80 trẻ chùa Bồ Đề không được đăng ký khai sinh, ai chịu trách nhiệm?

Thời sựThứ Ba, 28/10/2014 12:25:00 +07:00

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước sự việc 80 trẻ em ở chùa Bồ Đề không được thực hiện quyền cơ bản của mình?

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước sự việc 80 trẻ em ở chùa Bồ Đề không được thực hiện quyền cơ bản của mình?

Sáng 28/10, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Luật Hộ tịch với nhiều nội dung quan trọng.

Về việc cấp Giấy khai sinh, đa số các đại biểu tán thành việc tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định hiện hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc vụ cho rằng đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận việc ra đời của một con người. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trẻ em sinh ra được Nhà nước cấp Giấy khai sinh trong đó có ghi những thông tin cơ bản của trẻ em, Giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải -Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  

Hơn nữa, việc cấp Giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc.


Do đó, Uỷ ban Thường vụ tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng cần phải bổ sung quy định về trách nhiệm đăng ký giấy khai sinh và các thủ tục đăng ký giấy khai sinh đối với các tổ chức, cá nhân với việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi.

Vị nữ đại biểu tỉnh Hòa Bình cho biết thời gian qua,  việc tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, trẻ lang thang cơ nhỡ tại các nhà chùa đã thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân ta.

“Tuy nhiên khi đối chiếu với các quy định pháp lý hiện hành thì còn nhiều điều chưa cụ thể. Nhiều nhà chùa chưa đáp ứng được yêu cầu đối với một cơ sở bảo trợ xã hội. Như trường hợp xảy ra tại chùa Bồ Đề trong thời gian qua đã khiến dư luận rất bức xúc”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu ý kiến.

Qua rà soát, kiểm tra, các cơ quan chức năng nhận thấy tại thời điểm đó chùa Bồ Đề đang chăm 120 trẻ em nhưng có 80 trẻ em chưa được đăng ký khai sinh, chưa được thực hiện quyền cơ bản của mình theo quy định của pháp luật.

Việc chưa được đăng ký khai sinh sẽ khiến các em khó khăn trong việc được nhận làm con nuôi, quyền có mái ấm như bao trẻ em khác. Những điều này đã được quy định tại Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của trẻ em mà Việt Nam đã cam kết tham gia.

Những đứa trẻ được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề (Ảnh: internet)

Khi phát hiện ra sự việc, UBND Hà Nội, UBND Quận Long Biên đã tích cực giải quyết. “Nhưng câu hỏi được đặt ra là cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước sự việc 80 trẻ em không được thực hiện quyền cơ bản của mình?”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi.


Vị đại biểu này cho rằng, nếu đối chiếu vào các điều khoản được quy định trong dự thảo luật thì thấy còn rất chung chung.

 

Tuy nhiên khi đối chiếu với các quy định pháp lý hiện hành thì còn nhiều điều chưa cụ thể. Nhiều nhà chùa chưa đáp ứng được yêu cầu đối với một cơ sở bảo trợ xã hội. Như trường hợp xảy ra tại chùa Bồ Đề trong thời gian qua đã khiến dư luận rất bức xúc.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải
 
“Với sai phạm cụ thể như vậy nhưng rất khó chỉ ra ai là người phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường, thậm chí là bị xử phạt hành chính”, bà Hải nêu quan điểm.


Theo số liệu đăng trên báo Pháp luật ngày 31/7/2014, qua rà soát 32 tỉnh thành phố, cả nước có 1133 trẻ em được nuôi dưỡng trong các nhà chùa, các cơ sở tôn giáo. Trong đó chỉ có một cơ sở tôn giáo duy nhất là giáo xứ Hoàng Nguyên (ở Phú Xuyên, Hà Nội) được ra quyết định là trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ chăm sóc trẻ em chính thức.

“Vậy là trong số 1133 trẻ em có bao nhiêu trẻ em chưa được đăng ký khai sinh. Cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này?”, bà Hải tiếp tục đặt câu hỏi.

Đây là một dự án luật có phạm vi điều chỉnh lớn, tác động đến mọi người dân trong suốt chiều dài cuộc sống, gắn với những sự kiện quan trọng nhất của đời người.

“Mong ban soạn thảo bổ sung nội dung cụ thể khả thi về trách nhiệm, chế tài, thanh kiểm tra, xử lý cơ quan chức năng, cá nhân có trách nhiệm nếu để buông lỏng quản lý dẫn tới không đảm bảo quyền đăng ký hộ tịch của các cá nhân mà đặc biệt là đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ ngoài giá thú, trẻ lang thang cơ nhỡ. Việc này sẽ đảm bảo chấm dứt những sự việc đáng tiếc đã nêu trên”, vị đại biểu tỉnh Hòa Bình đề xuất.

Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hoà) cũng đề nghị cần phải quan tâm hơn đến việc đăng ký giấy khai sinh cho các trẻ em bị bỏ rơi, cơ nhỡ.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn