Ảm đạm thị trường công nghệ đầu năm mới

Tổng hợpThứ Tư, 02/03/2011 04:53:00 +07:00

Trái với kỳ vọng mọi năm, thời điểm trước và sau Tết Âm lịch vốn là khoảng thời gian sôi động nhất của thị trường công nghệ thì năm nay bình lặng một cách...

Trái với kỳ vọng mọi năm, thời điểm trước và sau Tết Âm lịch vốn là khoảng thời gian sôi động nhất của thị trường công nghệ thì năm nay bình lặng một cách đáng sợ.

Giá giảm chẳng đủ kéo khách

Theo thông lệ, cứ trước Tết Âm lịch hàng năm, khoảng thời gian tháng 1 là lúc các hãng máy tính, đơn vị lắp ráp thi nhau trưng ra các chương trình giảm giá, khuyến mại thì năm nay, dù có trợ giá bằng đủ hình thức thì người dùng vẫn thờ ơ.

Tại các siêu thị máy tính lớn trong cả nước, theo ghi nhận của phóng viên, số lượng linh kiện và máy đồng bộ được bán ra rất hạn chế. Cụ thể, sức mua giảm tới 25% so với cùng kỳ năm ngoái đối với linh kiện máy tính và máy đồng bộ để bàn, con số này lên tới 32% với máy tính xách tay.

 

Sự giảm lượng cầu một cách rõ rệt và mạnh mẽ như vậy là điều chưa từng thấy trong vòng 3 năm qua. Điều này khiến nhiều chủ cửa hàng vò đầu bứt tai và phải tìm sang phương án kinh doanh mới hoặc tập trung vào các dự án trang bị máy cho doanh nghiệp.

Trao đổi với anh Đức Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Tin học H.L, anh cho biết: "Việc lượng cầu giảm trong năm nay là điều nhiều cửa hàng đã dự đoán trước, tuy nhiên giảm tới gần 30% thì quả là ngoài tầm kiểm soát và thực trạng này chứng tỏ thị trường IT đã và đang dần bão hòa".

Dạo qua các cửa hàng IT, số lượng đầu linh kiện máy tính giảm rõ rệt và chủ yếu tập trung ở các dòng sản phẩm tầm thấp, giá rẻ. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn áp dụng chiêu thức cũ của thời thị trường thuở sơ khai là "treo giá thật, báo hàng ảo" để đa dạng danh sách mặt hàng, còn thực tế trong kho cũng chỉ "găm" một số linh kiện dễ bán, số lượng ít.

Sự biến động tỷ giá giữa USD và tiền đồng cũng là lý do mấu chốt khiến doanh nghiệp kinh doanh thiết bị vi tính méo mặt. Tất cả linh kiện máy tính như mainboard, RAM, ổ cứng… đều là hàng nhập và việc tỷ giá thay đổi dẫn tới sự biến động khá lớn về giá theo xu hướng điều chỉnh tăng, từ 10 tới 20%/sản phẩm.

Điều này hoàn toàn đi ngược lại với những định kiến của người tiêu dùng về thiết bị máy tính rằng "càng ngày càng rẻ", đẩy doanh nghiệp vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không tăng giá không được mà giảm giá để bán được hàng thì lỗ.

 

Các thương hiệu máy tính xách tay cũng trong cảnh chợ chiều mặc dù theo ghi nhận năm nay có rất nhiều đầu sản phẩm, đa dạng lựa chọn cho khách hàng. Anh Đỗ Toàn, phụ trách kinh doanh máy tính xách tay của siêu thị điện máy T.A cho biết: "Giá máy tính xách tay năm nay đã điều chỉnh tăng do chịu thuế 10% từ năm ngoái và hiện tại nhà sản xuất cũng không còn sản xuất các dòng MTXT cấu hình thấp chipset Intel Core Dual mà thay thế hoàn toàn bằng series Intel Core i, giá trung bình từ 11 triệu đồng trở lên một máy".

Đây là một lý do chính khiến thị phần máy tính xách tay vốn là chủ lực bán hàng mọi năm thì năm Tân Mão lại hết sức "ế khách". Nếu như năm 2010, chứng kiến sự "phá giá" ngoạn mục của vố số chủng máy tính xách tay giá rẻ thương hiệu Acer, HP-Compaq… với những chiếc máy cấu hình vừa tầm, giá chỉ từ 8 triệu thì năm nay việc biến động về giá và việc thay đổi cấu hình mới đã khiến giá thành không còn hấp dẫn đối với người tiêu dùng.

Hầu hết những người muốn mua máy tính xách tay thời điểm này đều là các bạn sinh viên, cần một máy tính cấu hình vừa phải để nối mạng và thực thi các tác vụ học tập thì trước mức tăng tới 30%/máy đã khiến họ phải chùn tay.

