AFF Cup 2016: Bóng đá Việt Nam sẽ chuyển mình?

Thể thaoThứ Sáu, 02/12/2016 07:12:00 +07:00

Những cố gắng đổi mới trong cách cầm quân của các HLV, sẽ chỉ làm được nhờ cái uy, nếu không có sự tiếp sức từ cả làng bóng đá Việt Nam.

1. Đào tạo bóng đá có 3 giai đoạn cơ bản: thể lực, kĩ thuật, chiến thuật, thì ở Việt Nam, mỗi thứ đều chỉ ở mức nửa vời, chỉ làm trọn vẹn lúc sung mãn. Dù kĩ thuật ở tốp châu Á, bóng đá Việt Nam vẫn thường chọn cách "chạy nhiều ra chiến thuật".

Xong giai đoạn 1 đã thở không ra hơi, đến giai đoạn 2 thực hiện cho có, rồi vào phòng ngồi ghế, mở xem các đoạn băng ghi hình ở giai đoạn 3. Hoặc, ai mạnh, thích thú giai đoạn nào thì nghiêm túc ở giai đoạn đó. Mọi thứ cứ manh mún và lắt nhắt như thế.

IMG_6121

 Chấn thương của Tuấn Anh là đề tài nóng nhất ở tuyển Việt Nam, trước thềm AFF Cup 2016 (Ảnh: Hoàng Tùng)

Bởi vậy, vấn đề luôn được quan tâm nhất ở tuyển Việt Nam lâu nay, chỉ đơn giản là tinh thần và tình hình chấn thương của các cầu thủ. Mọi thứ luôn xoay quanh những câu chuyện, ai tươi cười, ai cau có, ai hăng hái tập thêm, ai phải tập riêng, lững thững chạy quanh sân với bác sĩ,...

Đội tuyển nào sẽ vô địch AFF Suzuki Cup 2016?

2. Bóng đá Việt Nam đang có sự thay đổi mạnh trong cách cầm quân của các HLV trưởng. Từ Phan Thanh Hùng ở cấp CLB, Đinh Thế Nam, Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Hữu Thắng ở các cấp độ Đội tuyển Quốc gia,... đều là những HLV chịu khó học hỏi, giữa muôn trùng kiến thức từ guồng quay luôn tiến hóa của bóng đá hiện đại. Và họ cũng đã, đang mạnh dạn áp dụng những gì học được.

Có mẩu chuyện để minh chứng cho điều trên là, lúc ở tuổi 40 có lẻ, HLV Thanh Hùng vẫn mày mò tiếng Anh, để tự nghiền ngẫm thêm các tài liệu bóng đá thế giới, và đơn giản là để hiểu, hò hét những ông Tây trong đội. Ban đầu chập chững, tài liệu nào quá khó để hiểu cặn kẽ, ông Hùng gửi cho cô con gái ruột dịch ra luôn song ngữ Việt - Anh, dễ đối chiếu, nhớ từ vựng hơn cho lần sau.

hlv-hoang-anh-tuan-u19-viet-nam

 Mấy ai quan tâm về chuyên môn của HLV Hoàng Anh Tuấn, hay chỉ chú ý lời đồn về sự độc đoán của ông?

Nhưng suy cho cùng, vì bóng đá Việt Nam vẫn nửa vời mọi thứ, tất cả những gì các HLV trên làm được chỉ dừng ở mức dấu ấn cá nhân. Nói được, làm được bằng cái uy, bằng... tuổi đời, chứ ít ai công nhận về chuyên môn.

Điển hình HLV Hoàng Anh Tuấn ở U19 Việt Nam. Ông Tuấn chọn thứ bóng đá y hệt cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam - Toshiya Miura, và đã giành vé dự World Cup U20. Nhưng khi nói về thành công đó, rất nhiều ý kiến chắc nịch, chẳng qua vì tụi nhỏ U19 chưa đủ trình láu cá trước sự độc đoán của vị HLV quê Khánh Hòa.

Hay mới nhất là với HLV Hữu Thắng ở tuyển Việt Nam, người ta chỉ nói về cái uy, sự từng trải của một cựu cầu thủ thuộc thế hệ Vàng từng trải qua nhiều, hoặc đơn giản là nói hình bóng một thủ lĩnh gốc Nghệ An trong tập thể "Nghệ Tĩnh và những người bạn".

dt-viet-nam-aff-cup-2016-23

 HLV Hữu Thắng đơn giản chỉ là 'soái ca' quê gốc Nghệ An? (Ảnh: Hoàng Tùng)

Rất ít ai chú ý rằng, ông Thắng toan tính đúng ra sao trong chiến thắng 1-0 trước Malaysia, khi dùng đội hình "Nghệ Tĩnh +3" và xếp Trọng Hoàng đá chính thay Văn Toàn. Hay ông Thắng đã sai như thế nào khi tung Phi Sơn vào sân ở phút 61 trận Việt Nam 2-1 Campuchia, khiến tuyển Việt Nam mất thế công ở hành lang phải.

3. Bóng đá Việt Nam đang có những HLV, những người thầy, nỗ lực từng ngày để chuyên môn lẫn kiến thức bản thân không quá tụt hậu so với đồng nghiệp thế giới. Không thiếu những HLV Việt Nam mạnh dạn trình bày ý kiến trong các lớp học HLV tầm châu lục, và cũng đã được các giảng viên gật gù công nhận "sáng kiến hay quá".

Tuy nhiên, nếu có thực tâm hỏi rằng: "Tại sao chuyên môn của các anh được bạn bè châu Á ghi nhận tốt là thế, mà vẫn chưa thể gặt hái được gì khả quan ở châu lục, hay chí ít là khu vực Đông Nam Á? Những thành công chỉ mang tính nhất thời".

Chắc hẳn mẫu số chung cho câu trả lời sẽ là: "Lực mình chỉ đến đó thôi. Mình muốn mà đội bóng không thể, cầu thủ không thể".

ban-huan-luyen-tuyen-viet-nam

Cần tôn trọng và đánh giá đúng mức những đóng góp về chuyên môn của các HLV Việt Nam (Ảnh: Hoàng Tùng)

Mong rằng, cả làng bóng đá Việt Nam và luôn cả truyền thông, dư luận, sẽ không quá săm soi những chuyện hậu trường, bên lề, để rồi quên mất sự công nhận, trân trọng và đánh giá đúng về chuyên môn của các HLV Việt Nam.

Đừng để họ mất đi sự tự tin khi chứng tỏ năng lực cầm quân. Đến mức mà trong các buổi tập, dường như chỉ có tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2016 là "tập kín" luôn với các phóng viên trong nước. Còn Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Indonesia, chỉ cấm các phóng viên quốc tế, "đồng hương" thoải mái tác nghiệp, tiếp cận trong giới hạn đã quy định trước.

Hoàng Tùng (từ Indonesia)
Bình luận
vtcnews.vn