Ðại tướng Võ Nguyên Giáp với những mùa đông HN

Thời sựThứ Năm, 16/12/2010 01:24:00 +07:00

Những mùa đông đáng nhớ của Hà Nội còn ghi những kỷ niệm không phai mờ về một vị Tổng tư lệnh mưu lược đã cùng Hà Nội làm nên chiến thắng...

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng lừng danh trong thế kỷ 20 của dân tộc Việt Nam - đã có nhiều thời gian gắn bó với Hà Nội. Những mùa đông đáng nhớ của Hà Nội còn ghi những kỷ niệm không phai mờ về một vị Tổng tư lệnh mưu lược đã cùng Hà Nội làm nên chiến thắng...

Mùa đông năm 1946...

Không khí chiến tranh đã nóng bỏng, ngột ngạt hơn bao giờ hết. Mọi nỗ lực của chúng ta tránh cuộc chiến tranh Pháp - Việt nổ ra lần thứ hai đã không có kết quả.

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng... Nhưng chúng ta không ảo tưởng về hòa bình. Trước quyết tâm trở lại Ðông Dương bằng những biện pháp quân sự của thế lực cầm quyền theo phái 'diều hâu' ở Pháp, chúng ta không nao núng và đã tích cực chuẩn bị lực lượng vật chất và tinh thần cho tình huống xấu nhất.

Lịch sử đặt Hà Nội trước thử thách mới. Quân và dân Hà Nội tỏ rõ hào khí Thăng Long của mình trên từng chiến lũy dựng ngang đường phố, trên khẩu hiệu viết lên vành mũ của 'bộ đội sao vuông', trên nụ cười của những chàng trai, cô gái tình nguyện ở lại sống chết với Thủ đô, Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Trong tình huống nổ ra chiến tranh, quân và dân Hà Nội được trao nhiệm vụ tìm mọi cách giam chân quân địch trong thời gian càng lâu càng tốt, tiêu hao một bộ phận quan trọng của quân địch trong thành phố, bao vây và chia cắt chúng, tạo điều kiện cho hậu phương hoàn thành công việc chuẩn bị và tổ chức lực lượng kháng chiến.

Một kế hoạch chiến đấu bảo vệ Hà Nội đã được vạch ra cụ thể. Việc xây dựng các trận địa chiến đấu ở Hà Nội chủ yếu do tự vệ và nhân dân đảm nhiệm. Những 'con đường' mới xuất hiện trong lòng các ngôi nhà phố cổ qua những bức tường được đục xuyên thông. Khẩu hiệu xuất hiện trên tường các ngôi nhà: 'Thà chết không chịu làm nô lệ'; 'Chết vinh hơn sống nhục'... Các cô thiếu nữ Hà thành xưa đã cất bỏ những tà áo dài tha thướt, cắt tóc ngắn, tham gia các đội cứu thương, các đội hỏa thực (nuôi quân). Hằng ngày, tại các Ủy ban khu phố đông nghịt bà con đến xin ghi tên tham gia phục vụ kháng chiến.

Khi Bác Hồ hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp sau khi Pháp gây hấn ở Hải Phòng ngày 20-11-1946: Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc, Hà Nội có thể giữ được bao lâu?

Ðồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt quân và dân Thủ đô, khẳng định với Bác Hồ: Có thể giữ được một tháng.

Buổi chiều ngày 19-12, không khí chiến tranh đã nóng bỏng trên từng con phố Hà Nội. Trước đó Pháp đã gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí của tự vệ ta, đòi đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến và trao quyền duy trì an ninh trật tự ở Hà Nội cho chúng.

Ðồng chí Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy) vẫn cùng với đồng chí Trần Quốc Hoàn (Phái viên đặc biệt của Trung ương cho mặt trận Hà Nội) và đồng chí Vương Thừa Vũ (Chỉ huy trưởng mặt trận) tới phố Khâm Thiên, Ô Chợ Dừa kiểm tra tình hình chuẩn bị chiến đấu... Ðồng chí đến kiểm tra từng vị trí bắn, nói chuyện với các đồng chí tự vệ ở nhà dầu Sen... Cách đó chỉ mấy chục mét là vị trí của quân Pháp.

Cho đến phút cuối cùng trước khi bùng nổ cuộc kháng chiến trường kỳ, anh Văn vẫn ở bên cạnh quân và dân Hà Nội... Từng diễn biến của cuộc chiến đấu ở Hà Nội đều được Bộ Tổng chỉ huy theo dõi sát và chỉ đạo kịp thời. Sau 60 ngày đêm mịt mù khói lửa, chiến đấu quyết liệt trên từng ngõ phố, những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô tạm biệt Hà Nội lên chiến khu tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ. Và họ hẹn với đô thành nghi ngút cháy sau lưng một ngày trở lại không xa.

