Ăn chay kèm uống thuốc nam, suýt mất mạng

Sức khỏeThứ Ba, 13/11/2012 04:28:00 +07:00

Điều đặc biệt của những thang thuốc nam do “thầy lang” cắt là yêu cầu ông K phải ăn chay để đảm bảo thuốc phát huy hết tác dụng.

Điều đặc biệt của những thang thuốc nam do “thầy lang” cắt là yêu cầu ông K phải ăn chay để đảm bảo thuốc phát huy hết tác dụng.

Trước sự việc một người đàn ông hơn 60 tuổi, ở Hà Nội suýt mất mạng vì ăn chay trong một tháng, chúng tôi đã tìm gặp gia đình nạn nhân và các chuyên gia về y tế để tìm hiểu rõ hơn sự thực quanh vấn đề này.

Anh Nguyễn Văn Cường, con trai ông K cho biết: Bố tôi phát bệnh từ khoảng tháng 2/2012. Mới đầu trên người ông xuất hiện một khối nhỏ bằng ngón tay, nên ông được điều trị tại bệnh viện U Bướu Trung ương. Các bác sĩ khám và kết luận ông K bị “u sơ”, đó là khối u lành tính và không chỉ định phẫu thuật.

Tuy nhiên vì sức khỏe của ông ngày càng yếu, gia đình đã tiếp tục đưa ông K vào bệnh viện Thanh Nhàn. Tại đây các bác sĩ kết luận: Ông bị đái tháo đường nặng và phải nằm viện tại khoa nội tiết của bệnh viện.

Trong thời gian ông K nằm viện, một bệnh nhân cùng phòng (quê ở Mê Linh, Hà Nội) đã giới thiệu một “thầy lang” ở Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc chuyên bốc thuốc lá chữa bệnh ung thư.


Vì chưa yên tâm với khối u lành tính mà muốn “khối u” biến mất, ông K đã tìm đến địa chỉ được giới thiệu và cắt thuốc lá về điều trị. Điều đặc biệt của những thang thuốc nam do “thầy lang” cắt là yêu cầu ông K phải ăn chay để đảm bảo thuốc phát huy hết tác dụng.


Anh Cường cho biết thêm: “thầy lang” đó giỏi lắm, nếu mình không ăn chay, khi lên lấy thuốc, bắt mạch là thầy biết liền”.


Sau một thời gian uống thuốc lá do thầy lang cắt, khối u vỡ ra, ông K tiếp tục cắt thuốc và đắp vào khối u. Thế nhưng đắp thuốc được khoảng nửa tháng thì vết thương ngày càng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nặng.


Vùng cổ của ông K, bị nhiễm trùng sâu và loét ra nguy cơ gây tổn thương động mạch cảnh…


Khi được đưa đến Bệnh viện Bỏng Quốc gia, tình trạng của ông K đã rất nặng. Các bác sĩ cho biết, vết thương của ông K tạo thành ổ loét sâu tới 4cm, rộng 4x8cm, có nguy cơ tổn thương vào động mạch chủ.


Nếu không mổ ngay, vết loét sẽ ăn sâu vào và gây nguy hiểm cho tính mạng. Các bác sĩ nhanh chóng quyết định mổ và rửa sạch vết nhiễm trùng, lấy vạt da vùng chẩm ngay sau gáy bệnh nhân để che phủ vì vết loét này khá rộng.


Cũng theo anh Cường, bệnh đái tháo đường của ông K ngày càng nặng thêm do hậu quả của việc ăn chay.

Anh nói: “Người bình thường trong bữa ăn còn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, đằng này ông bị ốm, sức khỏe yếu cộng thêm việc ăn chay, chỉ cung cấp nhiều tinh bột nên bệnh tình lại ngày càng nặng thêm, sức khỏe suy kiệt”.

Hiện nay, sau khoảng thời gian nằm viện, tuy sức khỏe còn yếu, nhưng bệnh tình của ông K đã có chuyển biến. Ông K đã được chuyển sang phòng hồi sức để tiện các bác sĩ và gia đình chăm sóc…

Do tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, nhiều người bệnh không tin tưởng vào các cơ sở y tế mà lại tìm đến nhiều nơi để chạy chữa theo cách thức chưa được kiểm chứng. Hậu quả là bệnh thì không khỏi mà còn nguy hiểm đến tính mạng.

Từ trường hợp của ông K, một vấn đề đặt ra là việc ăn chay có khiến sức khỏe bị suy nhược, gây nguy hiểm đến tính mạng hay không?

Vì vậy, trước khi quyết định ăn chay, người dân cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng, để có phương pháp bổ sung dinh dưỡng đúng cách, không gây hại đến sức khỏe.

Theo ANTĐ

Bình luận
vtcnews.vn