An toàn VSTP: Cần có một hệ thống phòng vệ

Kinh tếThứ Sáu, 17/06/2011 05:09:00 +07:00

Nhà chức trách mới chỉ chạy theo vụ việc mà chưa có một hệ thống cảnh báo sớm cũng như một hàng rào phòng vệ bằng thông tin và nghiên cứu về an toàn VSTP.

Cơ quan chức năng về an toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP) Việt Nam thường xuyên phản ứng theo đuôi những phát hiện không an toàn thực phẩm từ phát hiện của nước ngoài, một phần lớn qua thông tin báo chí.

Trong khi đó các bà mẹ đều lo lắng quá mức do thiếu thông tin khi biết rằng con của mình thường xuyên ăn các loại thạch đủ màu sắc đều có chất tạo đục, nhưng không biết có chất tạo đục DEHP không.

Trước những vụ rủi ro như kẹo có chất tạo màu, kẹo phát sáng, gia vị nấu lẩu không ghi xuất xứ, thạch tín, chì và cadmium trong thực phẩm trẻ em, rồi đến những vụ khủng hoảng như sữa có chứa melamine từ năm 2008 và rộ lên lại mới đây, hầu như chúng ta đều bị động. Và phản ứng của phía Việt Nam là đi tìm xem chúng có nhập vào nước ta hay không.

Người tiêu dùng có quyền được biết các thông tin
về an toàn thực phẩm. Ảnh: Internet
 

Từ những vụ rủi ro đến khủng hoảng, chúng ta cũng chưa từng nghe đánh giá và công bố phân cấp và phải đối phó như thế nào theo từng cấp cụ thể.

Mới đây, khi xảy ra vụ Đài Loan cho huỷ thực phẩm nhiễm DEHP từ chất tạo đục trong các loại nước giải khát, thì bộ Y tế nhanh chóng cho đi kiểm nghiệm một số nước giải khát và công bố: không có chất tạo đục có DEHP. Thay vào đó, đáng lý một nghi vấn phải được đặt ra: chất phụ gia tạo đục có trong những thực phẩm nào? Nước giải khát? Sữa nước đóng gói? Thạch?...

Có một tiến bộ ghi nhận tại TP.HCM là chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (sở Y tế TP.HCM) đã ra thông báo khẩn yêu cầu tất cả cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm của các công ty Đài Loan đã bị phát hiện có chứa DEHP phải khai báo và tự kiểm nghiệm chỉ tiêu DEHP trong sản phẩm của mình. Các cơ sở kinh doanh các sản phẩm nhập khẩu có khả năng nhiễm DEHP cũng phải tự kiểm nghiệm.

Điều này chưa đủ. Khi đã xác nhận là tuy chất phụ gia tạo đục là hợp pháp nhưng công nghệ tạo đục hiện nay có khả năng được sử dụng giải pháp DEHP rất cao, do giá chi phí loại này bằng 1/10 chất hợp pháp (chưa bàn đến cấp độ an toàn từ nguồn gốc hữu cơ hay vô cơ), thì toàn bộ những nhà sản xuất thực phẩm có sử dụng chất tạo đục phải tự chứng minh là họ không sử dụng DEHP, nếu nhà sản xuất nào không chứng mình thì bị lên danh sách diện nghi vấn cho tới khi có chứng minh.

Ngoài ra, khi có những rủi ro hoặc khủng hoảng xảy ra, nhà sản xuất luôn luôn mạnh hơn người tiêu dùng, nhất là trong trường hợp người tiêu dùng có một hiệp hội bảo vệ họ rất thụ động, vì đã không nuôi hiệp hội của mình bằng một khoản nào cả mà để họ sống nhờ bao cấp. Nhà sản xuất có khi còn đủ rất mạnh để vận động chính sách.

Trong vụ mới nhất về thuốc xirô Augmentin do Glaxo Smith Kline sản xuất, nhà sản xuất đủ mạnh để có một ý kiến chống chế đăng trên một tờ báo lớn, nhưng lại không nêu rõ người phát ngôn, cho rằng Augmentin nhiễm phụ gia làm dẻo, do phụ gia trên phơi nhiễm từ bao bì.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, đại học Y dược TP.HCM, khẳng định do kháng sinh trong Augmentin dạng viên khó uống đối với trẻ em, nên được bào chế dưới dạng hỗn dịch (xirô) có mùi vị thơm ngon. Và để ổn định hỗn dịch làm cho chất lỏng không nằm trên và chất rắn lắng ở dưới, người ta phải cho thêm chất phụ gia. DIDP và DINP được dùng làm phụ gia trong dược phẩm này, vì có tính chất giống như một số dẫn chất phthalate dùng làm chất ổn định trong dược phẩm.

Có nghĩa là công nghệ ổn định hỗn dịch trong các loại thuốc xirô đều có khả năng sử dụng DIDP và DINP. Và thay vì “phản vệ” bằng cách chứng minh là ở Việt Nam không có Augmentin “nghi can” (không riêng gì hãng thuốc này bào chế thuốc dạng xirô sử dụng hỗn dịch), nhà chức trách phải bắt buộc các hãng dược, không loại trừ trong nước hay ngoài nước, có sản phẩm dạng này tại Việt Nam, phải chứng minh là họ không sử dụng công nghệ này mà sử dụng công nghệ khác an toàn hơn.

Mới đây nhất, nhà chức trách Malaysia vừa ra thông báo (cảnh báo rất sớm) DIDP và DINP như là chất tạo dẻo nghi ngờ có trong mì Shin Ramen và Shin Rayun của hãng Nong Shim, được xuất khẩu đến 80 quốc gia, người tiêu dùng không nên dùng loại mì này cho tới khi có kết quả kiểm nghiệm chắc chắn… Họ có đủ thông tin để cảnh báo sớm.

Ngày 11/6 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Malaysia đã cảnh báo dân chúng nước này về sản phẩm mì Shin Ramen bị nghi ngờ chứa các chất phụ gia độc hại.
Ảnh: Strait Times
 

Nói tóm lại, chúng ta, trải qua nhiều vụ từ rủi ro đến khủng hoảng về an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhiều năm gần đây, nhưng nhà chức trách mới chỉ chạy theo vụ việc mà chưa có một hệ thống cảnh báo sớm cũng như một hàng rào phòng vệ bằng thông tin và nghiên cứu.

Hơn nữa, khi không có thông tin và nghiên cứu đầy đủ, nhà chức trách khó lòng buộc các nhà sản xuất thay đổi công nghệ mà tới nay đã không còn an toàn, không còn xanh. Hàng loạt sự vụ không an toàn do phụ gia vừa qua cho thấy đã đến lúc phải thay đổi công nghệ vì lợi ích cộng đồng.

TheoCông Khanh/SGTT
Bình luận
vtcnews.vn