Quân và dân Hà Nội không phụ lòng tin tưởng của Trung ương, của Bộ Tổng chỉ huy, đã nhân đôi được khoảng thời gian quý báu cho kháng chiến mà anh Văn đã dự kiến với Bác Hồ. 'Ðây là một bước mở đầu oanh liệt của cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp, góp phần làm rạng rỡ truyền thống Ðông Ðô - Thăng Long - Hà Nội.' (1)

Hà Nội mùa đông năm 1972...

Sau bốn năm rưỡi thương lượng vòng vo ở Hội nghị Pa-ri, Mỹ vẫn toan tính dùng 'con ngáo ộp' B52 trong 'canh bạc cuối cùng' trên bầu trời Hà Nội.

Ðúng như dự đoán của Bác Hồ 'Mỹ chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội...', Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu dự kiến trước cho những phương án thua trên bầu trời Hà Nội của không quân Mỹ.

Từ rất sớm, bộ đội ra-đa, tên lửa của ta đã luyện tập các phương án phát hiện và đánh B52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng. Tháng 5-1972, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp bất ngờ nêu câu hỏi với các cán bộ tham mưu tác chiến của quân chủng phòng không: 'Tỷ lệ B52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?'.

Cho đến lúc đó, những phương án đánh B52 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng đều đã có những yêu cầu về hiệu suất chiến đấu từng trận, từng ngày nhưng chưa nói đến chỉ tiêu về tỷ lệ bắn rơi B52... chính Ðại tướng Tổng tư lệnh đã phát hiện ra và đề nghị bổ khuyết thiếu sót đó. Sau mấy tuần vật lộn với những con số, câu trả lời đã được đưa ra: N1- tỷ lệ Mỹ chịu đựng được - là 1-2 % (trên tổng số B52 tham chiến của Mỹ), N2 - tỷ lệ làm Nhà trắng rung chuyển - là 6 - 7 %, N3 - tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc - là hơn 10%.

Câu hỏi tiếp theo của Ðại tướng Tổng tư lệnh với quân chủng Phòng không là: Quân chủng chọn tỷ lệ nào? Câu trả lời lần này có ngay lập tức: Chúng tôi loại trừ N1, quyết tâm đạt N2 và vươn tới N3.

Ðại tướng chỉ thị: Muốn vậy quân chủng phải làm tốt hai việc: Khẩn trương hoàn thành kế hoạch bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng để dựa vào đó hoàn tất mọi công tác chuẩn bị; Gấp rút hoàn chỉnh các tài liệu về cách đánh B52 để lấy đó mà huấn luyện cho bộ đội thật thành thạo.

Quân chủng phòng không đã thực hiện xuất sắc chỉ thị của Ðại tướng, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu N3. Trong 12 ngày đêm mùa đông 1972, 34 chiếc B52 đã bị bắn hạ, tỷ lệ là 17,6% (34/193). Hà Nội góp công trong đó 23 chiếc.

Chỉ vài giờ sau khi chiếc B52 đầu tiên rơi trên cánh đồng Phủ Lỗ (Ðông Anh), Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện chúc mừng đoàn tên lửa Thành Loa. Ðêm 22-12, tự vệ Thủ đô bắn rơi chiếc F111 cánh cụp cánh xòe đầu tiên. Ngay sáng hôm sau Ðại tướng đã đến tận trận địa chia vui và kịp thời động viên các chiến sĩ... Sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt và những tình cảm nồng ấm của anh Văn - như mọi người thân thiết gọi ông - đã cùng quân và dân Hà Nội làm nên kỳ tích Ðiện Biên Phủ trên không mùa đông 1972 lừng lẫy địa cầu...

Mùa đông làm nên nét 'thơ' riêng của Hà Nội, làm cho Hà Nội khác với các thành phố phương Nam. Và có những mùa đông Hà Nội ghi dấu những sự kiện quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Cho đến nay ông vẫn gắn bó thân thiết và trăn trở với tương lai phát triển của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi.

-------------

(1) Thư của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Hội nghị kỷ niệm 23 năm Ngày thống nhất lực lượng vũ trang Thủ đô (tháng 1- 1972) - Lịch sử Ðảng bộ thành phố Hà Nội 1930 - 2000, Nxb Hà Nội, 2004, tr 196.

Theo Ngô Vương Anh (Báo Nhân Dân)

Bình luận
vtcnews.vn