Ai là chủ nợ của HAGL?

Thể thaoThứ Tư, 13/04/2016 07:59:00 +07:00

Tính đến ngày 31/12/2015, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – HAG) có tổng số nợ vay lên tới 27.099 tỷ đồng, tăng lên 50% so với số nợ 18.126 tỷ đồng của năm 2014.

Tính đến ngày 31/12/2015, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – HAG) có tổng số nợ vay lên tới 27.099 tỷ đồng, tăng lên 50% so với số nợ 18.126 tỷ đồng của năm 2014.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán thì năm 2015, HAGL chỉ đạt 502 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 65% so với cùng kỳ năm 2014.

Nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh bết bát của HAGL chủ yếu đến từ việc giá cao su giảm thê thảm, có lúc xuống dưới giá thành 1.300 USD/tấn so với mức giá 5.500 USD/tấn ở thời điểm cao nhất.  
Bầu Đức đang gặp khó khăn về tài chính
Vì vậy, HAGL hiện có 27.099 tỷ đồng các khoản vay tín dụng và trái phiếu, trong đó có 8.297 tỷ đồng vay ngắn hạn đến thời hạn phải trả trong năm 2016 và 18.801 tỷ đồng vay dài hạn.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán là Ernst & Young Việt Nam đánh giá HAGL đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay trái phiếu.

Xét các khoản nợ thì vay trái phiếu chiếm đến hơn 50% các khoản vay, bao gồm 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, 1.130 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi, 300 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền và 11.564 tỷ đồng trái phiếu thường trong nước.

Trái phiếu phát hành là một hình thức cấp tín dụng theo kiểu “bơm một cục” nhanh và thoáng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các trái chủ khi họ không quản lý, giám sát được hoạt động sử dụng vốn của đơn vị phát hành.

Hiện tại, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là chủ nợ lớn nhất của HAGL với số tiền 10.715 tỷ đồng bao gồm các tín dụng cho vay thông thường và thu xếp phát hành trái phiếu.

Chủ nợ lớn thứ hai của HAGL là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với tổng số tiền là 3.955 tỷ đồng, trong đó có 3.155 tỷ đồng cho vay dài hạn và 800 tỷ đồng sở hữu trái phiếu.
 Ông Lê Hùng Dũng có nhiều mối quan hệ làm ăn với ông Đoàn Nguyên Đức
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) là chủ nợ lớn thứ 3 của HAGL với 2.800 tỷ đồng cho vay dưới hình thức trái phiếu.

Một chủ nợ lớn khác của HAGL là Ngân hàng Liên doanh Lào – Việt, số tiền cho vay của Liên doanh này đối với HAGL là 2.250 tỷ đồng.

Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HD Bank) với số tiền cho vay và sở hữu trái phiếu tại HAGL là 2.236 tỷ đồng, bao gồm 1.386 tỷ đồng cho vay tín dụng và 850 tỷ đồng sở hữu trái phiếu.

Một số chủ nợ khác có số dư nợ dưới hình thức cho vay tín dụng hoặc sở hữu trái phiếu tính đến ngày 31/12/2015 còn có Sacombank (1.208 tỷ đồng), Bắc Á Bank (820 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đại chúng VN (300 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Bản Việt (240 tỷ đồng) và TP Bank (200 tỷ đồng).
Học viện HAGL Arsenal JMG được đem thế chấp
Ngoài ra, một đối tác nước ngoài là Northebrooks Investment (một thành viên của Tập đoàn Temasek, Singapore) hiện đang sở hữu 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và 1.130 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi tại Hoàng Anh Gia Lai. Tổng số tiền vay dưới hình thức phát hành trái phiếu của HAGL tại Northebrooks Investment là 2.230 tỷ đồng, kỳ hạn thanh toán lần lượt là tháng 8 và tháng 7/2017.

Với dư nợ khá lớn của các thành viên trong hệ thống ngân hàng tại HAG – ngang với tổng tài sản của một ngân hàng thương mại cổ phần cỡ nhỏ. Vì vậy, cuối tháng 3/2016 vừa qua các ngân hàng đã nhóm họp để bàn về việc tái cơ cấu nợ cho HAG.

Trả lời báo chí về sự việc trên, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HAGL cho biết hiện HAGL đang đàm phán để tái cơ cấu. Khi có kết quả, doanh nghiệp sẽ thông báo tới cổ đông và công chúng.

Nguồn: Zing

Bình luận
vtcnews.vn