Ai được tham gia viết sách giáo khoa mới?

Giáo dụcThứ Năm, 23/04/2015 08:28:00 +07:00

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ có nhiều thành phần cũng được tham gia vào quá trình viết sách giáo khoa mới.

(VTC News) – Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ có nhiều thành phần cũng được tham gia vào quá trình viết sách giáo khoa mới.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được viết trước, căn cứ vào đó mới ban hành các chương trình môn học, sau đó mới biên soạn đề cương sách giáo khoa.

Chương trình bộ môn muốn được thẩm định phải đối chiếu với chương trình tổng thể, còn sách giáo khoa phải đối chiếu với chương trình bộ môn mới được thông qua.
sách giáo khoa
Nhiều thành phần sẽ được huy động để viết sách giáo khoa mới 
“Đây là điểm thay đổi căn bản so với trước đây. Ban hành chương trình sẽ giúp cho việc biên soạn được thống nhất, đảm bảo tính khoa học, sư phạm, khả thi và độ tin cậy”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.

Năm nay, nhiều tổ chức cá nhân được tham gia nên Bộ yêu cầu phải có đề cương.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng thông tin thêm: “Vấn đề này chúng tôi xin nói rõ hơn rằng viết đề cương là để họ mường tượng được những việc cần phải làm, sau đó Bộ góp ý để chỉnh sửa cho chất lượng hơn, chứ đề cương không phê duyệt.

Trước đây cũng không có chuơng trình tổng thể, lần này có sẽ đảm bảo tính nhất quán, liên thông, không bị cắt khúc.

Hiện tại, Hội đồng viết chương trình chưa thành lập, nhưng Bộ đã tập hợp những nhà khoa học có năng lực theo các tiêu chí để viết nội dung tổng thể và đã tổ chức nhiều hội thảo để tiếp nhận góp ý.

Thứ trưởng Hiển cũng chia sẻ: “Dù chưa hình thành nhóm viết chương trình, sách giáo khoa trên văn bản nhưng nhóm làm việc thật đã có, thường xuyên trao đổi với nhau”.

Bộ sẽ mời những người bên ngoài vào để viết chương trình sách giáo khoa. Hiện tại, đội ngũ này cũng không có nhiều người của Bộ.

“Có 3 tiêu chí cơ bản mà người tham gia viết chương trình, sách giáo khoa cần có là phẩm chất con người vì viết sách hay chương trình dù giỏi đến mấy mà không có phẩm chất tốt cũng không được. Tiêu chí thứ hai là phải giỏi về khoa học. Tiêu chí thứ ba là phải có năng lực sư phạm. Người viết chương trình và sách giáo khoa phải là 2 trong 1. Nhưng lực lượng này chúng ta chưa có nhiều, nên phải xây dựng dần”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.

Bên cạnh đó, người viết chương trình, sách giáo khoa cần có là năng lực tiếp thu vì sẽ làm việc tập thể, năng lực thực tiễn, có kinh nghiệm giáo dục phổ thông. Bộ sẽ lấy ý kiến nhiều giáo viên phổ thông thông qua các văn bản theo hệ thống dọc và công bố trên mạng, nhưng số lượng thẩm định thì chỉ số lượng nhỏ.
Sách giáo khoa
Muốn được viết sách giáo khoa mới, người tham gia phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể 
Thời hạn công bố rộng rãi chương trình để xã hội cho ý kiến có 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ tháng 4/2015 đến 6/2016 với mục tiêu đặt ra là ban hành được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học.

Giai đoạn 2 từ 7/2016 đến hết 6/2018 ít nhất phải ban hành được bộ sách giáo khoa cho lớp 1, lớp 6 và lớp 10, đảm bảo 2018-219 có một bộ sách để bắt đầu áp dụng.

Giai đoạn 3 từ 7/2018 đến 2023, thực hiện cuốn chiếu theo từng cấp học. Lộ trình đề án chỉ rõ hoạt động đề án từng năm để 2022-2023 chương trình sách giáo khoa mới được áp dụng trên toàn quốc.

Bộ sẽ chỉ đạo một tổ chức viết sách giáo khoa, có thể là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

“Dù là đơn vị nào thì đều phải có nhũng cá nhân đảm bảo khả năng viết sách tốt nhất. Bộ cũng nhận được công văn của Sở Giáo dục TP HCM đăng ký viết sách giáo khoa. Bộ đồng ý vì cần khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia viết, nhưng chỉ khi nào Bộ phê duyệt, thẩm định thì sách mới được phát hành”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn