Anh ấy quá tiết kiệm khiến tôi ngộp thở

Sức khỏeThứ Sáu, 31/12/2010 06:34:00 +07:00

(VTC News) - Em lập gia đình đã được vài năm, nhưng em luôn cảm thấy khó chịu về chuyện chồng em quản lý chặt chẽ việc chi tiêu, mua sắm của em.

(VTC News) - Em lập gia đình đã được vài năm, nhưng em luôn cảm thấy khó chịu về chuyện chồng em quản lý chặt chẽ việc chi tiêu, mua sắm của em.

Hỏi: Em lập gia đình đã được vài năm, nhưng em luôn cảm thấy khó chịu về chuyện chồng em quản lý chặt chẽ việc chi tiêu, mua sắm của em.

Em vốn sinh ra trong một gia đình giàu có. Từ nhỏ, em đã được bố mẹ cung cấp tiền để có thể mua sắm thoải mái, bất cứ cái gì mình thích. Sống trong nhung lụa như vậy, bao nhiêu cậu ấm đến tán em, sẵn sàng cung phụng cho em một cuộc sống đầy đủ, thế mà không hiểu sao, em chỉ rung động trước anh ấy, một sinh viên từ miền Trung ra học, là gia sư cho em trong suốt thời gian dài.

Trong nhiều vấn đề của cuộc sống gia đình, vợ chồng đều cần đồng thuận. Ảnh minh họa nguồn Internet 

Anh ấy là người bận rộn vô cùng, ngay từ thời bọn em mới gặp nhau. Là sinh viên, nhưng anh ấy làm thêm đủ nghề, từ gia sư đến phục vụ bàn, tập tành buôn bán… để có thể tự bươn chải cuộc sống của mình và thậm chí gửi tiền về cho bố mẹ. Vậy mà mỗi lần đến nhà em để dạy học, bao giờ trông anh ấy cũng tươi tỉnh, dạy rất nhiệt tình và biết giữ khoảng cách thầy trò. Anh là người đàn ông duy nhất không khen em xinh, không tán tỉnh em mà chỉ suốt ngày trách em lười học, ham chơi. Thế nên, em đã cảm thấy rất ngưỡng mộ anh và đem lòng yêu anh sau một thời gian được ở gần anh ấy.

Khi yêu nhau, anh ấy thường kể nhà anh ấy rất khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc ấm, nên anh ấy cố học giỏi để đổi đời cho chính mình và gia đình. Mỗi khi hai đứa đi chơi, anh không cho em trả tiền, nên hai đứa chỉ dám vào những quán rất bình dân, ăn uống giản dị. Có khi gặp nhau chỉ ngồi trên xe, ở bờ hồ Tây mà thôi. Nhưng vì quá yêu anh ấy, nên em thấy đó đều là những giây phút hạnh phúc.

Nghị lực sống của anh ấy giờ đây đã được đền đáp, khi anh giờ là phó giám đốc kinh doanh cho một công ty đa quốc gia lớn. Tiền anh ấy kiếm ra đủ nhiều để cuộc sống gia đình em thoải mái. Nhưng anh ấy vẫn không thay đổi cách chi tiêu tằn tiện như ngày xưa. Thậm chí, anh luôn nhắc nhở em, không được tiêu xài phung phí như trước kia, vì gia đình mình còn phải hỗ trợ cho bố mẹ và anh chị ở dưới quê. Anh ấy cũng không có phép em nhận tiền từ bố mẹ đẻ, vì anh ấy cho rằng, bọn em đã trưởng thành và cần phải biết tự kiếm tiền và chi tiêu từ số tiền mình kiếm được, không nên trông chờ vào bố mẹ. Anh ấy đã tự đưa ra quy định, hai đứa phải gộp chung tiền lương vào, chi tiêu chung và ghi rõ trong một cuốn sổ của gia đình.

Mặc dù biết những điều anh ấy nói là đúng nhưng em luôn cảm thấy khó chịu và tự ái. Em thấy buồn lắm, không biết phải giải quyết chuyện này như thế nào nữa?

Hạnh Nga (Hà Nội)

Trả lời của trung tâm Người bạn Tri kỷ 1900 6877: Em và anh ấy xuất thân từ hai gia đình có hoàn cảnh khác nhau, do đó cách suy nghĩ và ăn tiêu cũng khác nhau. Vì vậy, khi đã về ở chung cùng nhau dưới một mái nhà, vợ chồng em nên thống nhất quan điểm trong việc chi tiêu, chứ không nên có sự áp đặt như bây giờ, gây ức chế cho một trong hai người, dẫn tới ảnh hưởng hạnh phúc lứa đôi.

Chị cũng đồng ý với quan điểm của chồng em, cần phải tiết kiệm trong cuộc sống, không hoang phí, dẫn tới việc chuẩn bị cho tương lai không được chắc chắn. Vợ chồng em mới cưới nhau, còn chưa sinh con đẻ cái, còn chưa phải chi tiêu nhiều thứ trong thời buổi bão giá này. Do đó, gia đình nào cũng cần có một khoản tích lũy cho mai sau, trong việc nuôi dạy con cái.

Hơn nữa, ai biết được chữ ngờ? Trong tương lai liệu có điều gì không hay xảy ra? Nếu không có tiền chi tiêu để vượt qua khó khăn, thì sẽ thế nào? Việc tiết kiệm là điều đúng đắn, khi cả 2 vợ chồng còn đang có sức khỏe và trí tuệ.

Chị cũng đồng ý với quan điểm của chồng em là chỉ nên tiêu vào khoản tiền mà chính vợ chồng em kiếm ra, không nên trông cậy vào bố mẹ, khi cả hai đều đã trưởng thành. Có như thế, em mới thấy quý mồ hôi nước mắt của mình.

Như em nói, vợ chồng em có cuộc sống không đến nỗi khó khăn, chỉ là do cách chi tiêu tằn tiện của chồng khiến em không được thoải mái. Nếu có những điều gì em cảm thấy quá đáng, quá bức bách, khó chịu, cũng nên trao đổi ra để hai vợ chồng cùng rút kinh nghiệm và tìm ra cách chi tiêu hợp lý trong gia đình.

Chị gợi ý mấy cách để em có thể tìm ra hướng đi phù hợp cho gia đình mình:

1. Em cứ chi tiêu như hiện tại. Số tiền bố mẹ em cho, em chẳng việc gì phải cho anh ấy biết. Em có thể tiêu thoải mái số tiền đó.

2. Tiền ai người nấy tiêu. Còn tiền tiêu chung trong gia đình, hai người cùng đóng góp, theo sự thỏa thuận của hai người. Hai người lấy nhau, không có nghĩa là em phải lệ thuộc vào chồng em hoàn toàn về tiền.

3. Em trao đổi với chồng: “Vợ chồng đã lấy nhau rồi phải tin nhau và phải vì nhau mà sống. Sống nếu chỉ có kiếm tiền mà không hưởng thụ, không nâng cao chất lượng cuộc sống, thì cuộc sống trở nên tẻ nhạt chán ngắt.S ống phải có mục đích sống. Hiện nay, mục đích sống của vợ chồng mình hơi khác nhau quá,vì hoàn cảnh xuất phát khác nhau. Do đó chúng ta nên bàn với nhau để thống nhất cách sống, để cả hai đều thấy thoải mái hơn dễ chịu hơn, hạnh phúc hơn. Em là con gái, mà con gái là biểu tượng của sắc đẹp nên cũng phải có khoảng “làm đẹp phí”, để mua sắm quần áo, mỹ phẩm, đi siêu thị, đầu tư phương tiện đi lại, đi du lịch… Vì vậy với khoản tiền vợ chồng mình cùng kiếm được, chúng ta nên có các kế hoạch cụ thể, khoản để tiết kiệm, khoản để chi phí hợp lý nhằm cân bằng cuộc sống. Có như thế, cuộc sống của hai vợ chồng mình sẽ ngày phồn thịnh hơn và nhẹ nhàng thoải mái hơn, không còn bức xúc nữa”.

Vợ chồng cháu đều là những người có học, rất yêu thương nhau, cô tin hai người sẽ tìm được cách sống phù hợp nhất, hạnh phúc nhất.

MH (ghi) 

Bình luận
vtcnews.vn