Ai sẽ phải trả lời câu hỏi ‘còn bao nhiêu ông Truyền’?

Thời sựThứ Ba, 25/11/2014 03:00:00 +07:00

(VTC News) – Ai sẽ là người phải trả lời câu hỏi “còn bao nhiêu ông Trần Văn Truyền” mà đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên họp mới đây?

(VTC News) – Ai sẽ là người phải trả lời câu hỏi “còn bao nhiêu ông Trần Văn Truyền” mà đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên họp mới đây?

Từ những sai phạm của nguyên Tổng Thanh Tra Chính phủ Trần Văn Truyền vừa được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề liệu đây có phải là trường hợp duy nhất lợi dụng chức vụ, quyền hạn để kiếm lợi bất minh?

Chất vấn trước Quốc hội trong phiên họp gần đây, đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thẳng thắn đặt câu hỏi “còn bao nhiêu ông Trần Văn Truyền” mà cơ quan chức năng chưa phát hiện ra?
Sau khi những sai phạm của ông Trần Văn Truyền bị phát hiện, nhiều người đặt câu hỏi "Đây có phải là trường hợp duy nhất hay còn nhiều ông Truyền khác chưa được tim ra"?

Trao đổi với PV VTC News sáng nay (25/11), đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, cơ quan quản lý cán bộ từ cấp cao đến cấp thấp cần phải nhanh chóng rà soát lại cán bộ để sớm trả lời câu hỏi mà đại biểu Nguyễn Đình Quyền đã đặt ra.

“Nếu câu hỏi này không sớm được trả lời, chúng tôi sẽ tiếp tục chất vấn trước Quốc hội ở kỳ họp sau. Đại biểu và cử tri cả nước không tin có chuyện chỉ có một mình ông Truyền sai phạm như thế”, bà An nói.

- Bà bình luận gì về vụ việc của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền?

Trước hết qua vụ việc này rõ ràng cho thấy công tác cán bộ của chúng ta có vấn đề. Việc này nó không phải xảy ra trong ngày một ngày hai mà bất ngờ. Đây nó là cả chuỗi rồi, thời gian rất dài, từ năm 2001, mà khi ông Truyền được bổ nhiệm ở vị trí rất cao. Tức là có rất nhiều cơ quan có thể quản lý việc này, xong không phát hiện ra điều gì cả.

 

Trong suốt hơn 10 năm, từ năm 2001 đến nay mà chi bộ không phát hiện ra. Vậy nên giờ người dân mới đặt vấn đề còn rất nhiều đồng chí như ông Truyền chưa bị phát hiện?


 
Thứ 2, việc kê khai tài sản như vậy là hoàn toàn hình thức, không có tác dụng gì, năm nào cũng kê khai mà không phát hiện ra.


Cái nữa tôi muốn nói là các tổ chức chi bộ ở ngay cơ quan Thanh tra Chính phủ nơi ông Truyền công tác cũng có vấn đề. Tại sao bao nhiêu năm mà không phát hiện ra những sai phạm của ông Truyền?

Ở đây có hai vấn đề, một là bản thân các đồng chí trong chi bộ đấu tranh yếu. Hai nữa là các đồng chí theo thói quen, là cấp dưới rất sợ cấp trên, không bao giờ dám phát hiện gì cả. Thế nên trong vụ việc ông Truyền, toàn là nhờ các cơ quan thông tin đại chúng phát hiện ra, sau đó các cơ quan quản lý mới vào cuộc.

Trong suốt hơn 10 năm, từ năm 2001 đến nay mà chi bộ không phát hiện ra. Vậy nên giờ người dân mới đặt vấn đề còn rất nhiều đồng chí như ông Truyền chưa bị phát hiện?

Rồi bây giờ người dân cũng bất ngờ khi thấy ông Truyền ở vị trí ấy (Tổng thanh tra Chính phủ) thì đã phát biểu rất là hùng hồn, mạnh mẽ về tình trạng chống tham nhũng. Vậy thì liệu sẽ thế nào với một số đồng chí đang ở vị trí này nhưng cũng phát biểu rất mạnh mẽ, quyết liệt? Đó là vấn đề chúng ta cần nhìn rõ.

