Ám ảnh gia đình bé lớp 8 bị cha làm nhục suốt 2 năm

Thời sựThứ Năm, 05/08/2010 06:27:00 +07:00

(VTC News) - Căn nhà mới sửa lại, nỗi đau đã hằn sâu vào quá khứ nhưng mẹ con chị N.T.H vẫn còn rơi nước mắt ám ảnh bởi sự khủng hoảng tinh thần là quá lớn.

(VTC News) - Đã gần 10 tháng trôi qua khi người cha, người chồng hèn hạ Lê Văn Dũng bị bắt giam vì hành vi làm nhục con gái ruột suốt 2 năm trời, nhưng trong căn nhà “đau khổ”, chị N.T.H vẫn còn rơi nước mắt ám ảnh bởi quá khứ buồn.

Tình mẹ ôm trọn những giấc mơ con

Huế đổ mưa bất chợt, chúng tôi ngược thành phố lên thăm lại em L.T.H, cô bé học sinh lớp 8 bị cha ruột cưỡng bức từ lớp 6 đến lớp 8 cách đây gần một năm để tìm hiểu cuộc sống H và gia đình sau cú sốc kinh hoàng.

Con đường nằm lọt thỏm giữa nghĩa địa khiến cho những ai lần đầu đến đây đều có cảm giác ớn lạnh, vậy mà trong ngôi nhà ấy, đã rất nhiều tháng nay ba mẹ con chị H vẫn ôm nhau sống, chống chọi với quá khứ bất hạnh và những khó khăn.

Nhận thấy người quen, chị H bỏ dở công việc ngoài vườn vào chào hỏi. Khi chúng tôi hỏi thăm cháu H, mặt chị buồn và biến sắc, chị chỉ tay về phía đứa con gái, nạn nhân của người cha vô nhân tính đang chăn trâu bên đồi. Chị bảo thương nó lắm, nó còn nhỏ, đáng lẽ phải được sống trong niềm vui trọn vẹn của cha mẹ, nó đã thiếu thốn tất cả lại còn bị đánh cắp mất tuổi thơ...

Câu chuyện cởi mở hơn khi chị khoe về căn nhà mới sửa lại. Chị cho hay, sau khi gia đình gặp nạn, chị đã được bên ngoại thương lòng bán mảnh đất cho chị một ít vốn sửa sang lại căn nhà vốn dột nát, cũ kỹ. Hàng xóm thì tự nguyện góp vài ngày công giúp chị lợp lại nhà, quét lại vôi tường nên bây giờ căn nhà đã khá vững chãi để ba mẹ con chị nương thân.

Căn nhà chị H được bên mẹ đẻ và bà con chung tay giúp đỡ

Có lẽ đó cũng là niềm an ủi giúp cho chị, bé H vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng khi đối mặt với những khó khăn chồng chất. Lúc chồng chị H bị bắt cũng là lúc chị bị trọng bệnh phải nằm viện nhiều ngày. May mà nhờ bà con lối xóm động viên chị lại vươn dậy làm lại cuộc đời khi bên chị còn có hai đứa con, một trai một gái.

Chị tâm sự: “Tôi sống vì con là chính, với một người mẹ khi người chồng không còn là điểm tựa nữa thì con chính là động lực để tôi tiếp tục sống, tôi sẽ sống để dành tất cả cho con, bù đắp cho chúng những mất mát mà chúng phải gánh chịu”.

Quả thật như lời chị nói, trong căn nhà, góc học tập của H được chăm chút rất kỹ, có lẽ chị hiểu con gái chị đang cần gì, chị mua tặng cho con khá nhiều thứ, nào là búp bê, gấu bông, hoa, đồng hồ... Trước đây, thương con gái mà chị cắn răng tố cáo chồng mình, chấp nhận nghe lời dè bỉu của gia đình chồng để lấy lại tuổi thơ thật sự cho con.

Thấy bé H vừa đi chăn trâu về, chị gọi vào. Không như lần gặp đầu tiên, H bây giờ đã đổi thay rất nhiều, em cao lớn hơn, nước da ngăm đen do nắng cháy, nụ cười hiền. H cho biết em đã nghỉ hè và đang giúp mẹ chăn trâu mỗi ngày ở trên đồi. “Nghỉ hè xa bạn, xa thầy cô em nhớ lắm. Mấy bạn lên rủ đi học thêm nhưng em không đi, mẹ bảo cho đi rồi mẹ lo tiền mà nộp nhưng em biết mẹ không có tiền, em ở nhà giữ trâu cho mẹ, buổi chiều đi thả diều cũng vui mà”, H hồn nhiên nói.

Cháu H lấy việc học tập để quên đi cú sốc kinh hoàng đầu đời

Với chị N.T.H, niềm vui nhân đôi khi đứa con trai của chị từ nhỏ đã xa nhà nhưng khi thấy mẹ đau khổ cũng xin bà về sống cùng. Chị bảo, nhìn những đứa con, chị thấy mình cần sống, phải sống.

Chị cho biết thêm, chị nhận được nhiều sự quan tâm của hàng xóm láng giềng, họ dường như thấu hiểu nỗi đau của gia đình chị nên luôn động viên chị vượt qua, chị biết ơn tất cả những tấm lòng quý giá đó.

“Giọt nước mắt chảy ngược”

Câu chuyện chùng xuống khi chúng tôi nghe văng vẳng đằng xa tiếng một người phụ nữ mà chị cho biết đó là mẹ chồng. Chị buồn rầu nói, gọi mẹ chồng nhưng từ khi đứa con của bà – chồng chị H bị bắt thì dường như bên nội đã đoạn tuyệt với gia đình nhỏ của chị.

