Ai sẽ giành ghế Tổng thống Mỹ năm 2012?

Thế giớiThứ Bảy, 28/05/2011 03:21:00 +07:00

(VTC News) - Còn hơn 18 tháng nữa Mỹ mới bắt đầu bầu cử Tổng thống, nhưng cuộc chạy đua để trở thành Ông chủ Nhà Trắng đã "nóng" lên ngay từ lúc này.

(VTC News) - Vẫn còn hơn 18 tháng nữa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mới bắt đầu diễn ra (6/11/2012) nhưng cuộc đua vào ngôi vị ông chủ Nhà Trắng đã “nóng” lên khi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Obama chính thức tuyên bố tái tranh cử trên trang web cá nhân barackobama.com của mình.

"Nước chưa đến chân đã nhảy"

Ngày 4/4/2011, trên trang web chính thức của mình, ông Obama đã thông báo quyết định tái tranh cử cùng những chiêu thức vận động quen thuộc. Tại đây, những clip ghi ý kiến khác nhau đánh giá về hoạt động của vị Tổng thống thứ 44 đã được đăng tải. Khách ghé vào website này cũng nhận được lời đề nghị ủng hộ vật chất cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Obama cũng như bỏ công sức ra lôi kéo họ hàng, bè bạn, hàng xóm đứng về phía ông.

Êkíp vận động tranh cử của ông Obama cũng đã hối hả vào cuộc. Những cú điện thoại kêu gọi ủng hộ, những cuộc chuyện trò trong các quán café, hay thậm chí băng rôn kêu gọi cùng tham gia vận động đã được treo đầy ở các tuyến phố trên khắp quốc gia, họ đã thực sự vào cuộc.

Cốc nước in hình giấy khai sinh của Tổng thống Obama nhằm dập tắt những nghi ngờ về "gốc gác" của ông

Với hy vọng dập tắt nghi ngờ về “gốc gác” của mình, gia đình Tổng thống Obama cũng đã bắt đầu tung ra những chiếc áo phông hay cốc uống nước in hình giấy khai sinh của ông. Những chiếc áo in khuôn mặt của Tổng thống Mỹ cùng với dòng chữ “Made in the USA” ở mặt trước và ở mặt sau là hình ảnh giấy khai sinh với thông tin chi tiết như ngày sinh, tên gốc và nơi sinh của ông ở Hawaii.


Theo những người tham gia chiến dịch, mục đích của việc bán ra những chiếc áo phông này là nhằm xóa bỏ mối nghi ngờ về nguồn gốc Mỹ của ông chủ Nhà Trắng, dẫn đến những quan điểm cho rằng, ông không đủ tư cách làm Tổng thống Mỹ.

Không chỉ dừng lại ở các hoạt động thiết thực đó, mới đây, Tổng thống Barack Obama cũng đã có chuyến viếng thăm tổng hành dinh của trang mạng xã hội Facebook với khẩu hiệu: Obama và Facebook luôn tồn tại “một tình yêu lớn”.

Bằng việc viếng thăm trụ sở của Facebook tại Palo Alto, trang mạng này đã được Nhà Trắng công nhận là một ông lớn của nền kinh tế Mỹ. Ngược lại, Facebook sẽ giúp đương kim Tổng thống chinh phục lượng cử tri trẻ, nhất là vào thời điểm ông bắt đầu hành trình chay đua tranh nhiệm kỳ thứ hai của mình. Trong một bài phát biểu trước báo giới, ông Jay Carney, người phát ngôn của Nhà Trắng đã nói rằng, trong cuộc tranh cử cho Tổng thống Obama sắp tới, việc sử dụng các mạng xã hội sẽ được đặc biệt coi trọng. Facebook có 500 triệu người sử dụng thường xuyên, và khả năng lan truyền thông tin của nó là điều không tưởng nổi.

Việc viếng thăm trụ sở trang mạng xã hội Facebook sẽ giúp đương kim Tổng thống chinh phục lượng lớn các cử tri trẻ 

Thật không quá bất ngờ khi ông Obama sớm đưa ra quyết định “nước chưa đến chân đã nhảy” của mình. Sự thực trong gần bốn năm điều hành đất nước, những lời hứa, những cam kết “thay đổi” (Change - we can believe in) mà ông đưa ra vẫn còn quá xa vời. Tỷ lệ cử tri ủng hộ các chính sách của ông đã giảm trầm trọng.

Những kế hoạch mà ông đưa ra trong năm 2008 quả thực rất đồ sộ: cải tổ hệ thống y tế, giảm thâm hụt, cải thiện thị trường nhà đất, tìm cách thoát ra khỏi Iraq và tiến lên ở Afghanistan. Điều quan trọng nhất là tạo ra hàng triệu việc làm. “Chúng ta sẽ tái thiết, chúng ta sẽ phục hồi, và nước Mỹ sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết” - ông Obama khi đó hùng hồn khẳng định.

Hai năm sau, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại nhưng vẫn còn yếu ớt. “Đó là hai năm hiệu quả nhất của chúng ta sau nhiều thế hệ” - Tổng thống Mỹ khẳng định. Tuy nhiên, tỉ lệ thất nghiệp Mỹ hồi tháng 2-2009 là 8,2% và tăng lên hai con số vào tháng 10-2009, hiện giờ đang ở mức 9,4%. Thị trường nhà đất vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Nợ công của Mỹ tiếp tục tăng ở mức báo động.

Trong khi đó, Đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng áp đảo tại Hạ viện trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ với tỷ lệ 239/186 trên tổng số 435 ghế. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện John Boehner đã trở thành Chủ tịch Hạ viện, đồng thời phe này cũng nắm giữ cương vị chủ tịch các ủy ban và tiểu ban ở Hạ viện. Quyền kiểm soát Thượng viện vẫn nằm trong tay đảng Dân chủ với tỷ lệ sít sao: 53/47.

Dư luận quốc tế cho rằng trong hơn hai năm cầm quyền, Tổng thống Obama đã ghi được những “điểm vàng” trong chính sách đối ngoại như: rút quân và kết thúc cuộc chiến tại Iraq; khởi động lại chính sách đàm phán hòa bình Trung Đông; sự trở lại của Mỹ tại Đông Nam Á; thắt chặt quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, răn đe Iran, tăng cường chống khủng bố ở Afghanistan… Và đặc biệt mới đây là chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden đã giúp ông ghi điểm trở lại.

Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Barack Obama trong các cuộc thăm dò dư luận đã leo lên 60%, mức cao nhất trong vòng hai năm qua, sau chiến dịch tiêu diệt thành công trùm khủng bố Osama bin Laden 

Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Barack Obama trong các cuộc thăm dò dư luận đã leo lên 60%, mức cao nhất trong vòng hai năm qua, sau chiến dịch tiêu diệt thành công trùm khủng bố Osama bin Laden. Có 73%, chiếm 3/4 số người bỏ phiếu, cho rằng họ tự tin về khả năng giải quyết vấn đề khủng bố của ông Obama. Vị thế của tổng thống Mỹ trong các vấn đề gai góc như Iraq, Afghanistan và quan hệ giữa Mỹ với các nước khác cũng được cải thiện đáng kể.

Vị thế của Tổng thống Obama không chỉ cải thiện trong chính sách ngoại giao mà cả chính sách kinh tế. Có 52% người dân Mỹ ủng hộ ông trong vai trò lãnh đạo nền kinh tế, bất chấp sự phục hồi chậm chạp của Mỹ sau giai đoạn suy thoái. Có thể nói rằng, chiến dịch tiêu diệt thành công trùm khủng bố Bin Laden là một cú hích lớn và đúng lúc, giúp ông lấy lại uy tín và tranh thủ sự ủng hộ của người dân trước thềm cuộc đua vào ghế Tổng thống năm tới.

Đối thủ tương tầm?


Có thể nói rằng thắng lợi của ông Obama trong các vòng bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ sẽ là điều tất yếu khi đảng này vẫn chưa xuất hiện một chính trị gia có uy tín và sáng giá hơn ông. Không phải ngẫu nhiên mà ngay cả một chính khách “cứng đầu cứng cổ” như cựu đệ nhất phu nhân, đương kim Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đã tuyên bố sẵn sàng làm việc tiếp với ông Obama trong nhiệm kỳ mới nếu ông còn “để mắt” tới.

Đối thủ duy nhất hiện nay của ông Obama trong Đảng Dân chủ là ông Terri Rendell, vừa mới chuyển từ đảng Cộng hòa sang đảng Dân chủ vào tháng 1/2011. Ông Rendell được biết đến như một người ủng hộ cấm nạo thai nên khó có thể được xem là đối thủ “tương tầm” với ông Obama trong các vòng bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ.

Còn trong nội bộ đảng Cộng hòa cho tới nay vẫn chưa rõ gương mặt ứng cử viên nặng ký nhất cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012. Theo đánh giá của báo chí Mỹ, trong số này có thể có cựu doanh nhân kiêm cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney (nhiệm kỳ 2003-2007) và cựu Chủ tịch Hạ viện New Gingrich (nhiệm kỳ 1995-1999).

Cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney, một trong những ứng cử viên nặng ký nhất trong cuộc đua vào Nhà Trắng của Đảng Cộng hòa 

Tuy nhiên, theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới đây, cả hai người này đều ở mức thấp hơn ông Obama về chỉ số tín nhiệm. Năm 2008, ông Romney đã từng chạy đua giành quyền đề cử của đảng Cộng hòa, song thất bại do những nghi ngờ của các nghị sỹ về cách ông này điều hành chính quyền bang Massachusetts. Ông cũng vấp phải những chỉ trích về luật cải cách y tế mà ông ban hành, được cho là đã “châm ngòi” cho các cải cách y tế gây tranh cãi của Tổng thống Obama sau này.

Đảng Cộng hòa có thể cũng còn một ứng cử viên nữa cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012, đó là bà Sarah Palin, cựu nữ Thống đốc bang Alasca. Bà Palin từng cặp đôi với Thượng nghị sĩ McCain trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008 nhưng đã “nếm mùi” thất bại.

Nữ ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, bà Sarah Palin 

Tuy nhiên, còn hai ứng cử viên nổi tiếng khác nữa trong đảng Cộng hòa là Hạ nghị sĩ Ron Paul và cựu Thống đốc bang Arkansas Michael Huckabee, người từng ở vị trí thứ ba trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở nội bộ đảng năm 2008.

Năm 1988, ông Ron Paul từng tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ nhân danh đảng Libertarian nhưng chỉ thu được có 0,5% số phiếu bầu (người thắng cử năm đó là ông George Bush cha). Năm 2008, ông Ron Paul cũng định ra ứng cử Tổng thống Mỹ nhân danh đảng Cộng hòa nhưng đã bị Thượng nghị sĩ McCain vượt mặt.

Và mới đây, hai ứng viên thuộc đảng Cộng hòa là doanh nhân Herman Cain và cựu Thống đốc bang Minnesota Tim Pawlenty cũng đã lên tiếng “thách thức” Tổng thống Barack Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Phát biểu tại một cuộc vận động ở Công viên Olympic Thế kỷ tại thành phố Atlanta, Georgia, hôm 21/5, doanh nhân Herman Cain đã chỉ trích chính quyền đương nhiệm không có giải pháp hiệu quả thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và ngày càng nhiều người dân phải sống bằng trợ cấp lương thực; còn cựu Thống đốc bang Minnesota Tim Pawlenty nói trong chiến dịch tại bang Iowa hôm 23/5 rằng: “Sự thật là đất nước chúng ta đang gặp rắc rối. Chúng ta đang nợ quá nhiều. Tổng thống Obama khó giải quyết được vấn đề này”. Theo các nhà phân tích, cả doanh nhân H.Cain và cựu Thống đốc bang Minnesota T.Pawlenty đều sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt và khó lòng chiến thắng trong nội bộ Đảng Cộng hòa.
 
Như vậy, cuộc đua vào ngôi vị ông chủ Nhà Trắng đã thực sự sôi động trên chính trường Mỹ. Ai sẽ chiến thắng và giành ghế Tổng thống năm 2012? Tất cả vẫn còn là câu hỏi lớn khi thời gian diễn ra cuộc bầu cử còn khá dài.

Phương Mai(Tổng hợp)



Bình luận
vtcnews.vn