. Hôm sau, trên đường từ Athens đến vùng Nemea, nơi nổi tiếng với sản phẩm rượu vang, ông đã kể cho tôi nghe về cuộc đời thăng trầm của mình bằng chất giọng Hà Nội rất chuẩn. Câu chuyện gần gũi, cảm động cứ như tôi đang nghe ông nói chuyện trong một quán trà ở Hà Nội chứ không phải đang ngồi trên ô tô ở đất nước Hy Lạp.

Gia đình ông đông anh em, khi phát xít Đức chiếm đóng Hy Lạp thì anh em phiêu bạt mỗi người một ngả kiếm sống. Khi Thế chiến thứ II sắp kết thúc, người Pháp tuyển mộ lính đến các nước thuộc địa. Tuy chưa biết thế nào nhưng ông vẫn đăng ký, vì đi là để...không bị đói! Khi sang đến Việt Nam ông mới hiểu là mình bị đưa đi xâm lược nước khác. Đơn vị đóng ở Mũi Né, ông được giao trông coi một anh lính Việt Minh bị bắt tên là Lê Trung Biển. Chẳng hiểu lúc đó tâm trạng ra sao ông lại nói chuyện bằng tiếng Pháp với anh lính bị bắt rằng ông là Người Hy Lạp muốn trốn sang với quân đội Việt Minh. Thế là hôm sau ông cùng anh lính Việt Minh bỏ trốn lên núi mang theo 1 súng máy và 2 súng trường. Sau 2 ngày thì gặp được bộ đội Việt Minh Liên khu V, ông gia nhập bộ đội ngày 4/6/1946 với cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập từ đó. Năm 1947, ông tham gia chiến đấu ở nhiều đơn vị thuộc trung đoàn 803 Liên khu 5. Tại đây, ông trở thành người đầu tiên bắn rơi chiếc máy bay Morane của Pháp và bắt sống giặc lái.

Năm 1954 ông tập kết ra Bắc cùng người vợ kết hôn ở chiến trường. Ra đến Bắc thì vợ chồng lại mỗi người một nơi. Năm 1956 ông xuất ngũ làm phiên dịch tiếng Đức ở nhà máy in Tiến Bộ, thỉnh thoảng lại được hãng phim truyện Việt Nam mời tham gia đóng phim. Năm 1958 ông kết hôn với một phụ nữ ở phố Lò Đúc và sinh được 1 trai , 2 gái. Tuy vậy cuộc đời luôn có những biến cố, đã có lúc ông bà không chỗ ở, không việc làm, không của cải đồ đạc… Hai vợ chồng phải đưa nhau về Nho Quan, Ninh Bình ở nhờ nhà một số người bạn chiến đấu gốc Phi. Kiếm sống bằng cách hàng ngày lên rừng lấy củi về bán, đó là quãng thời gian khó khăn nhất của ông… Ít lâu sau ông được điều lên làm lái xe ở mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng mấy năm rồi lại chuyển về mỏ than Na Dương, Lạng Sơn…Năm 1965, được phép của 2 Chính phủ, Nguyễn Văn Lập cùng gia đình đã rời Việt Nam hồi hương về Hy Lạp.

Biệt tích suốt 20 năm trời, đột nhiên ông trở về quê hương mang theo 1 vợ và 3 con, làm cả gia đình ông vui mừng khôn tả. Ông bảo trước đó mẹ tôi luôn mặc bộ đồ đen vì tưởng tôi đã chết ở chiến trường nào đó. Khi tôi về mẹ đã lập tức thay bỏ bộ đồ đen. Cuộc sống ở Hy Lạp lúc ấy còn nhiều khó khăn. Ông làm nghề lái xe tải hạng nặng và thường phải làm thêm giờ. Ông bộc bạch rằng ông đã mang vợ nước ngoài về thì không bao giờ bắt vợ đi làm, dù phải vất vả thế nào cũng phải cố gắng để nuôi được vợ con. Đến nay các con ông: Thành, Tuyết, Nga và Tự Do (trở về Hy Lạp ông bà sinh thêm một người con gái út cũng đặt tên Việt là Tự Do) đều đã trưởng thành, có gia đình riêng sống ở các thành phố lân cận. Tuần nào chúng cũng gọi điện hỏi thăm sức khỏe bố mẹ. Hiện tại căn hộ chung cư tầng 4 đường Rodu 109, ở Athens chỉ có hai ông bà già. Lương hưu của ông được 1000 euro, bà được nhận trợ cấp xã hội mỗi tháng 80 euro. Tiền thuê nhà hết 400, tiền điện nước, dịch vụ hết thêm 300 nữa, hai chúng tôi chỉ còn chưa đầy 400 euro tiền ăn mỗi tháng, không đủ đâu... ông cười bảo.

Kể xong câu chuyện thăng trầm của cuộc đời mình, ông quay sang tôi: "Ngoài 80 tuổi rồi mà trời vẫn cho được sức khỏe thế này là quý lắm…Việt Nam là quê ngoại của các con tôi và là một phần lớn cuộc đời của tôi. Ngước nhìn lên những những tấm huân, huy chương các loại do Việt Nam trao tặng ông bảo đó là quãng đời đẹp nhất, trong sáng nhất, đáng tự hào nhất."

Trở về nước ông tham gia Đảng Cộng sản Hy Lạp. Sau ngày đất nước Việt Nam hoàn toàn giải phóng, ông bà và các con đã 7 lần trở về Việt Nam, họ đã đi khắp nơi để thăm lại bạn bè, đồng đội. Đóng góp những phần tiền tiết kiệm được để làm từ thiện. Năm 2009 ông đã viết tự truyện "Vì sao tôi sang hàng ngũ Việt Minh" rồi tự đem bán lấy tiền ủng hộ Hội nạn nhân chất độc da cam TP. Đà Nẵng nơi ông đã từng chiến đấu 2.700 Euro. Còn ở Hy Lạp, mỗi khi có đoàn từ Việt Nam sang bao giờ ông cũng có mặt để đón tiếp và sẵn sàng làm mọi việc cho đoàn như một "Đại sứ thiện chí"…

Những ngày cuối năm 2010, Hà Nội chìm trong cái rét tê tái, nhưng trong lòng anh bộ đội Cụ Hồ Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập lại ấm áp lạ thường. Ông trở về Việt Nam để nhận tấm Huân Chương Hữu nghị và Quốc tịch Việt Nam do Nhà nước trao tặng. Phát biểu tại lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng: Việc trao Quốc tịch Việt Nam cho ông Kostas Sarantidis đáng lẽ phải được thực hiện sớm hơn vì ông Kostas Sarantidis đã tham gia Việt Minh từ rất sớm và đã trải qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Đất nước Việt Nam có được như ngày hôm nay là có công của rất nhiều người, trong đó có ông Nguyễn Văn Lập.

Chủ tịch nước khẳng định, tình nghĩa này thật là cao cả và hiếm có trên thế giới, và ông Nguyễn Văn Lập cũng chính là sợi dây để nối liền sự hợp tác giữa Việt Nam và Hy Lạp.

Ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập bày tỏ sự vinh dự và tự hào vì sau 65 năm mong ước, ông đã được trở thành công dân Việt Nam, một đất nước đã sinh ra biết bao người con anh hùng của một dân tộc anh hùng. Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ sẽ luôn sáng mãi trong ông.

Theo Thế giới và Việt Nam
Bình luận
vtcnews.vn