90% nhà tiêu hợp vệ sinh, bao nhiêu % HS nhịn tiểu?

Tổng hợpThứ Sáu, 18/11/2011 08:55:00 +07:00

Cả nước có 90,1% trong số 36.000 trường học trên cả nước có nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhà tiểu hợp vệ sinh đạt 89,1%.

Cả nước có 90,1% trong số 36.000 trường học trên cả nước có nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhà tiểu hợp vệ sinh đạt 89,1%. Số liệu thống kê được Bộ GD-ĐT công bố tại hội nghị tổng kết 5 năm thực thi chỉ thị của Thủ tướng về y tế trường học.
 

Nhiều độc giả chưa quên câu chuyện đầu năm học 2011-2012, các cháu Trường Mầm non Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội phải đi vệ sinh vào túi nilon vì cả trường gần 700 cô và trò chỉ có một nhà vệ sinh dùng cho tiểu tiện.
Không riêng gì Thạch Thất, tại tỉnh Hậu Giang, có một câu chuyện hài hước mà mỗi khi nhắc đến “chuyện nhà vệ sinh” thì giáo viên nào cũng biết.
Ở một trường THPT trong tỉnh, do nhà vệ sinh ít lại không sạch sẽ nên nữ giáo viên mỗi khi có nhu cầu lại phải chạy xe về nhà giải quyết. Mỗi lần chạy như thế lại trễ giờ dạy nên bị lãnh đạo nhà trường nhắc nhở mà không dám thanh minh vì ngượng.
Chuyện ở Hữu Bằng hay Kiên Giang có thể là hy hữu, lọt trong số 10% còn chưa trọn vẹn kia. Nhưng với nhiều phụ huynh, ngay cả ở thành phố, không ít người băn khoăn với con số có đến 90,1% trường học có nhà vệ sinh hợp vệ sinh, nhà tiểu hợp vệ sinh đạt 89,1%; khi mà học sinh đến trường nhịn tiểu đã không còn là chuyện hiếm trong câu chuyện bên lề về con cái đi học.
Bởi vậy mà góp ý tại hội nghị  sáng nay, nhiều đại biểu lo lắng đó là "tỷ lệ ảo", không thực. Một đại biểu cho rằng, ngay tại Hà Nội còn nhiều trường học chưa có nhà vệ sinh, nói gì đến nhà tiêu hợp vệ sinh?
Ngay cả một thống kê mới đây, chỉ riêng tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm đơn vị này đã phải tiếp nhận khoảng 1500 trẻ bị mắc các bệnh liên quan đến đường tiểu và thận. Nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh này ở trẻ là do việc trẻ nín nhịn quá lâu, không chịu đi vệ sinh do nhà vệ sinh trong trường quá bẩn.
Thay vì tập hợp lại con số "chín chục phần trăm", ngành giáo dục cần có đánh giá tổng quát, phủ rộng các vùng miền để đưa con số thuyết phục. Từ đó có cách giải phù hợp. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cũng đã nói ngay rằng, sức khỏe là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng học tập, sáng tạo, sự phát triển cũng như tương lai cuộc sống của học sinh, sinh viên.

Theo Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn