Ám ảnh những dòng sông chết ở Hà Nội

Thời sựChủ Nhật, 26/04/2015 07:23:00 +07:00

Những dòng sông ở Hà Nội đang dần biến thành sông chết, đen kịt, sủi bọt và bốc mùi hôi thối.

(VTC News) – Những dòng sông ở Hà Nội đang dần biến thành sông chết, đen kịp, sủi bọt và bốc mùi hôi thối. 

Những dòng sông chết

Các sông thoát nước chính của Thành phố Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Nhuệ… đang ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Mỗi ngày ở Thủ đô có đến hàng trăm ngàn mét khối nước thải từ sản xuất công nghiệp và rác sinh hoạt không qua xử lý đổ trực tiếp xuống dòng sông, khiến lượng bùn lắng đọng, dày lên đáng kể.

Dòng chảy bị tắc nghẽn nhiều đoạn và trở thành môi trường lưu giữ những chất độc hại gây ra biến đổi môi trường nước sông và các kênh mương, làm suy giảm chất lượng nguồn nước, nhiều đoạn gần như hoàn toàn “chết” khi phải thường xuyên tiếp nhận lượng nước thải quá tải.

Chỉ riêng hệ thống sông Nhuệ - Đáy, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), có đến 700 nguồn nước thải đổ vào với khối lượng 80.000m3 mỗi ngày. 

Nước sông Tô Lịch luôn đen kịt, bốc mùi hôi thối 

 Nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra sông Tô Lịch

Hàng năm, khi hết mùa mưa, những con sông làm nhiệm vụ thoát nước lại rơi vào tình trạng cạn trơ đáy, chất thải hữu cơ đổ xuống sông đều bị phân hủy tại chỗ, gây ô nhiễm, khiến cho cả những con sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Nhuệ lúc nào cũng đen kịt, đặc quánh, rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt sông.

Khó có thể quan sát thấy loài động thực vật sống nào ở trên những con sông này, thứ duy nhất tồn tại được trong môi trường độc hại ấy có lẽ chỉ có các loại vi khuẩn gây bệnh tật cho sức khỏe con người.

Sống chung với ô nhiễm

Theo khảo sát của Viện Khoa học Môi trường và Phát triển (VESDEC), hiện nay sông, hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp nhận mỗi ngày hàng triệu mét khối nước thải công nghiệp, nước thải đô thị và nước thải từ đồng ruộng, các khu vực nuôi trồng thủy sản. Lượng nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố dự báo sẽ lên đến 440.934 m3/ngày đêm vào năm 2020.

Trong tương lai gần, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông, hồ ở Hà Nội không những không giảm mà còn gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là ô nhiễm do chất thải công nghiệp, sinh hoạt.

Đây là cảnh báo khẩn cấp cho công tác bảo vệ và phục hồi chất lượng nước của Hà Nội, phục vụ cấp nước an toàn cho sinh hoạt, thủy sản, du lịch và nông nghiệp.

Nước thải sủi bọt ở trạm bơm trên sông Nhuệ 

Nước bơm lên được dẫn vào hệ thống mương, một số hộ dân vẫn có thói quen múc nước lên để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. 

Nước sông Nhuệ bơm lên sủi thành những ‘biển bọt’ khổng lồ 

Rất nhiều hộ dân sống dọc con sông Lừ (Đoạn từ phường Nam Đồng tới phường Phương Liệt, Đống Đa, Hà Nội) luôn than phiền về việc dòng sông bốc mùi hôi thối, đặc biệt là vào những ngày hè oi bức.

Chị Oanh (sống trọ dọc khu vực sông Lừ) cho biết: ‘Tôi thuê nhà trọ ở đây vì giá rẻ nhưng môi trường thì kém lắm, rác rưởi người ta cứ vứt thẳng xuống sông, dồn ứ lại rồi bốc mùi ngột ngạt không thể thở được, chưa kể muỗi dĩn cứ hở chỗ nào là nó bâu vào đấy, có lần trưa hè mất điện mà ngồi trong nhà tôi vẫn phải mặc áo chống nắng để tránh muỗi.’

Người dân vứt rác sinh hoạt xuống sông Lừ (Đoạn từ phường Nam Đồng tới phường Phương Liệt, Đống Đa, Hà Nội) 

Dòng sông rác tồn tại ngay cạnh khu dân cư 

Dòng sông đen kịt, bốc mùi hôi thối là nỗi ám ảnh với người dân sống quanh khu vực này 

Thực trạng ô nhiễm tại những con sông nội đô đã lên đến mức báo động, nó không chỉ ảnh hưởng tới cảnh quan mà còn ảnh hưởng tới đời sống an sinh, xã hội của người dân nhất là khi mùa hè đang đến gần.

Clip: Hưng Yên bắt vụ xả trộm nước thải ra môi trường


Việt Linh
Bình luận
vtcnews.vn