Thậm chí mảnh đất chị cùng hai đứa con đang trú chân bà cũng dọa lấy lại, bắt mấy mẹ con chị phải bỏ xứ mà đi. Không những thế, chị H còn bị khủng bố với hàng trăm lời đe dọa từ phía gia đình chồng, cụ thể mới cách đây hơn một tháng chị đã hoảng hồn khi chứng kiến cảnh cháu H bị cô ruột của mình xông tới tát vào mặt và buộc con bé lấy khóa để kiểm tra có giấy mời triệu tập của phiên tòa trong tủ hay không.

Lần đó, thấy mẹ con chị H bị bắt nạt nên bà con đã gọi công an phường An Tây lên giải quyết mới “giải cứu” được mấy mẹ con chị. Chị H cho biết đã từ lâu, lấy cớ chuyện Dũng (chồng chị) đi tù, bên nội cháu H luôn chửi bới, mạt sát mẹ con chị.

Chị tâm sự, nhiều khi chị tự trách mình và đớn đau khi đứa con bị cưỡng bức, đau hơn bởi chính thủ phạm là người cha, người chồng của mẹ con chị. Ngoài ra, mẹ con chị H còn chịu sự ghẻ lạnh của nhà chồng.

Chị buồn rầu cho biết, cháu H ngay từ khi bị xâm hại thành tích học tập sụt hẳn, từ lớp 1 đến lớp 6 cháu H đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến xuất sắc. Vậy mà từ lớp 7 đến nay em chỉ đạt học lực trung bình. H bảo: “Em thích học lắm nhưng học chỉ được trung bình thôi anh ạ”.

Đã thế, chị lại bị dằn vặt bởi người chồng thú tính trong nhà giam vẫn không thôi buông lời khiêu khích chị, hắn tỏ ra không ăn năn trước pháp luật và tòa án lương tâm.

Ngày xử án, hai mẹ con chị đạp xe cọc cạch về tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế nghe xử về tội trạng của chồng mà quặn lòng. Vì thương con đang tuổi đến trường sợ thiên hạ xôn xao, sợ chồng mang tiếng ác chị ngậm ngùi làm đơn xin được xử kín để mẹ con chị thanh thản. Bản án cuối cùng dành cho người cha tồi tệ Lê Văn Dũng là 19 năm tù.

Khi nhận xong bản án 19 năm tù, Dũng căm phẫn nhìn vợ. Còn chị gạt nước mắt mang con trở về với nỗi xót xa không thể nói hết, không thể nói nên lời.

Khao khát một mái ấm trong “ngôi nhà đau khổ

Chị tâm sự, nhiều lúc một mình thấy tủi thân vô cùng. Có lẽ chị cũng như bao người phụ nữ khác muốn có một mái ấm giản dị dù cuộc sống có nghèo khó như thế nào nữa. Đã bao lần chị gạt bỏ lỗi lẫm của chồng để cố gần gũi mong Dũng hoàn lương, hứa với chị khi mãn hạn tù làm lại từ đầu, chị sẵn sàng dang rộng vòng tay đón lấy và xem lỗi lầm của chồng như một quá khứ buồn mà thôi. Vậy mà chị chỉ nhận được sự dửng dưng từ Dũng.

Nghĩ đến tình chồng vợ, chị khăn gói đến lao Thừa Phủ thăm chồng, mang cho chồng những món ngon để ăn. Chị tưởng rằng, trong bốn bức tường lạnh lẽo, Dũng sẽ cảm thấy ân hận vì hành vi sai trái của mình mà nói câu xin lỗi.

Nhưng không ngờ chị lại bị chồng buông lời khiêu khích ngay tại trại giam: “Bữa này xây nhà mới rồi mấy mẹ con bây sướng quá nhỉ. Đẩy tau vào tù để mấy mẹ con bây tha hồ mà ăn chơi cho sướng”. Một lần nữa chị lại sốc, sau đó vài lần chị xuống đưa cơm cho Dũng nhưng chỉ gửi nhờ người đem vào và quyết định đoạn tuyệt với người chồng tàn nhẫn đó.

“Đã nhiều lần tôi mong nhận được từ Dũng một lời xin lỗi, mong mẹ con tôi tha thứ nhưng bản tính của Dũng vẫn không đổi, vẫn hiềm khích tỏ vẻ rất căm thù tôi nên tôi tuyên bố sẽ không đến thăm một lần nào nữa. Tôi đành coi như không có chồng trên cõi đời này”. Với chị H niềm vui của chị bây giờ chính là hai đứa con, nguồn sống mạnh nhất giúp chị chống chọi với những vất vả cuộc sống.

Hằng ngày, chị làm đủ tất cả những nghề, thậm chí một số nghề đặc tính đàn ông như làm phụ hồ, kéo củi, bốc vác... Sau khi đi làm về chị lại ôm hai đứa con vào lòng để tình cảm, chở che. Chị tâm sự với chúng tôi rằng dù chị đói khổ thế nào cũng cho con đi học, chị muốn con chị thoát khỏi cảnh nghèo đói như chị bây giờ.

Nỗi trăn trở lớn nhất khiến cho chị bao lần bật khóc trong đêm. Chị vẫn sợ thời gian không thể xóa đi vết thương quá đau đớn trong lòng H, chị sợ đến tuổi trưởng thành H sẽ khó đến với tình yêu nam nữ vì H đã phải một “vết sẹo” khó lành, chị sợ sau này H sẽ thiếu tự tin trên đường đời đã một lần bị ngã quá đau.

Trần Viết Long

Bình luận
vtcnews.vn