Minh Anh, sinh viên đại học Hà Nội cho biết: "Với nhu cầu của em thì không cần thiết phải mua máy tính cấu hình cao, nhưng hiện nay tìm đỏ mắt chả còn dòng máy sử dụng chipset đời cũ, mà giá máy chipset Core i thì quá cao, chênh hơn 3 triệu. Với số tiền chênh này em lắp được một máy tính bàn cấu hình vừa phải rồi".

Theo ghi nhận tại các shop bán máy tính xách tay, giá cả các dòng máy tính năm nay đều bắt đầu từ con số 11 triệu đồng là thấp nhất, ngay cả đối với thương hiệu Acer vốn nổi tiếng có các dòng sản phẩm giá rẻ.

Theo nhiều dự báo từ các chuyên gia kinh doanh máy tính, có lẽ thời kỳ khủng hoảng của thị trường sẽ còn kéo dài, ít nhất đến cuối năm 2011, thời điểm mà người tiêu dùng đã quen dần với các dòng máy cấu hình mới và chấp nhận bỏ tiền ra mua sắm.

Ngay cả với thị phần phụ kiện (bàn phím, chuột…) và các vật tư ngành máy tính tưởng chừng ít bị ảnh hưởng bởi các tác động ngoại lai thì năm nay số phận cũng khá long đong. Việc siết chặt an ninh tại các cửa khẩu, đặc biệt là phía Bắc, giáp ranh với Trung Quốc đã khiến khoảng thời gian đầu năm 2011 không có mặt hàng nào được nhập về.

Trước đây, các mặt hàng phụ kiện và thiết bị ngoại vi đều được nhập lậu qua nhiều đường từ biên giới và đổ vào thị trường, do đó, việc làm mạnh tay của các cơ quan chức năng khiến cho nhiều chủ đầu nậu than thở năm nay được… nghỉ ăn Tết sớm.


 

Thị trường đồ số, di động đìu hiu

Cùng chung cảnh ế ẩm của thị trường máy tính, mảng kinh doanh đồ số và thiết bị di động năm nay cũng đón nhận một thực tế phũ phàng. Nhu cầu mua sắm và đổi mới thiết bị số năm nay giảm hẳn so với mọi năm, khiến doanh số tại nhiều siêu thị hi-tech, di động chững hẳn.

Mặc dù các thương hiệu lớn như Nokia, Samsung, LG… liên tục đưa ra các chương trình kích cầu đón Xuân nhưng dường như chưa đủ sức hấp dẫn người mua, khiến cho doanh số chỉ còn 65 đến 70% so với cùng kỳ mọi năm.

Đợt cuối năm Canh Dần, Apple iPhone 4 là mặt hàng được khá nhiều sự quan tâm mặc dù thuộc phân khúc giá cao. Tuy nhiên, sản phẩm này lại lâm vào cảnh cháy hàng khiến cho thị trường luôn trong cơn khát, giá bị đẩy lên cao và người dùng cũng không mặn mà.

Quý I của năm tài khóa 2011 đang sắp trôi qua, dựa trên nhiều số liệu và báo cáo thị trường, những biến động về sức cung và cầu của năm nay sẽ ngày càng dao động theo biên độ cao.

Sự gia tăng chênh lệch của tỷ giá ngoại tệ sẽ khiến giá thiết bị IT bị đẩy cao do đây hầu hết đều là mặt hàng nhập khẩu. Mặc dù vậy, không doanh nghiệp nào dám ôm hàng thời điểm này bởi lẽ Quý I là thời điểm hết sức nhạy cảm của thị trường máy tính, nếu mặt hàng ôm vào không đúng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp sẽ chịu cảnh "ôm đầu máu" và chỉ còn nước bán hàng thanh lý. Từ Quý II, các model và chủng loại thiết bị mới sẽ liên tục ra mắt và điều này càng "làm khó" với những ai đang giữ các sản phẩm series cũ.

Các công ty cũng không còn dám nhập hàng bán theo kiểu gối đầu, công nợ trả dần như thường lệ mà thay vào đó là nhập nhỏ giọt, mua đứt bán đoạn để tránh lâm vào cảnh thiệt hai lần tiền do những thay đổi thất thường bởi ngoại tệ thay đổi tỷ giá. Anh Quốc Dũng, Phó GĐ Kinh doanh công ty Công nghệ H.N cho biết: "Hàng nhập về gối đầu, trả dần theo công nợ bình thường thì không sao, nhưng khi có biến động về tỷ giá, tăng giá bán thì không được, dễ bị người dùng tẩy chay mà nợ cũ thì bị tính theo tỷ giá mới, như vậy là mất tiền hai lần, lỗ chồng lỗ".

Có lẽ, việc nhập hàng cầm chừng, bán hàng "cầm hơi" là phương thức tối ưu nhất đối với các doanh nghiệp thời điểm này. Năm 2011 được dự đoán là một năm đầy sóng gió và thách thức của giới kinh doanh thiết bị Công nghệ thông tin, đòi hỏi phải có một chiến thuật kinh doanh bài bản và sức chịu đựng cao với độ nóng của thị trường.

Thành Long

Bình luận
vtcnews.vn