- Theo bà với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố thì có đáp ứng được sự mong đợi của người dân hay chưa?
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An 

Trước mắt, chúng tôi hoan nghênh Ủy ban kiểm tra Trung ương đã có kết luận và như thế là rõ. Việc kết luận sai phạm của một người ở ví trí khá cao như vậy thì thực sự là tốt, đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên đến thời điểm này mới đưa ra được kết luận ban đầu như thế thì cũng có thể coi là chậm. Đáng lẽ ra có thể làm nhanh hơn.

Tất cả mọi cái trong tay mình, hồ sơ trong tay mình, quản lý rất chặt, đồng chí Truyền không phải ở vị trí bình thường mà ở vị trí rất cao, khi bổ nhiệm rà soát rất ghê về thủ tục quy trình.

Vậy nhưng vụ này vẫn làm trong thời gian dài, tính từ lúc bắt đầu kiểm tra đến lúc này mới công bố là hơi chậm.

- Có một thực tế mà dư luận phản ánh về vụ việc của ông Truyền là dù cơ quan kiểm tra đã làm rất tốt, khá gắt gao, nhưng chỉ là sau khi ông Truyền nghỉ hưu. Còn những quan chức đương nhiệm thì gần như không bao giờ chúng ta đề cập đến. Bà bình luận gì về vấn đề này?


Bây giờ thì theo tinh thần chỉ đạo chung của Đảng và Quốc hội, Chính phủ thì gần như không bao giờ có vùng cấm. Tôi tin là với quyết tâm chính trị như thế thì sẽ không có vùng cấm với ai, kể cả đương chức hay không.
 

Hôm trước đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng đã đặt ra câu hỏi “Còn bao nhiêu ông Trần Văn Truyền nữa”? Đó là câu hỏi rất đúng, các cơ quan chức năng phải trả lời cho đại biểu Quyền.
 

Theo tôi đối với bất kỳ ai cũng phải làm, phải làm đúng, không để bị oan. Còn theo tôi nhìn nhận thì nếu tiếp tục theo chiều hướng này thì không có vùng cấm, tôi tin là như thế.


- Không chỉ có ông Trần Văn Truyền, mà trường hợp của Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh có khá nhiều tài sản, cổ phiếu khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn. Tuy nhiên, sau khi công bố vụ việc, đến thời điểm này vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng có động thái gì tiếp theo. Theo bà có phải vì ông Khánh đang đương chức nên sự việc mới 'dậm chân tại chỗ"?

Việc này, theo tôi nghĩ là có thể cũng không phải họ không làm gì tiếp theo đâu, có thể bên Thanh tra Chính phủ cũng đang làm. Hôm trước đồng chí Ngô Văn Khánh cũng đã công bố rõ là đồng chí có bao nhiêu cổ phiếu, bao nhiều tài sản gì rồi. Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố rồi, thế nhưng bây giờ có làm tiếp hay không thì tôi cũng chưa rõ.

Tôi cũng chưa gặp lại đồng chí Tổng Thanh Tra chính phủ để chất vấn xem đồng chí làm tiếp hay không. Tuy nhiên, nếu không làm tiếp, không có câu trả lời rõ ràng hơn thì chắc chắn ĐBQH lại chất vấn tiếp thôi.

Hôm trước đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng đã đặt ra câu hỏi “Còn bao nhiêu ông Trần Văn Truyền nữa”? Đó là câu hỏi rất đúng, các cơ quan chức năng phải trả lời cho đại biểu Quyền.

Để xác minh còn bao nhiêu người như ông Truyền thì cái này ai phải làm? Đương nhiên là tất cả các cán bộ, cơ quan quản lý phải làm rồi, từ cấp thấp đến cấp cao, đều phải làm. Tôi không loại trừ là cấp thấp cũng sẽ phải làm. Tất cả cơ quan quản lý cán bộ các cấp phải làm để trả lời câu hỏi cho đại biểu Nguyễn Đình Quyền là còn bao nhiêu ông Truyền nữa.

- Về vấn đề này, trong kỳ họp Quốc hội tới bà có chất vấn tại hội trường không?

Trong tổng thể chung, tôi sẽ đề nghị rà soát lại toàn bộ trong công tác cán bộ, trong đó có thể sẽ bao gồm cả trường hợp của Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh. Nhưng cái tôi muốn là phải rà soát lại toàn bộ công tác cán bộ vì công tác cán bộ là then chốt nhất, nhất là sắp sửa đến Đại hội Đảng 12, càng phải làm cho nghiêm.

Hoàng Lan
Bình luận
vtcnews.vn