Ai chịu trách nhiệm khi để thả nổi giá thuốc tân dược?

Kinh tếThứ Tư, 17/11/2010 06:36:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều ĐBQH đặt ra câu hỏi này khi chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, QH khóa XII nhé

(VTC News) - Nhiều ĐBQH đặt ra câu hỏi này khi chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, QH khóa XII nhé

 

Theo bản tập hợp ý kiến chất vấn của ĐBQH tại kỳ họp thứ 8, trong số 203 câu hỏi chất vấn tính đến ngày 14/11, có hơn 10 câu hỏi xoay quanh nguyên nhân tăng giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là giá thuốc tân dược; trách nhiệm để giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân và giải pháp kiềm chế lạm phát…

 

Trách nhiệm các ngành chức năng trong quản lý giá?

 

Gửi câu hỏi chất vấn đến Thủ tướng, ĐB Nguyễn Minh Hà (Hà Nội) phản ánh tình trạng giá cả tăng liên tục, không giảm, ngoài tăng giá vàng, giá đô la, giá hàng hóa sinh hoạt của nhân dân cũng bị ảnh hưởng nhiều và “đề nghị Chính phủ phải có giải pháp cụ thể để kiềm chế sự gia tăng của giá cả để đảm bảo đời sống nhân dân cũng như ổn định trong cuộc sống”.

 

Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh phát biểu tại kì họp kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII  (Ảnh CTV)
Cùng mối quan tâm, ĐB Nguyễn Quy Nhơn (Quảng Nam) bày tỏ lo lắng trước tình trạng giá cả một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, sữa, thuốc chữa bệnh vẫn tiếp tục tăng cao. Có mặt hàng tăng đến gần 20% ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đặc biệt là nông dân, người làm công ăn lương. Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm theo báo cáo của Chính phủ tăng 6,5%, dự báo những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng cao, khó có thể kiểm soát ở 8% theo nghị quyết của QH (gần Tết Nguyên đán, tăng lương) nếu không có giải pháp kiềm chế, quản lý chặt chẽ.

 

Vì vậy, ĐB này “đề nghị Bộ trưởng Công thương cho biết nguyên nhân vì sao? Trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý giá như thế nào? Giải pháp nào để kiểm soát và bình ổn giá cả, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu của đời sống nhân dân?”.

 

Dẫn thực tế  tăng giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu, ví như chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008, mặt hàng dầu ăn đã tăng 8 lần, mặt hàng sữa từ đầu năm 2009 đến nay tăng giá 20 lần, giá thịt lợn tăng từ 30.000 đồng lên 70.000 đồng/kg, giá đường tăng từ 11.000 đồng lên 23.000 đồng/kg, ĐB Danh Út (Kiên Giang) chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh “việc tăng giá trên có nằm trong quản lý giá của Nhà nước không?

 

Những mặt hàng tăng giá phần nhiều là hàng hóa thuộc diện bình ổn giá, vậy trách nhiệm quản lý giá của ngành chức năng ra sao, giải pháp bình ổn giá sắp tới như thế nào để ổn định sản xuất, đời sống của nhân dân?”.

 

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng đề nghị Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết nguyên nhân (nhất là nguyên nhân chủ quan) của tình hình tăng giá cao hiện nay? Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc tham mưu với Chính phủ và thực hiện các chính sách quản lý, điều tiết, kiềm chế tăng giá?

 

Lo dân “nặng gánh” vì giá thuốc + viện phí tăng

 

Trước tình trạng giá thuốc tân dược tăng cao, chưa kiểm soát được, nhiều ĐBQH đã chất vấn cả Bộ trưởng Tài chính lẫn Bộ trưởng Y tế.

 

ĐB Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) phản ánh tình trạng “giá thuốc chữa bệnh tăng rất nhanh”. Kết quả thanh tra giá thuốc của Cục Quản lý dược gần đây công bố cho thấy, từ khâu nhập khẩu tới người tiêu dùng, giá thuốc có sự chênh lệch quá lớn, có loại tăng đến 500%. BHXH Việt Nam là cơ quan quản lý quỹ BHYT, hằng năm phải chi trả số tiền thuốc chênh lệch với số tiền khổng lồ, chiếm 60% quỹ BHYT, nhưng đã không có vai trò gì trong quy trình đấu thầu giá thuốc tại các bệnh viện.

 

“Chúng tôi cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân làm tăng giá thuốc chữa bệnh. Vậy trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý quản lý về giá thuốc như thế nào? Giải pháp nào để quản lý giá thuốc có hiệu quả? Theo Bộ trưởng, BHXH Việt Nam nên có trách nhiệm gì trong đấu thầu giá thuốc tại các bệnh viện?”, ĐB Lễ chất vấn.

 

Trước tình trạng chưa phân định rõ thẩm quyền giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính về kiểm soát giá thuốc, ĐB Trương Thị Ánh (TP.HCM) cũng chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh “ai chịu trách nhiệm chính về tình trạng thả nổi giá thuốc hiện nay. Thời gian, giải pháp gì để sớm ổn định giá thuốc?”.

 

Trước ý kiến cử tri cho rằng giá nhiều mặt hàng thuốc ngoài thị trường tăng, cộng với việc Bộ Y tế dự kiến sẽ tăng viện phí đang thực sự chồng chất thêm khó khăn cho người bệnh, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Y tế: việc quản lý Nhà nước và giá thuốc hiện nay như thế nào? Trách nhiệm của Bộ Y tế đến đâu? Dự kiến có tăng viện phí hay không? Lộ trình như thế nào?

 

Theo đề xuất trước đó của Ủy ban TVQH, Thủ tướng cùng 4 Bộ trưởng: Công thương, Y tế, Tài chính, GTVT sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp này bắt đầu từ ngày 22.11 tới. Việc “chốt” danh sách các thành viên trả lời chất vấn cuối cùng sẽ do ĐBQH quyết định.



 

Thạch Thảo

Bình luận
vtcnews.vn